Inception - bộ phim về những giấc mơ không hồi kết, với cái kết không lời giải khiến khán giả phải tranh cãi đến tận bây giờ.
Dù đã công chiếu từ tháng 7/2010, nhưng cho đến tận bây giờ, Inception vẫn luôn được nhắc với tư cách tác phẩm xuất sắc bậc nhất của dòng phim sci-fi trong thập kỷ qua. Không chỉ đơn giản là kịch bản lôi cuốn, nhiều tầng ý nghĩa, mà bom tấn của đạo diễn Christopher Nolan đã thay đổi hoàn toàn cách làm phim khoa học và tạo cảm hứng cho rất nhiều tác phẩm đi sau.
Nói đến Nolan và Inception, người ta phải khâm phục vị đạo diễn này ở 2 điểm: Ông là người hiếm hoi có thể khiến các studio lớn gật đầu ngay với những kịch bản tự viết của mình, thay vì xây dựng kịch bản chuyển thể. Còn Inception được coi là đỉnh cao về đề tài những ảnh hưởng của thời gian, không gian và ký ức đối với cách chúng ta nhìn nhận thế giới - 1 chủ đề mà Nolan đã theo đuổi từ khi sản xuất Memento vào năm 2000.
Sau thành công vang dội với The Dark Knight, Nolan nổi lên như 1 trong những đạo diễn xuất sắc bậc nhất lúc đó giờ và gần như có thể đảm nhận bất cứ dự án điện ảnh lớn nào. Tuy nhiên, ông quyết định đã đến lúc thực hiện Inception - ý tưởng ông ấp ủ từ năm 2001, nhưng buộc phải ngừng lại vì tự nhận thấy bản thân chưa đủ kinh nghiệm đạo diễn. Không có nhà sản xuất nào dám đầu tư cho 1 bộ phim kịch bản gốc, chi phí lớn và đến từ 1 người còn non nớt cả.
Inception là dự án đã được Christopher Nolan ấp ủ trong gần 10 năm liền.
Điều này đã thay đổi hoàn toàn sau khi loạt phim Batman ra mắt trong khoảng thời gian từ năm 2008 - 2012. Danh tiếng đã giúp Nolan dễ dàng “chốt deal” với Legendary Pictures và Warner Bros. để có thể sản xuất dự án trị giá 160 triệu USD của mình. Kịch bản mới lạ, táo bạo, cùng dàn diễn viên khủng, bao gồm Leonardo DiCaprio, Marion Cotillard hay Joseph Gordon-Levitt, đã giúp Inception nhanh chóng chinh phục toàn bộ khán giả thế giới, kể cả những người không thực sự yêu thích thể loại sci-fi.
Cái hay của Inception nằm ở chỗ, cho đến tận bây giờ, người ta vẫn đang tranh cãi về cái kết của phim. Liệu toàn bộ sự việc có thực sự diễn ra như những gì chúng ta được chứng kiến trên màn ảnh lớn, hay đó vẫn chỉ là 1 giấc mơ không lối thoát của Dom (DiCaprio)? Con quay ở phân cảnh cuối cùng của phim liệu có dừng lại hay không (hiện thực), hay vẫn sẽ mãi mãi quay đều như vậy? (giấc mơ). Tất cả đều là những bí ẩn mà Nolan muốn khán giả tự mình đưa ra câu trả lời.
Inception là bộ phim sci-fi đỉnh cao nhất kể từ sau khi The Matrix ra mắt.
Khi công chiếu vào năm 1999, The Matrix được đánh giá là bộ mặt mới của cả dòng phim sci-fi lẫn nền điện ảnh thế giới trong thập kỷ tiếp theo. Không chỉ mang đến ý tưởng về thế giới thực - ảo (ma trận), The Matrix còn là nguồn cảm hứng cho rất nhiều tác phẩm hành động, võ thuật, bắn súng và thậm chí là siêu năng lực. Mọi nhân vật khi đi vào ma trận đều mang trang phục màu đen và thấm nhuần triết lý về số phận, ý chí tự do và bản chất của thực tế - những điều mà khán giả có thể dễ dàng bắt gặp ở những bộ phim ra mắt sau này.
Inception thực sự là 1 quả bom đối với lĩnh vực điện ảnh lúc bấy giờ, giống như những gì The Matrix đã làm được hơn 10 năm trước đó.
1 thập kỷ sau, đến lượt Inception cũng làm được điều tương tự. Tuy nhiên, trong khi đa số các phim sci-fi khác đều cố gắng học theo The Matrix một cách hời hợt ở nhiều khía cạnh, Inception lại đi sâu hơn và mô phỏng, thay vì bắt chước, bom tấn của đạo diễn Lana Wachowski, để từ đó tìm ra chất phim riêng cho mình. Nolan đã có cách sắp xếp, xây dựng những phân cảnh hành động hết sức thông minh và sử dụng chúng để làm nổi bật lên (chứ không phải lu mờ đi) nội dung chính của phim.
Kết quả là Inception đã đạt được thành công vang dội với khoản doanh thu phòng vé cán mốc 830 triệu USD, giống như cái cách The Matrix đã làm được 10 năm trước đó. Dự án tâm huyết của Nolan cũng nhận được nhiều lời khen từ giới chuyên gia, ẵm về 4 giải Oscars năm 2011 cùng hàng tá đề cử khác, trong đó bao gồm hạng mục Phim điện ảnh xuất sắc nhất.
Inception là niềm cảm hứng mới cho dòng phim sci-fi thông minh.
Nhờ có Inception, dòng phim khoa học viễn tưởng bỗng có sự hồi sinh mạnh mẽ, với tần suất khoảng 1 bom tấn/năm trong suốt 1 thập kỷ qua. Khán giả quốc tế lần lượt được đón nhận rất nhiều tuyệt tác như: Looper (2012), với sự tham gia của chính “Arthur” Gordon-Levitt trong Inception. Gravity (2013), một trong những bộ phim 3D ấn tượng nhất thời hậu Avatar, ẵm về rất nhiều tượng vàng Oscars 2014, trong đó có hạng mục đạo diễn xuất sắc nhất dành cho Alfonso Cuarón. Hay Arrival (2016), bộ phim mang dáng dấp của Inception với kịch bản lắt léo và tận dụng triệt để sức mạnh kĩ xảo để thu hút khán giả.
Inception đã truyền cảm hứng cho rất nhiều bộ phim sci-fi đi sau cả về mặt nội dung kịch bản lẫn kĩ xảo điện ảnh.
Bản thân đạo diễn Nolan cũng ra mắt thêm 1 siêu phẩm nữa trong khoảng thời gian này. Đó chính là Interstellar, công chiếu vào năm 2014, tập trung vào câu chuyện 1 nhóm phi hành gia đi lang thang khắp vũ trụ thông qua các wormhole để tìm kiếm hành tinh mới mà con người có thể sinh sống được. Nếu so về doanh thu hay tầm ảnh hưởng đối với nền văn hóa đại chúng, Interstellar có phần nào đó lép vế so với Inception. Tuy nhiên, đây vẫn là 1 trong những cái tên quan trọng đã góp phần thúc đẩy sự phát triển của dòng phim sci-fi kinh phí cao nói chung.
10 năm sau Inception, Nolan tiếp tục trung thành cùng dòng phim đã làm nên thương hiệu của ông với bom tấn TENET, tập trung vào concept đảo ngược dòng chảy của thời gian, nhưng không phải là du hành về quá khứ. Tuy nhiên, vì ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên bộ phim này đã phải 5 lần 7 lượt lùi lịch công chiếu, tạm thời sẽ được ra rạp vào ngày 14/8 tới đây.
Theo ScreenRant