Công việc đầu tiên là công việc khó nhất
Trần Khánh Hiệp là cựu sinh viên chuyên ngành Khoa học máy tính, Trường đại học FPT Hà Nội. Năm 2016, anh tốt nghiệp và nhận được nhiều lời mời làm việc từ các công ty. Hiệp chọn đầu quân cho Cốc Cốc – một môi trường mà anh cảm nhận là "việc gì cũng phải làm được".
"Nhận nhiệm vụ đầu tiên, mình đã phải học hỏi từ đồng nghiệp và tự học rất nhiều để tìm cách hoàn thành. Với mình, công việc đầu tiên này là khó nhất và đáng nhớ nhất", Hiệp chia sẻ.
Khánh Hiệp có những trải nghiệm làm việc ấn tượng với các công ty trong, ngoài nước
Anh còn có trải nghiệm phỏng vấn tuyển dụng với Amazon. Hiệp tâm đắc bởi cách đánh giá nhân sự khá đặc biệt của công ty này. "Ngoài các câu hỏi về chuyên môn, hầu như công ty nào cũng hỏi ứng viên về cách xử lý các tình huống gặp phải trong công việc. Riêng Amazon dành đến một nửa thời gian mỗi vòng phỏng vấn để trao đổi với mình về vấn đề đó", Hiệp chia sẻ. Anh rút kinh nghiệm, nhiều doanh nghiệp lớn muốn tìm ra những nhân sự có tính cách phù hợp với môi trường, công việc và biết thể hiện tính cách ấy trong những tình huống cụ thể.
Sau hai năm "phải nhảy vào làm rất nhiều việc khác nhau", Hiệp tự tin mình có thể đảm nhận bất kỳ công việc nào liên quan đến back-end. Nhưng cũng tại thời điểm đó, anh quyết định du học. Hiệp nhận được học bổng thạc sĩ Khoa học máy tính tại ĐH Saarland University (Đức). Sau khi tốt nghiệp, anh làm việc với vai trò kỹ sư phần mềm cho một số công ty tại Đức và hiện nay là Spotify.
"Trường đại học giúp mình hiểu mình và có động lực phát triển"
Khánh Hiệp từng giành được nhiều thành tích trong các cuộc thi lập trình: giải Nhất thi học sinh giỏi tin học Hà Nội năm 2011, học bổng Odon Vallet 2011 và 2012, giải Nhất Olympic Tin học Sinh viên năm 2013, giải Nhất ACM/ICPC Việt Nam 2014. Vượt qua những hạn chế về sức khoẻ do căn bệnh suy thận để duy trì kết quả học tập, năm 2015, anh là một trong những sinh viên Trường đại học FPT được trao học bổng Panasonic.
Hiệp hiện đang làm việc tại Spotify (Đức) sau khi tốt nghiệp thạc sĩ Khoa học máy tính
Trải nghiệm học tập, tham gia các cuộc thi giúp Hiệp có kỹ năng làm việc nhóm, làm việc độc lập, trau dồi khả năng tự học. Ngoài ra, anh cũng đánh giá cao việc sinh viên Trường đại học FPT được học tiếng Anh trước khi vào chuyên ngành, sử dụng giáo trình 100% bằng tiếng Anh. Kể cả khi đã có một công việc, ngoại ngữ là công cụ giúp bạn thể hiện bản thân, kết nối với đồng nghiệp, dễ phát triển sự nghiệp, theo kinh nghiệm của Hiệp.
Sinh viên Trường đại học FPT có kỳ thực tập thực tế tại doanh nghiệp (học kỳ OJT – On the job training), được khuyến khích trải nghiệm làm việc sớm. Đồ án tốt nghiệp tốt cũng được giảng viên hướng dẫn nghiên cứu thêm để sinh viên có kinh nghiệm nghiên cứu khoa học. Đây đều là những cơ sở rất tốt để sinh viên Trường đại học FPT có thể đi làm ở nước ngoài hoặc xin học bổng du học.
Bằng trải nghiệm học tập, làm việc tại nước ngoài của mình, Hiệp cho rằng: "Môi trường ở Trường Đại học FPT giúp mình có nền tảng kiến thức cho công việc. Ngoài ra, việc được tham gia các cuộc thi, chương trình trao đổi, quen biết bạn bè chung đam mê khi học tại trường giúp mình hiểu bản thân phù hợp với điều gì và có động lực phát triển hơn".
Thí sinh muốn có môi trường học tập chất lượng và phát triển cá nhân toàn diện, rộng mở cơ hội việc làm toàn cầu sau tốt nghiệp như chàng kỹ sư Spotify Khánh Hiệp thì hãy nhanh chóng hoàn thành các thủ tục để trở thành sinh viên chính thức của Trường đại học FPT.