Trước mùa hè 2002, châu Á được đánh giá là thị trường giàu tiềm năng với lượng khán giả khổng lồ mà các giải đấu châu Âu mơ ước. Tuy nhiên, vẫn chưa có nhiều tài năng châu Á có cơ hội thể hiện ở "lục địa già".
World Cup 2002 được đồng tổ chức bởi Nhật Bản và Hàn Quốc đã thay đổi rất nhiều điều, trong đó có nhận thức về châu Á, nơi có thể coi là một lục địa của bóng đá.
Thành tích lọt vào tới bán kết của Hàn Quốc chắc chắn là hành trình đáng nhớ nhất, tuy nhiên màn trình diễn của người Nhật cũng để lại nhiều ấn tượng không kém. Với 7 điểm, đội tuyển Nhật Bản của HLV Philippe Troussier hiên ngang đứng đầu bảng H để lọt vào vòng 1/8 chạm trán với Thổ Nhĩ Kỳ, với niềm hi vọng lớn nhất mang tên Hidetoshi Nakata.
Bắt đầu bước vào con đường thi đấu chuyên nghiệp từ năm 18 tuổi (1995), Nakata trải qua 4 năm tại J.League trong màu áo Bellmare Hiratsuka, đưa CLB lên ngôi vô địch tại Asian Cup Winners Cup 1996, trước khi giành được danh hiệu cá nhân cao quý "Cầu thủ xuất sắc nhất châu Á" trong 2 năm tiếp theo.
Ở cấp độ ĐTQG, Nakata cũng chính là ngôi sao sáng nhất với 5 bàn thắng tại vòng loại, trong đó ghi dấu giầy vào cả 3 pha ghi bàn trong trận play-off với Iran, để giúp Nhật Bản lần đầu tiên giành quyền tham dự World Cup vào năm 1998.
Mặc dù Nhật Bản vói đội hình gồm toàn bộ các cầu thủ đang chơi tại J.League không thể tạo ra được nhiều dấu ấn, nhưng màn trình diễn của Nakata trên đất Pháp đã đủ sức thuyết phục để các đội bóng châu Âu đưa ra những lời đề nghị.
Bước ngoặt đến ngay trong mùa hè năm đó khi Nakata chuyển tới chơi bóng tại Serie A cho Perugia. Việc một cầu thủ châu Á có được 10 bàn thắng trong mùa giải đầu tiên chơi bóng ở giải đấu hấp dẫn nhất hành tinh vào thời điểm bấy giờ khiến danh tiếng của Nakata nổi lên nhanh chóng.
Được ghi nhận với lối chơi khéo léo, cần mẫn, cùng nhãn quan chiến thuật sắc sảo, ở tuổi 22, Nakata lọt vào danh sách bầu chọn Cầu thủ xuất sắc nhất thế giới và danh hiệu Ballon d'Or.
Siêu sao người Nhật Bản nhanh chóng xây dựng được một hình ảnh lôi cuốn và mang giá trị thương hiệu đậm nét không chỉ ở châu Á mà còn lan ra toàn thế giới. Hình ảnh của Nakata chỉ xếp sau David Beckham, siêu sao của Manchester United, về độ phủ sóng và giá trị thương hiệu. Đơn vị PR của anh đã lập nên một trang web cá nhân, nơi Nakata độc quyền phỏng vấn thay vì trả lời các phương tiện truyền thông như truyền thống.
Sức hút tăng lên và việc được một CLB lớn hơn để ý là điều không có gì bất ngờ. 18 tháng sau ngày đầu tiên đặt chân tới Italia, Hidetoshi Nakata chuyển tới chơi cho AS Roma với mức giá 21,5 triệu euro, một mức giá đáng kinh ngạc vào thời điểm đó.
Tới Roma, Nakata nhanh chóng tạo nên được dấu ấn riêng cho mình và thậm chí vào thời điểm đó, anh còn được coi là hình ảnh mang tính biểu tượng của CLB, thay vì Francesco Totti. Hệ quả của việc này xuất phát từ bàn thắng Nakata ghi được ở khoảng cách gần 30m vào lưới Juventus, rút ngắn tỉ số xuống còn 1-2.
Trận đấu kết thúc với tỉ số hòa 2-2 chung cuộc, qua đó giúp Roma bảo toàn khoảng cách 6 điểm với nhóm bám đuổi và tiến thẳng một mạch tới chức vô địch Serie A 2000/01.
Mùa giải trước khi bước vào kì World Cup 2002, mọi thứ được thiết lập để Nakata có thể trở thành hạt nhân của đội tuyển Nhật Bản trong giải đấu được tổ chức trên sân nhà. Tuy nhiên đó lại không phải là vị trí mà Nakata thường xuyên được chơi ở Roma. Anh chuyển tới chơi cho Parma với mức phí chuyển nhượng 28 triệu euro và tiếp tục có được thành công tại đây với chức vô địch Coppa Italia 2001/02.
Nakata trở về quê hương sau một mùa giải thành công, với sân khấu đã được thiết lập để tạo điều kiện cho anh tỏa sáng.
Đội hình của Nhật Bản sau 4 năm cũng trở nên có chiều sâu hơn với 4 cầu thủ đang thi đấu tại châu Âu. Và chính Nakata là người đã ghi bàn mang về chiến thắng cho Nhật Bản trước Tunisia ở lượt đấu cuối, qua đó giúp đội bóng xử sở mặt trời mọc giành quyền lọt vào vòng 1/8 với ngôi nhất bảng. Đáng tiếc sau đó Nhật Bản đã phải sớm dừng bước với thất bại 0-1 trước Thổ Nhĩ Kì của Hakan Sukur.
Trở lại Italia, Nakata tiếp tục đóng vai trò trụ cột của Parma thêm một mùa nữa, trước khi dần xuống phong độ. Vào mùa hè 2004, anh được Parma cho mượn tới Bologna, trước khi được Fiorentina mua đứt 1 năm sau đó.
Ở tuổi 29, Nakata dù không còn giữ được phong độ cao nhưng vẫn đóng vai trò tinh thần quan trọng của đội tuyển Nhật Bản ở World Cup 2006. Tuy nhiên đây không phải là giải đấu thành công của Nakata và các đồng đội khi Nhật Bản sớm bị loại ngay sau vòng bảng với chỉ 1 điểm duy nhất.
Nakata treo giày ngay sau đó, ở độ tuổi mà ít ai có thể nghĩ rằng một siêu sao có thể quyết định dừng lại. Tuy nhiên dù không tiếp tục cống hiến, những hiệu ứng mà Nakata tạo ra cho bóng đá Nhật Bản nói riêng và bóng đá châu Á nói chung đã tạo tiền đề để các cầu thủ Á Đông được các đội bóng châu Âu quan tâm săn đón và tạo cơ hội nhiều hơn.
Đó chính là giá trị lớn nhất mà Hidetoshi Nakata để lại cho lịch sử phát triển của bóng đá châu Á, nơi giàu tiềm năng và đã từng bước sản sinh được ra rất nhiều tài năng đủ sức tỏa sáng ở World Cup và các giải đấu hàng đầu châu Âu.
Bùi Hoàng Việt Anh: 2 cái Tết vội vã và điểm tựa "may mắn" từ bố