Trình duyệt Brave bị tố chèn thêm mã giới thiệu để kiếm lời từ website giao dịch tiền điện tử

Kaitiz | 08-06-2020 - 22:23 PM

(Tổ Quốc) - Brave - trình duyệt web được quảng cáo là đề cao sự riêng tư của người dùng, nhưng thực chất lại không hề "riêng tư" như mọi người nghĩ.

Brave là một trình duyệt web được phát triển dựa trên mã nguồn mở Chromium, đề cao sự riêng tư và tính bảo mật của người dùng. Mặc dù có khá nhiều cải tiến về quyền riêng tư so với Chrome, tuy nhiên Brave được sinh ra để thúc đẩy việc sử dụng một loại tiền điện tử do chính Brave phát triển, có tên là BAT (Basic Attention Token).

Sau khi cài đặt Brave, tính năng chặn quảng cáo sẽ tự động được kích hoạt. Tuy nhiên, cùng lúc đó, Brave sẽ chi thưởng đồng BAT cho người dùng nếu họ đồng ý nhận quảng cáo. Ngoài ra, nó cũng trả hoa hồng để người dùng giới thiệu bạn bè sử dụng (affiliate) trình duyệt Brave.

Trình duyệt Brave bị tố chèn thêm mã giới thiệu để kiếm lời từ website giao dịch tiền điện tử - Ảnh 1.

Brave trả thưởng đồng BAT cho người dùng nếu họ đồng ý nhận quảng cáo.

Mới đây, Brave vừa bất ngờ bị tố chèn thêm mã giới thiệu (affiliate code) của chính họ vào thanh địa chỉ web khi người dùng truy cập một số website giao dịch tiền ảo phổ biến hiện nay. 

Vấn đề này bắt đầu được bàn tán rộng rãi vào ngày hôm qua, khi một người dùng Twitter có tên @Cryptonator1337 phát hiện ra rằng Brave tự động chèn mã giới thiệu khi anh ta nhập "binance.us" vào thanh địa chỉ.

Trình duyệt Brave bị tố chèn thêm mã giới thiệu để kiếm lời từ website giao dịch tiền điện tử - Ảnh 2.

Nếu như bạn chưa biết, Binance là một trang web giao dịch tiền điện tử và với mã giới thiệu đó, Brave Software sẽ nhận được ít nhất một số tiền tương ứng với 20% phí giao dịch cho mỗi tài khoản được tạo bằng liên kết có chứa mã giới thiệu của họ.

Đáng chú ý, Binance không phải là website duy nhất mà Brave tự chèn thêm mã giới thiệu. Kiểm tra lại mã nguồn mở, người ta phát hiện ra rằng chức năng trên được thêm vào trình duyệt Brave lần đầu tiên vào ngày 25/3, trong đó danh sách các website bị chèn mã giới thiệu bao gồm Binance, Coinbase, Ledger và Trezor.

Trình duyệt Brave bị tố chèn thêm mã giới thiệu để kiếm lời từ website giao dịch tiền điện tử - Ảnh 3.

Nói cách khác, Brave Software sẽ nhận được tiền hoa hồng cho mỗi giao dịch được thực hiện bởi các tài khoản tạo bằng link giới thiệu. Ví dụ, đối với Coinbase, khi giới thiệu một khách hàng mới sử dụng dịch vụ của họ, bạn sẽ kiếm được một khoản tiền tương ứng với 50% phí giao dịch của người này trong vòng 3 tháng đầu tiên.

Ngoài ra, các chương trình nói trên cũng cho phép người giới thiệu - trong trường hợp này là Brave Software, có thể xem được thống kê về các khách hàng tạo tài khoản bằng mã giới thiệu của mình. Ngoài số lượng người tham gia, cả Coinbase và Trezor đều tiết lộ cho người giới thiệu các con số tổng quan về giao dịch mua của người dùng.

Trình duyệt Brave bị tố chèn thêm mã giới thiệu để kiếm lời từ website giao dịch tiền điện tử - Ảnh 4.

Đồng sáng lập kiêm CEO của Brave Software - ông Brendan Eich, khẳng định trên Twitter rằng ông nghĩ không có gì sai khi thêm các đoạn mã giới thiệu của mình vào thanh địa chỉ web khi người dùng truy cập các website giao dịch tiền điện tử.

Tuy nhiên, do phản ứng dữ dội từ cộng đồng, các nhà phát triển của Brave đã phải bổ sung thêm một tùy chọn để người dùng có thể vô hiệu hóa chức năng này. Đồng thời, tính năng tự động chèn mã giới thiệu nói trên cũng sẽ bị vô hiệu hóa theo mặc định trên phiên bản Brave tiếp theo.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM