Chúng ta có thực sự giỏi hơn mức trung bình?
Các nhà tâm lý học từng tiến hành một khảo sát kinh điển: yêu cầu học sinh trung học tự đánh giá bản thân theo nhiều tiêu chuẩn. Kết quả cho thấy: 85% tin rằng kỹ năng giao tiếp của mình trên trung bình, 70% nghĩ rằng kỹ năng lãnh đạo của mình tốt hơn người khác, 60% cho rằng mình chơi thể thao giỏi hơn những người bình thường.
Trong tâm lý học, hiện tượng này được gọi là "thiên kiến tự phục vụ". Thiên kiến tự phục vụ xuất hiện khi một người nghĩ rằng hành động của mình là tốt đẹp, hoặc diễn giải các sự việc theo hướng có lợi cho bản thân.
Thiên kiến tự phục vụ là hiện tượng khá phổ biến trong giới đầu tư, bởi lẽ người chơi cổ phiếu thường thuộc nhóm "lựa chọn ngược hướng". Phần lớn mọi người khi thua lỗ sẽ bỏ cuộc. Ai ở lại phải là những người cảm thấy tự tin về bản thân, tin rằng đó chẳng qua là một điều không may, rằng họ có thể kiếm tiền trở lại trong tương lai.
Theo các nhà tâm lý học, có 3 đặc điểm điển hình của thiên kiến tự phục vụ thường thấy ở giới đầu tư.
Loại 1: Cho rằng thành công là do cố gắng, thất bại là do không may
Đầu tư cũng là một hoạt động dựa cả vào may mắn và thực lực, bên cạnh thi cử hay xin việc. Đa số mọi người thường có suy nghĩ: nếu thành công, điều đó chứng tỏ họ tài giỏi; nếu thất bại, chẳng qua là không gặp.
Tâm lý điển hình nhất của các nhà đầu tư là không dám nhìn vào tổng tài sản, mà chỉ đếm xem mình kiếm được bao nhiêu tiền mỗi ngày.
Một cuộc khảo sát trên mạng từng chỉ ra, các nhà đầu tư hay ghi nhớ những "thành tích vĩ đại" của mình để tự khuyến khích bản thân.
Thế nhưng, bạn sẽ sớm nhận ra, "thành tích" dù có "vĩ đại" đến đâu cũng chưa chắc ảnh hưởng đáng kể đến tổng lợi nhuận của bạn. Nếu chỉ chăm chăm đi tìm hư vinh, bạn sẽ dần quên đi những giá trị thực tế và cốt lõi.
Nếu muốn biết mình thực sự tài năng hay chỉ đang gặp may, bạn có thể phương pháp đơn giản sau. Hãy thống kê lại lịch sử giao dịch trong vòng 3 năm, rồi tính tỷ lệ thắng và tỷ lệ lãi/lỗ.
Phân tích hai tỷ lệ này sẽ giúp nhà đầu tư vượt qua thiên kiến tự phục vụ. Chỉ số trước kiểm tra khả năng lựa chọn cổ phiếu, còn chỉ số sau đánh giá khả năng giao dịch. Những con số không biết nói dối.
Không có người nào bị vận xui đeo bám trong 3 năm liên tiếp. Thông thường, các bậc thầy đầu tư sẽ giữ ổn định một chỉ số và sau đó kiếm tiền từ một chỉ số khác.
Nếu tỷ lệ thắng và tỷ lệ lãi/lỗ cùng lúc không ổn, có nghĩa là cách đầu tư của bạn đang gặp vấn đề. Khi đó, dù bạn có trình độ cao đến đâu, kinh nghiệm phong phú thế nào cũng khó lòng cứu vãn được.
Loại 2: Lạc quan quá mức, chỉ nhìn lợi ích, bỏ qua rủi ro
Khi đọc báo cáo phân tích, bên cạnh logic tăng trưởng, điều quan trọng nhất là cảnh báo rủi ro. Thông thường, 80% dự báo hiệu suất trên thực tế sẽ giảm, 80% các cảnh báo rủi ro sẽ trở thành hiện thực.
Tuy nhiên, các cảnh báo rủi ro thường chỉ được lướt qua bằng 1-2 câu.
Lạc quan là điều tốt. Thế nhưng, nếu mua cổ phiếu chỉ bằng cách nhìn vào triển vọng mà bỏ qua rủi ro, sự lạc quan đó sẽ trở thành mù quáng.
Để khắc phục thiên kiến này, nhà đầu tư cần dựa vào tính toán, hoặc phải có kế hoạch dự phòng. Kế hoạch dự phòng được sử dụng trong trường hợp "mọi thứ không phát triển theo hướng bạn tưởng tượng".
Loại 3: Tin một cách vô căn cứ rằng mình là ngoại lệ
"Mặc dù 80% nhà đầu tư mới thua lỗ, nhưng tôi nằm trong nhóm 20%."
"Người bình thường khó nắm bắt cơ hội, nhưng tôi có thể."
"Tăng cao chắc chắn sẽ có sụt giảm. Thế nhưng, trước khi sụt giảm, tôi có thể tranh thủ kiếm lợi nhuận."
Đây là suy nghĩ phổ biến của những người tin mình là ngoại lệ. Chẳng qua, họ đang đánh cược, nghĩ rằng mình hơn người, tiền của người khác sẽ chảy vào túi mình.
Trên thực tế, những người càng giàu kinh nghiệm càng dễ ngã. Nó giống với nguyên lý "người bơi giỏi vẫn có thể chết đuối dưới nước": nếu xác suất thất bại tích lũy đến mức nhất định, chắc chắn thất bại sẽ xảy ra.
Huyền thoại đầu tư George Soros có một câu nói được khá nhiều nhà đầu tư yêu thích: "Lịch sử nền kinh tế thế giới là một chuỗi dựa trên ảo tưởng và dối trá. Để có được sự giàu có, cách là nhận ra ảo tưởng, đầu tư vào nó, và sau đó bỏ cuộc chơi trước khi ảo tưởng được công chúng nhận ra".
Câu này được hiểu là: tất cả những người khác đều thực sự ngu ngốc, chỉ có mình tôi là đang giả ngu.
Trên thực tế, ai cũng sẽ nghĩ mình như vậy. Quanh đi quẩn lại chỉ là lừa dối lẫn nhau. Vậy tiền sẽ về túi ai đây?
Cách duy nhất để khắc phục thiên kiến này là không tham gia vào những trò chơi ngớ ngẩn. Một khi đã hình thành thói quen sai lầm này, tiền của bạn sớm muộn gì cũng không cánh mà bay.
Hậu quả của thiên kiến tự phục vụ
Thiên kiến tự phục vụ không chỉ là sự lạc quan và kiêu ngạo một cách mù quáng. Nó còn đem lại những tâm lý vô cùng kỳ quái.
Loại 1: Kỳ vọng không hợp lý
Bạn tin rằng trình độ giao dịch cổ phiếu của mình cao hơn so với người khác. Bạn tin rằng mình là người lý trí, biết đặt ra những mục tiêu hợp lý.
Một ngày nọ, bạn phát hiện: anh hàng xóm mà mình luôn coi thường lại đang kiếm nhiều được nhiều tiền hơn mình. Sau khi nói chuyện, bạn đã tìm ra lý do: người này tăng đòn bẩy lên gấp 5-7 lần, không bao giờ dùng các nguyên tắc cơ bản trong đầu tư,...
Nếu trình độ thực sự cao, làm sao bạn có thể bị một người như vậy vượt mặt? Phải chăng là bạn đã đặt mục tiêu quá cao cho mình?
Sự thật là hệ thống đầu tư dài hạn do một người hình thành có liên quan đến mục tiêu lợi nhuận. Một khi theo đuổi mục tiêu quá cao, hệ thống đầu tư sẽ bị phá hủy, lợi nhuận không còn tốt như trước.
Loại 2: Quá tin tưởng vào các "vị thần chứng khoán"
Hầu hết mọi người đều nghĩ rằng trình độ đầu tư của mình tốt hơn mức trung bình. Khi gặp những nhà đầu tư tài giỏi hơn hẳn mình, hay còn gọi là các "vị thần chứng khoán", bạn sẽ nảy sinh tâm lý tin tưởng, phụ thuộc hoàn toàn. Người ta mua gì, mình cũng mua theo, không cần đắn đo suy nghĩ.
Thế nhưng, nếu chẳng may thua lỗ, niềm tin sẽ sụp đổ hoàn toàn. Bạn sẽ nghĩ rằng mình bị lừa dối. Muốn trở thành nhà đầu tư khôn ngoan, đừng để mình rơi vào trạng thái "dễ bị tổn thương" như vậy.
Loại 3: Thích nghe "thuyết âm mưu"
Vì tin rằng mình giỏi, nên khi gặp thua lỗ, bạn không nghĩ vấn đề nằm ở cách đầu tư của mình. Bạn cho rằng có một thế lực bí ẩn nào đó đang thâu tóm thị trường, chống lại mình.
Những người như trên được gọi là những người theo đuổi "thuyết âm mưu". Trước kia, khi thị trường chưa được quy hoạch, hiện tượng này đã từng xảy ra. Tuy nhiên, nó đã hoàn toàn biến mất khi các biện pháp quản lý được thắt chặt.
Ai cũng có "thiên kiến tự phục vụ", nhưng lại không hề nhận ra
Bạn có thể nghĩ rằng bài viết này đang nói về ai đó, không phải mình. Đây cũng là điều dễ hiểu, bởi mọi người có xu hướng tin rằng mình ít bị định kiến hơn số đông, khó có "thiên kiến tự phục vụ".
Tuy nhiên, "thiên kiến tự phục vụ" là một hiện tượng tâm lý phổ biến. Bởi lẽ, ai cũng muốn khẳng định và cải thiện hình ảnh của bản thân mình. Khi gặp thất bại, "thiên kiến tự phục vụ" sẽ cung cấp một loại "lá chắn phòng vệ", giúp chúng ta xây dựng lại tự trọng của bản thân, tránh để tinh thần suy sụp.
Thế nhưng, cũng chính tâm lý này đã ngăn cản chúng ta nhận ra những sai sót trong phương pháp đầu tư của mình. Từ đó, bạn không thể cải thiện khả năng, thu về lợi nhuận như mong muốn.
Điều quan trọng là bạn phải nhận ra điều này càng sớm càng tốt, phân tích các phương pháp đầu tư hợp lý, thiết lập hệ thống đầu tư phù hợp hơn. Đây chính là yếu tố quyết định mức thu nhập cuối cùng của bạn.
(Theo Zhihu)