Ngay từ khi là một đứa trẻ, Mina Floriana Read đã là một thợ săn "troll" cừ khôi.
Cô bé học được kỹ năng này từ cha mình - ông Alexander Read. Họ cùng nhau tìm kiếm troll - một loài sinh vật huyền bí khổng lồ, mang hình dáng con người sống sâu trong các vùng hoang dã của bán đảo Scandinavia - trên những ngọn núi ở vùng nông thôn Na Uy. Trong khi người cha đem theo các trang thiết bị leo núi hiện đại, cô bé Mina Floriana 5 tuổi lại thích mặc váy hồng.
Hai cha con đã thực hiện nhiều cuộc thám hiểm nghiêm túc cùng nhau, bao gồm một chuyến leo núi dài 57 ngày vào mùa đông, khi Mina Floriana mới 2 tuổi. Nhờ đó, họ đã được trao giải thưởng Thiên nhiên Hoang dạ Na Uy danh giá. Dù còn ít tuổi, Mina Floriana đã ngủ trong lều ngoài trời hơn 300 đêm.
Ở Na Uy, đây chẳng phải điều gì kỳ lạ. Nhà Read là một trong số những gia đình tại quốc gia này theo đuổi friluftsliv - được hiểu là "phong cách sống tích hợp các hoạt động ngoài trời, hòa mình vào thiên nhiên". Đây là một nét văn hóa lâu đời của người dân Na Uy.
Từ khu vực Bắc Cực xa xôi cho đến thủ đô nhộn nhịp Oslo, những người theo đuổi lối sống friluftsliv cam kết sẽ dành thời gian ngoài trời, dù thời tiết có ra sao. "Đây là điều tự nhất đối với tôi, bởi vì tôi là người Na Uy", Alexander - người ghi lại hành trình của hai cha con nhà Read trên Instagram - cho biết.
Cô bé Mina Floriana Read đang chơi đùa cùng cha tại Công viên Quốc gia Dovrefjell-Sunndalsfjella ở Na Uy. (Ảnh: Alexander Read)
Không chỉ là hoạt động, friluftsliv còn là một lối sống
Giống như nhiều quốc gia khác, Na Uy cũng hạn chế sự lây lan của Covid-19 bằng các biện pháp giãn cách xã hội và phong tỏa. Chính vì vậy, người dân nơi đây đành tìm đến các hoạt động ngoài trời để thư giãn sau những tháng ngày bí bách vì phải ngồi nhà.
Dân Na Uy không phải là những người duy nhất. Trong mùa hè vừa qua, người dân trên khắp thế giới đã tích cực tham gia các hoạt động ngoài trời hơn. Người Mỹ bỗng "ám ảnh" với việc cắm trại. Tại thủ đô Vilnius của Lithuania, đường phố và quảng trường trở thành không gian mở cho những quán café. Giáo viên tại ngọn núi Kashmir lại mở các lớp học ngoài trời, sau lưng học sinh là những đỉnh núi nhấp nhô thuộc dãy Himalaya.
Tuy nhiên, những hoạt động này không thể tiếp tục khi mùa đông đến. Mọi người chỉ còn lại hai lựa chọn: tụ tập tại nhà với nguy cơ nhiễm bệnh cao hoặc trải qua mùa đông dài và lạnh một mình.
Đây chính là lúc thích hợp để người Na Uy tìm tới lối sống friluftsliv. Nếu như hygge của người Đan Mạch đem lại cảm giác thoải mái, an toàn và ấm cúng trong nhà, friluftsliv lại là một trải nghiệm mới lạ giữa thiên nhiên, khiến mọi người phải thay đổi thế giới quan của mình.
"Friluftsliv không chỉ là một hoạt động, mà là một phong cách sống", Lasse Heimdal - tổng thư ký Friluftsliv Na Uy - tổ chức đại diện cho hơn 5.000 nhóm hoạt động ngoài trời - cho biết. "Nó có liên hệ mật thiết tới văn hóa của chúng tôi và là một phần ý nghĩa của người Na Uy".
Thuật ngữ "friluftsliv" xuất hiện lần đầu trong bài thơ "On the Heights" bởi nhà biên kịch người Na Uy Henrik Ibsen vào năm 1859. Tác phẩm này kể lại hành trình khám phá thiên nhiên hoang dã suốt cả năm trời của một người nông dân.
Tuy nhiên, Heimdal cho biết, friluftsliv không phải chỉ dành riêng cho các vận động viên chuyên nghiệp hay những nhà thám hiểm gan dạ. Lối sống friluftsliv có thể là những buổi chạy bộ đường dài bên bạn bè, đi picnic trên núi, đạp xe thư giãn buổi chiều, hoặc dắt chó đi dạo vào sáng sớm.
"Hầu hết mọi người đều cho rằng đây là một lối sống lành mạnh và mang tính xã hội", Heimdal nhận xét. "Bạn có thời gian để nghỉ ngơi, tránh xa khỏi điện thoại và máy tính, tận hưởng thiên nhiên và không khí ngoài trời. Đây là một trong những nơi tuyệt vời nhất để thư giãn".
Thay đổi tư duy về mùa đông để hạnh phúc và thư giãn hơn
Có lẽ, friluftsliv chính là lý do tại sao Na Uy lại đạt được thứ hạng đáng ghen tị trên bảng xếp hạng Những quốc gia hạnh phúc nhất thế giới. Theo Báo cáo Chỉ số hạnh phúc Thế giới của Liên Hợp Quốc năm 2020, quốc gia này đã xếp ở vị trí thứ 5. Hai đô thị lớn Bergen và Oslo cũng lọt top 10 thành phố hạnh phúc nhất thế giới.
Từ lâu, các chuyên gia sức khỏe đã chứng minh, việc dành thời gian ngoài trời có thể khiến bạn hạnh phúc hơn. Dành khoảng 2 tiếng/tuần trong những môi trường tự nhiên như công viên hay không gian xanh sẽ tăng cường cảm giác hạnh phúc và cải thiện sức khỏe, theo một báo cáo được công bố trên tạp chí Nature năm 2019.
Hai cha con nhà Read ở Công viên Quốc gia Rondane tại Na Uy. (Ảnh: Lars Petter Skillestad)
Lợi ích của lối sống này không chỉ dừng lại ở việc cải thiện tâm trạng. Dành thời gian ngoài trời còn giúp con người chữa lành nỗi đau và hồi phục sau chấn thương, nhất là sau đại dịch Covid-19 vừa qua. Những đại dịch nguy hiểm trong quá khứ đã từng khiến con người đối mặt với bệnh rối loạn căng thẳng sau chấn thương (PTSD), và các chuyên gia cảnh báo rằng đại dịch lần này cũng có thể làm điều tương tự.
Với những người gặp chấn thương tâm lý hậu Covid-19, lối sống friluftsliv có thể là phương thuốc hiệu nghiệm. Các cựu chiến binh bị PTSD đã cảm thấy thanh thản và thoải mái hơn nhờ những liệu pháp điều trị kết hợp với thiên nhiên, ví dụ như làm vườn hoặc chèo xuồng vượt thác.
Na Uy được thiên nhiên ưu ái ban tặng cho rất nhiều cảnh đẹp, nhưng điều đó cũng không khiến người dân nước này dành thời gian ngoài trời dễ dàng hơn. Khi mùa hè tới, những cơn mưa kéo dài nhiều ngày có thể làm ngập cả một vùng nông thôn. Ở phía Bắc, vào mùa đông, người dân sẽ không thấy mặt trời trong một thời gian dài vì hiện tượng "đêm vùng cực". Tuy nhiên, bạn sẽ hiếm khi thấy người dân Na Uy phàn nàn về thời tiết: "Không có thời tiết xấu, chỉ có quần áo tồi tệ mà thôi!".
Để chống chọi với cái lạnh cắt da cắt thịt, dân địa phương không chỉ mặc áo khoác hay đội mũ lan. Họ còn sở hữu một thứ mà nhà tâm lý học Kari Leibowitz đến từ ĐH Stanford gọi là "tư duy mùa đông tích cực".
Theo Leibowitz, những người sở hữu tư duy này "sẽ nhìn thấy cơ hội ngay trong mùa đông băng giá". "Ở Na Uy, người ta dành nhiều thời gian để ra ngoài, dù trời lạnh, mưa hay có tuyết rơi", cô nói.
Mặc dù vài nghiên cứu đã chỉ ra, việc thiếu ánh nắng mặt trời có thể khiến những người sinh sống ở vĩ độ cao bị trầm cảm theo mùa, cư dân vùng Tromsø của Na Uy vẫn rất hạnh phúc với cuộc sống. Leibowitz cho biết, đây là bằng chứng cho thấy, tư duy - cách bạn nhìn nhận mùa đông - có thể làm thay đổi trải nghiệm của bạn về nó.
Làm quen với friluftsliv từ những điều đơn giản nhất
Lớn lên cạnh bãi biển Jersey (Mỹ), Leibowitz ghét cay ghét đắng mùa đông. Thế nhưng, cô đã có hơn 1 năm sống tại vùng lạnh giá như Tromsø ở Na Uy. Thời gian ở đây không thể khiến cô trở thành một nhà thám hiểm Bắc cực ngay lập tức, nhưng đủ để làm cô dần dần thay đổi quan điểm của mình.
Bằng kinh nghiệm của mình, Leibowitz khuyên mọi người nên tìm những điều mình thích ở mùa đông và nói về chúng. "Khi bạn nói ra miệng, nó sẽ thay đổi tư duy của bạn", cô cho biết.
Trong cuốn sách Friluftsliv: Connect With Nature the Norwegian Way, tác giả Oliver Luke Delorie đã đưa ra một góc nhìn bao quát về việc tìm thấy vẻ đẹp trong thiên nhiên, dù bạn đang nhìn tuyết rơi hay ngắm bão.
Muốn làm quen với friluftsliv, bạn nên bắt đầu từ những bước nhỏ nhất. Đó có thể là đi bộ vào những ngày trời râm mát, hoặc đi dã ngoại ở công viên trong mùa đông. Hãy thử tìm kiếm những không gian xanh xung quanh nơi mình sống.
Delorie khuyên mọi người nên coi thời tiết mùa đông như là một cách để kết nối với thế giới xung quanh. "Thời tiết là một hiện tượng kỳ diệu", ông nói. "Hãy để ý tới các yếu tố và bạn sẽ bắt đầu đánh giá cao vị trí của mình trong không gian và thời gian".
Nếu có điều kiện, bạn nên tới khám phá những vùng đất thực sự hoang dã. Còn không, hãy tìm những vẻ đẹp thiên nhiên gần gũi ngay ở xung quanh nhà mình. "Mở cửa, bước ra ngoài và hít thở thật sâu", Delorie viết trong phần giới thiệu của cuốn sách. Sau đó, hãy nói: "Tôi chuẩn bị sống theo phong cách friluftsliv".
(Theo National Geographic)