Tỷ lệ trẻ em mắc tay chân miệng nặng nhiều hơn
Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM, từ đầu năm đến hết ngày 28/5/2023, thành phố đã ghi nhận 1.670 ca mắc tay chân miệng với 62% là bệnh nhi từ 1-3 tuổi và ngày một gia tăng. Đáng lo ngại hơn, số ca mắc bệnh có diễn tiến nặng xuất hiện ngày càng nhiều, trong đó một ca tử vong là bệnh nhi ngụ tại tỉnh Kiên Giang đã được ghi nhận tại BV Nhi Đồng 1.
Theo kết quả giám sát vi sinh về tác nhân gây bệnh tay chân miệng cũng đã ghi nhận trường hợp dương tính với virus Enterovirus 71 (EV71) - tác nhân gây nhiều biến chứng nguy hiểm khiến các ca trở nặng, thậm chí tử vong. Đây là kiểu gene lần đầu tiên được tìm thấy ở Đài Loan vào năm 2007, từng xuất hiện tại TP.HCM vào các năm 2015 và 2018.
Tại BV Nhi đồng 2, TP.HCM, Th.BS Nguyễn Đình Qui - Phó trưởng khoa Nhiễm cho biết hầu hết bệnh nhi nhập viện trong tình trạng sốt nhiều ngày liên tục, kèm theo các mụn nước nổi đỏ ở tay, chân, thậm chí vết loét ở họng làm cản trở việc ăn uống. So với mọi năm, những ca bệnh nặng (nhóm 2B) chiếm tỷ lệ cao hơn (20-25%) trong tổng số ca nhập viện. Hiện khoa Nhiễm đang tiếp nhận và điều trị cho 45 bệnh nhi, trong đó có 10 trường hợp nặng.
Tình hình số ca mắc tay chân miệng ở TP.HCM ngày một gia tăng, trẻ em từ 1-5 tuổi chiếm số lượng lớn các ca bệnh
Bệnh tay chân miệng ở trẻ nhỏ gia tăng, nguy cơ dịch chồng dịch tại TP.HCM
"Bệnh tay chân miệng hiện nay chưa có xu hướng giảm, mỗi ngày ở khoa nhận từ 20-25 ca bệnh mới. Số ca nặng cũng tăng lên, bắt đầu có triệu chứng thần kinh và các biến chứng khác. Tuy nhiên vẫn đảm bảo được phác đồ điều trị, may mắn là các bậc phụ huynh nhận biết sớm tình trạng bệnh để đưa con em đến viện kịp thời", Ths. BS Nguyễn Đình Qui nói.
Theo BS Qui, đối với bệnh tay chân miệng thì 60-70% trẻ mắc bệnh có thể được điều trị ở nhà, các trường hợp này được áp dụng khi bé chỉ xuất hiện hồng ban ở lòng bàn tay, chân nhưng không sốt. Nếu trẻ sốt cao liên tục 39-40 độ kèm nôn ói, giật mình chới với nhiều... thì bắt buộc phải nhập viện để theo dõi. Lứa tuổi tập trung của bệnh tay chân miệng là dưới 5 tuổi, trong đó nhóm bệnh nặng, có triệu chứng thần kinh rơi vào độ tuổi dưới 3. Việc một đứa trẻ có thể tái nhiễm với bệnh tay chân miệng hoàn toàn có thể xảy ra nên các bậc phụ huynh phải chú ý chăm sóc, theo dõi sức khỏe, vệ sinh cho con em mình thường xuyên.
Nỗi lo dịch chồng dịch
Cùng với bệnh tay chân miệng, các ca nhiễm sốt xuất huyết cũng gia tăng. Theo Ths.BS Nguyễn Đình Qui, nỗi lo lắng về tình trạng dịch chồng dịch hoàn toàn có khả năng xảy ra, có thể rơi vào thời điểm tháng 9-10.
"Hiện nay dịch tay chân miệng đang bùng phát mạnh, có thể tiếp tục gia tăng và kéo dài lên tháng 7-8. Tay chân miệng thì có 2 đỉnh dịch rơi vào khoảng tháng 5-6 và tháng 9-10, riêng dịch sốt xuất huyết năm ngoái rơi vào tháng 9-10 nên chúng tôi lo ngại về việc dịch chồng dịch", BS Qui nói.
Mặc dù mọi trang thiết bị vật tư y tế, thuốc men, kế hoạch phòng chống dịch tay chân miệng, sốt xuất huyết đã được các y bác sĩ chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo nhưng việc quá tải khi dịch chồng dịch vẫn có thể xảy ra. Nhất là thời gian tới, các tỉnh phía Nam và TP.HCM bước vào mùa mưa, nỗi lo ngại dịch sốt xuất huyết bùng phát mạnh nếu như người dân không ý thức phòng ngừa, diệt trừ lăng quăng, phát hiện và điều trị sớm để tránh các trường hợp đáng tiếc.
"Nếu phụ huynh thấy con mình sốt cao 2-3 ngày không dứt, khi kiểm tra lại không thấy con loét miệng, tay chân nổi mụn nước… thì rất có thể con bị sốt xuất huyết. Vì vậy cần phải đưa con em đi tới cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời", BS Qui chia sẻ.
Một số trường hợp bệnh nhi mắc tay chân miệng nặng phải nằm phòng Hồi sức Nhiễm để theo dõi
Ôm đứa con trai 17 tháng tuổi vào lòng, chị Như Ái (30 tuổi) cho biết đây là ngày thứ 11 Bảo Minh nhập viện Nhi đồng 2 điều trị vì tay chân miệng. Mặc dù diễn tiến bệnh của con trai không nặng nhưng bé có một số bệnh lý nền kèm theo khiến chị Ái lo lắng. Việc chăm sóc, vệ sinh kỹ lưỡng, thường xuyên kiểm tra tay chân cho con cũng được rất nhiều phụ huynh thực hiện để phòng ngừa bệnh.
Theo bác sĩ, việc chăm sóc trẻ bị tay chân miệng nhẹ, điều trị tại nhà chủ yếu liên quan đến chế độ ăn, bởi vì khi trẻ bị tay chân miệng sẽ rất khó ăn. Các bậc phụ huynh cần chú ý cho trẻ ăn những thức ăn lỏng, dễ tiêu. Nếu miệng đau nhiều thì phải đi khám bác sĩ để cho thuốc giảm đau vùng miệng. Nếu chăm sóc tốt thì 5-7 ngày, trẻ sẽ khỏi bệnh.
Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là phát hiện sớm biến chứng với các dấu hiệu giật mình, thay đổi giấc ngủ. Nếu để trễ hơn trẻ có thể thở mệt, co giật, rồi mạch nhanh, không bắt được mạch.