Ngày nay, nhiều cha mẹ vẫn mắc sai lầm trong việc giáo dục con cái là chỉ tập trung bồi dưỡng chỉ số IQ, mà bỏ quên một chỉ số quan trọng không kém đó là EQ. Điều này kéo theo nhiều hệ lụy như đứa trẻ khó phát triển toàn diện, dù học hành giỏi giang nhưng không đạt được thành tựu vì đánh mất các mối quan hệ. Trường hợp của gia đình cô Lâm dưới đây là ví dụ.
Con trai cô Lâm là đứa trẻ có EQ thấp điển hình. Khi ở nhà, cậu nhóc thường xuyên la hét và trêu đùa người lớn. Thế nhưng cô Lâm cho rằng đó là biểu hiện "bình thường" của mọi đứa trẻ, do đó người mẹ này không nghiêm khắc dạy bảo mà vẫn nuông chiều mọi tật xấu của con.
Một hôm có người bạn đưa con đến thăm nhà, cô Lâm vô cùng ngưỡng mộ vì chứng kiến đứa trẻ lấy đồ ăn nhẹ nhàng, còn biết thu dọn đồ đúng chỗ sau khi chơi. Thế nhưng khi cô Lâm mang đồ ăn cho cậu bé, con trai cô bỗng nhiên giành đĩa thức ăn và nói: "Đĩa bánh này của con chứ".
Trước cái nhìn ái ngại từ gia đình người bạn, cô Lâm vô cùng xấu hổ vì hành động thiếu quy tắc của con trai. Sau đó, dù cô Lâm có khuyên ngăn như thế nào, con trai cô vẫn nhất quyết giành lấy đĩa thức ăn bằng được. Không còn cách nào khác, cô Lâm chỉ đành để con cầm đĩa thức ăn đi, rồi cô bọc một giỏ quà khác tặng cho người bạn.
Có thể thấy, chỉ số EQ thấp có thể ảnh hưởng đến tính cách và nhận thức đúng đắn của con một cách nghiêm trọng như thế nào. Cha mẹ quá nuông chiều, không biết định hướng là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc trẻ có EQ thấp. Nếu thường xuyên để ý hành động, cách cư xử của con, bạn cũng có thể nhận ra con mình có những biểu hiện EQ thấp hay không.
Dưới đây là 5 câu nói của đứa trẻ EQ thấp mà cha mẹ cần lưu ý:
1. "Bố/mẹ không làm gì được con hết"
Phản ứng của bạn như thế nào nếu con đối đáp với bản thân như vậy? Có phải bạn thấy một chút bị xúc phạm, thậm chí tức giận vì con không nghe lời.
Thực tế, biểu hiện rõ ràng nhất của đứa trẻ EQ thấp là thiếu tôn trọng người lớn, đặc biệt với đấng sinh thành. Nếu con coi việc ăn nói thiếu tôn trọng là bình thường, lâu dần trẻ sẽ nảy sinh tâm lý coi bản thân là trung tâm của vũ trụ. Nếu con không được cha mẹ uốn nắn kịp thời, tính cách sẽ dần biến đổi theo thời gian.
2. "Đó không phải là việc của con"
Chắc chắn có nhiều bậc phụ huynh từng bất lực trước đứa trẻ lười biếng, không chịu giúp đỡ người lớn. Khi tiếp xúc với người khác, con luôn tìm cách trốn trách làm việc, có khi còn ăn vạ để nhờ ai đó làm giúp.
Trong trường hợp này, nhiều ông bố bà mẹ còn ngụy biện rằng con còn nhỏ nên không biết gì và cho qua. Thế nhưng thực chất nếu đối diện với việc con không hiểu phép tắc, bạn cần răn dạy con ngay, nếu không, biết đến khi nào chúng mới "chịu lớn"?
3. "Không"
Không thể phủ nhận cha mẹ nên dạy trẻ nói lời từ chối trong trường hợp cần thiết, thế nhưng cần nhớ rằng thường xuyên nói "Không" với các đề nghị giúp đỡ từ người khác có thể làm giảm chất lượng mối quan hệ của con. Trong cuộc sống, để tồn tại và thành công, chúng ta không thể thiếu sự tương tác cho đi - nhận lại giữa các cá nhân. Trong quá trình trưởng thành và lớn lên, nếu con thường xuyên nói "Không" với tất cả mọi người, rồi con sẽ không còn ai cạnh bên.
4. "Con sẽ ăn chúng đầu tiên"
Nhiều cô nhóc, cậu nhóc có tính chiếm hữu cao, đặc biệt với những đồ vật mà con yêu thích như món ăn, đồ chơi... Riêng trong việc ăn uống, đứa trẻ EQ thấp muốn trở thành người đầu tiên nếm chúng, vì sâu bên trong, con muốn giữ món đồ đó làm của riêng. Nếu là 1 đứa trẻ EQ cao, hiểu chuyện từ nhỏ, chúng sẽ biết nhìn vào cảm xúc của người khác để cư xử phù hợp.
Khi nuôi con, cha mẹ cần dạy mọi người đều bình đẳng. Không phải con còn nhỏ mà người lớn phải luôn nhường nhịn, dành hết mọi điều tốt đẹp cho con. Nếu cứ nuông chiều và bỏ qua những lỗi lầm con mắc phải, sau này người chịu hậu quả sẽ là con bạn.
5. Chửi thề
Cách dùng ngôn từ không chỉ nói lên chỉ số EQ mà còn là tính cách, trình độ học vấn của ai đó. Do đó, nếu đứa trẻ thường xuyên dùng các từ ngữ tục tĩu, điều này cho thấy con có trí tuệ cảm xúc thấp một cách đáng thương.
Thực tế, khả năng chọn ngôn ngữ của trẻ hầu hết là bắt chước môi trường xung quanh. Do đó, bên cạnh dạy con không được phép chửi thề, cha mẹ cần kiểm soát xem con học cách nói chuyện đó từ đâu, rồi dần có biện pháp giáo dục phù hợp.
Nguồn: Sohu