Trẻ em Trung Quốc tìm cách "vượt rào" hệ thống kiểm soát thời gian chơi game

GIA MINH | 01-07-2020 - 21:13 PM

(Tổ Quốc) - Dù Trung Quốc đã phát triển hệ thống nhằm ngăn chặn trẻ em không nghiện game, nhưng có vẻ nó vẫn chưa đủ "lực" đối với những đứa trẻ tinh ranh.

Có thể nói, quy định về việc chơi game ở Trung Quốc là nghiêm ngặt nhất thế giới. Để thực hiện được việc này, chính phủ nước này đã bắt buộc các hãng game phải giới hạn giờ chơi của các đối tượng dưới 18 tuổi còn 90 phút/ngày, dịp lễ hoặc ngày nghỉ thì 180 phút.

Mặc dù đã ra luật lệ nghiêm ngặt thế đấy, nhưng nhiêu đây vẫn chưa đủ để ngăn cản những đứa trẻ tinh ranh. Cụ thể, theo Daniel Ahmad, nhà nghiên cứu tại Niko Partners, cho biết lũ trẻ bây giờ đã biết cách để qua mặt hệ thống kiểm duyệt.

Trẻ em Trung Quốc tìm cách vượt rào hệ thống kiểm soát thời gian chơi game - Ảnh 1.

Dù hệ thống bảo mật có tốt đến đâu thì lũ trẻ vẫn gian lận được. Ảnh: SCMP.

"Do một vài lỗ hổng kỹ thuật, nó cho phép lũ trẻ tạo những thông tin giả mạo để đăng ký tài khoản người lớn hoặc dùng tài khoản người thân để qua mặt", ông Ahmad chia sẻ.

Tại Trung Quốc, để tạo tài khoản chơi game, người dùng bắt buộc phải nhập thông tin thật của bản thân vào. Chính vì vậy, các dịch vụ cung cấp thông tin ảo như Taobao hay XianYu mọc lên khắp nơi trên mạng. Chưa dừng lại ở đó, vào năm 2019, Hiệp Hội người tiêu dùng Trung Quốc phát hiện có khoảng 17/50 tựa game không đảm bảo đúng quy trình tạo tài khoản.

Trẻ em Trung Quốc tìm cách vượt rào hệ thống kiểm soát thời gian chơi game - Ảnh 2.

Một vài công ty game vẫn chưa thực sự làm tốt nhiệm vụ bảo mật của mình. Ảnh: Reuters.

Tệ hơn nữa, việc trẻ em lấy tiền tiết kiệm của cha mẹ chúng để nạp vô game thường xuyên xảy ra. Mặc dù những hãng lớn như Tencent hay NetEase đã phát triển hệ thống bảo mật như đối chiếu thông tin tài khoản với dữ liệu từ phía cảnh sát, hoặc phụ huynh có thể đăng xuất khỏi tài khoản game của con.

Nhưng "vỏ quýt dày thì có móng tay nhọn", chúng tạo tài khoản bằng tên của phụ huynh mình, sau đó lén lút quét mặt họ khi đang ngủ để thoải mái đăng nhập vào game. Hoặc thậm chí là nhờ người khác giả vờ gọi điện hỏi cha mẹ chúng để lấy giọng nói, sau đó sử dụng chúng để kích hoạt bảo mật bằng âm thanh.

Hiện Tencent cũng như các hãng game khác đang cố gắng phát triển hệ thống xác minh người dùng an ninh nhất có thể. Thế nhưng "nhất quỷ nhì ma thứ ba học trò" mà, dù hệ thống bảo mật có tốt tới đâu thì tới một lúc nào đó, lũ trẻ vẫn sẽ tìm ra cách để "lách luật" thôi.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM