Trào lưu peel da (lột da) có ‘thần thánh’ như quảng cáo?
Gần đây, trên mạng xã hội đang thịnh hành trào lưu peel da, phương pháp này được nhiều người bán hàng online quảng cáo rầm rộ như một cách giúp da trắng mịn chỉ sau vài lần sử dụng.
Peel da hay còn gọi là lột da, thay da sinh học, là một phương pháp làm cho da bong tróc từng mảng lớn nhằm tẩy đi lớp da cũ, tạo ra lớp da mới mịn màng. Vậy, phương pháp này có thật sự hiệu quả như quảng cáo trên mạng?
Trong chương trình 360 độ Khoẻ - Đẹp được phát sóng tối 17/5 trên VTV9, Dược sĩ Phạm Minh Hữu Tiến, Nam Vương Người Việt Thế Giới 2017, Nguyên Giảng viên Trường Đại học Y Dược Cần Thơ, cùng chuyên gia khách mời đã bàn luận về chủ đề “Peel da - Liệu có tốt không?”.
ThS.BS Lê Thảo Hiền, Khoa Thẩm mỹ da, Bệnh viện Da liễu TP.HCM cho biết peel da là một phương pháp khoa học nhằm lột da đồng nhất và có kiểm soát. Da có 3 lớp là lớp thượng bì (lớp nông), lớp trung bì (lớp giữa) và lớp hạ bì (lớp sâu). Phương pháp peel da thông thường sẽ lột da ở lớp nông và lớp giữa.
BS Hiền cho biết: “Đối với peel da lớp nông, mọi người có thể thực hiện tại nhà bằng các hoạt chất như Retinol, Tretinoin, Salicylic Acid nồng độ 2%; Glycolic Acid nồng độ 18%”.
Các hoạt chất với nồng độ nhẹ sẽ phục vụ cho việc peel da nông, sau khi peel da mọi người có thể sinh hoạt bình thường. Các trường hợp peel da và lột từng mảng như trên mạng xã hội quảng cáo thường là peel da nông.
Còn đối với peel da sâu, chúng ta cần dùng các hoạt chất có nồng độ mạnh. Lúc này, mọi người cần mất 3-4 tuần mới có thể sinh hoạt bình thường. Peel da ở lớp giữa thường dành cho những người gặp các vấn đề như sẹo mụn, lỗ chân lông to. Peel da ở lớp giữa có liên quan đến các vấn đề về mạch máu và thần kinh nên mọi người cần đến các cơ sở y tế để thực hiện.
Peel da xong, da sẽ trắng đẹp ngay lập tức?
BS Hiền khẳng định: “Quá trình peel da sẽ giúp da của chúng ta sáng hơn khoảng 20-30% nhưng chắc chắn không thể biến từ một làn da nâu thành một làn da trắng bật tông”.
Sau khi peel da, mọi người vẫn cần dùng thêm các hoạt chất khác để ức chế sắc tố. BS Hiền nói thêm rằng peel da không thể giúp da trắng cấp tốc nhưng sẽ giúp da trắng sáng dần dần.
Sử dụng rượu thuốc để peel da có an toàn?
Cũng trong chương trình, dược sĩ Tiến nêu vấn đề: “Hiện nay, một số người đã dùng rượu thuốc để peel da tại nhà nhưng điều này liệu có an toàn hay không, thưa BS Hiền?”.
Về góc độ chuyên môn, BS Hiền cho biết, các loại rượu thuốc được nhiều người sử dụng để peel da thường rất rẻ, không rõ thành phần và nguồn gốc. Thêm nữa, nồng độ của các loại rượu thuốc thường rất mạnh, nếu sử dụng để peel da sẽ khiến da bị lột ra từng mảng như da rắn và rất đau.
BS Hiền cho biết đã từng có bệnh nhân mang khuôn mặt bong tróc kèm nhiều dịch đến bệnh viện để thăm khám. Các trường hợp này rất khó để điều trị và khắc phục vì peel da quá sâu sẽ để lại sẹo. Hoặc cũng có trường hợp bệnh nhân da chỗ trắng chỗ đen do các tế bào sắc tố đã chết, trường hợp này da không thể phục hồi được.
BS Hiền khuyến cáo người dân tuyệt đối không nên peel da bằng các loại rượu thuốc vì điều này rất dễ để lại di chứng khó phục hồi.