Sau 2 tiếng đồng hồ chen chúc xếp hàng, cuối cùng thì cô gái 29 tuổi Lị Lị (tên các nhân vật trong bài đã được thay đổi) cũng đã nộp được bản nháp di chúc của mình cho nhân viên ở chi nhánh Quảng Đông - Ngân hàng Di chúc Trung Quốc. Trong vòng 3 tiếng tiếp đó, cô sẽ phải hoàn thành các thủ tục khác như đăng ký, tiến hành đánh giá tinh thần, ghi lại video cảm xúc.
Nội dung di chúc khá đơn giản, toàn bộ tài sản của Lị Lị chỉ có 1 căn hộ và vài chục nghìn tệ tiền tiết kiệm. Cô sẽ để căn hộ lại cho mẹ, còn tiền tiết kiệm thì cho mối tình đầu thừa kế. Mặc dù chia tay mối tình đầu đã lâu, nhưng Lị Lị vẫn luôn nhớ đến những tháng ngày tuổi trẻ ở bên nhau, chính anh chàng là người đã vực cô dậy vào lúc cô gục ngã.
Lập di chúc là "ước nguyện tuổi 30" của Lị Lị. Lúc lên Trung học, gia đình cô gặp biến cố, nên Lị Lị đã sớm ý thức được cuộc sống vô thường và mong muốn có thể lập sẵn kế hoạch cho sau này. Lập xong di chúc, Lị Lị cảm thấy trong lòng nhẹ nhõm hẳn: "Dường như tâm hồn được an lành hơn, cũng coi như là 1 lần khảo nghiệm cho tương lai."
Theo Sách Trắng Ngân hàng Di chúc Trung Quốc 2020, trong số 190 nghìn di chúc được ký gửi cho ngân hàng này bảo quản, có 4.190 bản của người dưới 60 tuổi, 40,03% trong đó là của người dưới 40 tuổi, và đang ngày càng có nhiều những bạn trẻ thuộc thế hệ 9X, 10X bắt đầu lập di chúc.
Điền Diễm - nhân viên tại Trung tâm Đăng ký số 2, Ngân hàng Di chúc Trung Quốc Thượng Hải - nhận định, giới trẻ ngày nay không ngại đối mặt với cái chết, việc lập di chúc chỉ là thông qua thủ tục pháp luật để tìm cho mình 1 sự đảm bảo và phòng tránh những điều bất trắc có thể xảy ra.
20 phút lập xong 1 bản di chúc
Chàng trai 18 tuổi Dư Thành từng nhiều lần liên lạc với Điền Diễm qua điện thoại. Anh chàng bày tỏ nguyện vọng của mình là có thể để lại khoản tiền vài chục nghìn tệ cùng tài khoản game cho người bạn thân nhất. Bởi bố mẹ Dư Thành luôn bận rộn với công việc, không có thời gian quan tâm con cái, trong khi người bạn tốt này lại luôn kề cận giúp cậu giải quyết mọi vấn đề, thế nên Dư Thành muốn lập di chúc để bày tỏ lòng biết ơn với bạn mình.
Nhằm bảo đảm đây là ý nguyện xuất phát từ đáy lòng của Dư Thành, trước khi tạo văn bản, Điền Diễm hỏi đi hỏi lại cậu rất nhiều lần để xác nhận nội dung di chúc. Tất nhiên là trước đó, Dư Thành đã phải trải qua vòng xác minh sức khoẻ, độ minh mẫn và sự hiểu biết về pháp luật. Nhận được câu trả lời trước sau như một của chàng trai trẻ, trong vòng chưa tới nửa tiếng đồng hồ, Điền Diễm đã cho ra lò bản di chúc được đánh máy rất chuyên nghiệp, chỉ chờ Dư Thành ký tên nữa là xong.
Đến phần "di chúc tình cảm", Dư Thành nhìn thằng vào ống kính máy quay: "Bố mẹ, hy vọng bố mẹ có thể hiểu cho hành động của con, đồng thời làm theo đúng nguyện vọng (phân chia tài sản) của con. Con nhất định phải đền đáp bạn mình."
Trước khi rời đi, Dư Thành còn tiết lộ cậu sẽ suy nghĩ về việc viết 1 cuốn sách, và nếu hoàn thành, cậu sẽ bổ sung di chúc để lại nó cho người bạn thân.
Trong ấn tượng của Điền Diễm, người già phải mất cả buổi sáng hoặc thậm chí là nguyên ngày mới lập được 1 bản di chúc, thế nhưng người trẻ thì chỉ cần khoảng 20 phút là xong xuôi mọi thủ tục. Điền Diễm cho rằng: "Bởi vì suy nghĩ của người trẻ luôn rất quyết đoán, hơn nữa họ cũng khá am hiểu pháp luật, nên khi đã quyết định thì sẽ không thay đổi nữa."
Dương Dĩnh Nghi - nhân viên ở Trung tâm Đăng ký số 1 Quảng Đông - Ngân hàng Di chúc Trung Quốc - cũng đồng cảm với Điền Diễm. Người già luôn suy nghĩ rất nhiều vấn đề khi lập di chúc, lúc thì suy xét xem đứa con nào hiếu thuận hơn, khi lại đặt lên bàn cân xem đứa con nào có điều kiện kém hơn những người còn lại... Để không xảy ra tình trạng "nhất bên trọng, nhất bên khinh", họ phải suy nghĩ cực kỳ kỹ lưỡng trước khi đưa ra quyết định. "Có lẽ người già hiểu rằng mình đã ở thế gần đất xa trời rồi nên nhất định phải thật cẩn trọng, và phải suy xét cho tất cả mọi thành viên trong gia đình."
Ngược lại, người trẻ tuổi lại không như vậy. Trước khi quyết định lập di chúc, họ đã chuẩn bị sẵn tâm lý, người thừa kế trong mắt họ luôn chỉ đơn giản là "người quan trọng nhất" ở hiện tại. Hơn nữa, họ cũng hiểu rõ rằng nội dung di chúc không phải cuộc giao dịch 1 lần, mà là thứ có thể thay đổi được bất cứ lúc nào họ muốn.
Đầu năm nay, cô gái 26 tuổi Từ Á đã tiến hành lập di chúc tại Thượng Hải. 2 năm trước, bố cô qua đời vì bệnh tật. Bởi luôn điên cuồng làm việc và đi công tác, nên cô rất lo lắng nếu bản thân xảy ra bất trắc thì người mẹ ốm yếu của mình sẽ phải sống ra sao. Cô không do dự hay suy nghĩ nhiều, chỉ vừa nghĩ tới việc lập di chúc đã bắt tay vào làm ngay. Từ Á coi việc lập di chúc rõ ràng, để lại tài sản cho mẹ giống như tạo cho bà một khoản bảo hiểm "hợp tình, hợp lý, hợp pháp" lúc về già.
Số liệu trong Sách Trắng Ngân hàng Di chúc Trung Quốc 2020 cho thấy, 77,56% người dưới 30 tuổi lập di chúc đều lựa chọn người thừa kế là bố mẹ; tiếp đến là những người không phải vợ/chồng hay người được pháp luật chỉ định, bao gồm đồng nghiệp, bạn bè, trường cũ, công ty...
Đề phòng bất trắc
"Việc lập di chúc rất phổ biến ở nhiều quốc gia Âu Mỹ, họ đã ý thức được việc nhờ pháp luật bảo vệ tài sản cá nhân từ rất sớm. Thế nhưng với phông nền văn hoá khác biệt, rất nhiều người Trung Quốc lại coi việc lập di chúc là điều cấm kị, họ chỉ nghĩ đến nó khi cận kề cái chết." Dương Dĩnh Nghi cảm thấy đây chính là sự khác biệt lớn nhất giữa người phương Đông và phương Tây trong việc lập di chúc.
"Tuy nhiên, quan niệm về pháp luật của người trẻ bây giờ đã tăng cao, quan niệm về sống - chết cũng đang dần thay đổi." Dương Dĩnh Nghi cho rằng sau khi trải qua biến cố gia đình, hay phải chứng kiến việc tranh giành tài sản và nhận thấy sự sống mong manh, hoặc suy xét đến tình trạng sức khoẻ của bản thân... rất nhiều người đã nhận thức được tầm quan trọng của việc lập di chúc. Đây cũng được coi là một phương án đề phòng bất trắc được lên kế hoạch cho bản thân từ sớm.
Gia Văn - chàng trai 17 tuổi - là khách hàng nhỏ tuổi nhất mà Dương Dĩnh Nghi từng tiếp xúc. Qua điện thoại, Dương Dĩnh Nghi từng nhắc nhở Gia Văn rằng người lập di chúc phải có đủ khả năng chịu trách nhiệm dân sự, Gia Văn lập tức trả lời rằng dù chưa đủ 18 tuổi nhưng sinh hoạt phí hiện tại đều do cậu tự lao động kiếm được.
Khi còn nhỏ, Gia Văn mắc bệnh bạch cầu. Trải qua nhiều lần điều trị, bệnh tình đã được khống chế phần nào, thế nhưng sau đó bác sĩ lại phát hiện ra cậu bị mắc bệnh tim. Cả gia đình kiệt quệ, cộng thêm người cha đam mê cờ bạc, nên khi các bạn còn đang bận học hành, yêu đương thì Gia Văn đã bắt đầu ra đời đi làm kiếm tiền.
Từng có thời gian làm việc ở bệnh viện, Gia Văn đã chứng kiến rất nhiều cảnh tượng người thân của bệnh nhân tranh cãi về phương pháp điều trị và cả tranh chấp tài sản. Nghĩ đến bệnh tình của bản thân, Gia Văn biết mình có thể ra đi bất cứ lúc nào, thế nên cậu quyết định để lại toàn bộ tiền tiết kiệm trong tài khoản cho mẹ. Tuy nhiên, chàng trai trẻ quá ham kiếm tiền, làm nhiều công việc 1 lúc nên thậm chí còn chẳng có thời gian tới tận nơi lập di chúc.
Trong số những bản di chúc được thực thi tại Ngân hàng Di chúc Trung Quốc Thượng Hải, trường hợp trẻ nhất chỉ mới 42 tuổi. Điền Diễm nhớ lại, gia đình của Tiểu Hùng khá phức tạp, trước khi bố mẹ cô qua đời đã nhờ luật sư lập di chúc để đề phòng bất trắc. Họ còn cẩn thận cất di chúc vào két sắt.
Nhưng dẫu vậy, đến khi ông bà qua đời, mấy anh chị em nhà họ vẫn nảy sinh mâu thuẫn vì vấn đề phân chia tài sản. Lúc bản di chúc còn chưa được mở ra, chị dâu của Tiểu Hùng đã cầm lên đốt mất một nửa. Cuối cùng, cả gia đình kéo nhau ra toà kiện tụng suốt 5-6 năm trời.
Sau khi kết thúc quá trình kiện tụng, Tiểu Hùng và chồng quyết định cùng đi lập di chúc. Theo đó, họ để lại toàn bộ tài sản cho con, bởi "cho dù đang khoẻ mạnh cũng phải chuẩn bị trước cho con mình, không thể giẫm vào vết xe đổ trước đó được". Thế nhưng chẳng ai ngờ mới lập di chúc chưa đầy 1 năm, Tiểu Hùng đã đột ngột qua đời vì bạo bệnh. Câu chuyện của người phụ nữ này khiến cho các nhân viên Ngân hàng Di chúc không khỏi cảm thán mỗi khi nhắc lại.
Bùng nổ sau đại dịch
Trong số những bản di chúc được gửi gắm tại Ngân hàng Di chúc Trung Quốc, phần đông là của những người già cả. Thế nhưng Dương Dĩnh Nghi nhận thấy, sau khi dịch bệnh Covid-19 hoành hành, số lượng người trẻ tuổi đến tìm hiểu về việc lập di chúc ngày càng nhiều. Cô cho rằng dịch bệnh khiến cho người ta ý thức rõ ràng về ranh giới mỏng manh giữa sự sống và cái chết, đồng thời cũng nhận ra cần phải lo liệu trước cho việc hậu sự của mình.
Khi dịch bệnh bùng phát vào năm ngoái, Dương Dĩnh Nghi làm việc ở nhà, các cuộc điện thoại bàn ở công ty được kết nối với số di động của cô. Trong 3 tháng ấy, điện thoại của cô gần như nổ tung vì liên tục nhận được các cuộc gọi yêu cầu tư vấn. Mỗi ngày, Dương Dĩnh Nghi phải tiếp vài chục cuộc điện thoại, thậm chí nửa đêm vẫn có khách hàng liên hệ với cô chỉ vì bị cảm và lo lắng mình sắp không qua khỏi.
Cũng bởi dịch bệnh không thể ra khỏi nhà, rất nhiều người chuyển sang lựa chọn "di chúc WeChat" và lưu lại nội dung muốn truyền tải cũng như cảm xúc của bản thân trên "thẻ lời nhắn hạnh phúc" của WeChat. Theo thống kê, trong năm 2020, Ngân hàng Di chúc Trung Quốc đã nhận được gần 70 nghìn bản "di chúc WeChat", trong đó số lượng người dưới 30 tuổi chiếm tới 66,1%.
Thế nhưng Dương Dĩnh Nghi lại không ủng hộ kiểu di chúc này. Theo cô, "di chúc WeChat" không có ý nghĩa về mặt pháp lý, kỳ thực đây chỉ là những lời nhắn gửi dành cho người thân và bạn bè, chỉ có thể coi là 1 cách bày tỏ cảm xúc nhất thời mà thôi.
Rất nhiều luật sư cũng nhấn mạnh, Bộ luật dân sự Trung Quốc về thừa kế có yêu cầu khắt khe về hình thức di chúc. Các hình thức di chúc được pháp luật quy định bao gồm: Di chúc tự viết, di chúc được uỷ thác, di chúc bằng văn bản, di chúc bằng video, di chúc miệng và di chúc có công chứng. Còn "di chúc WeChat" chỉ có một số thông tin ít ỏi (như họ tên, số chứng minh nhân dân...) nên không thể đảm bảo tính xác thực và không có giá trị pháp lý.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng lo ngại việc lập di chúc quá dễ dàng và phổ biến trong giới trẻ sẽ dẫn đến nhiều hệ quả đáng tiếc. Thậm chí, một số chuyên gia còn cho rằng việc này sẽ khiến cho người ta coi nhẹ cái chết và buông bỏ ý chí chiến đấu để giữ gìn sự sống trân quý.
Nguồn: 163