Fan “cứng” của Tony Buổi sáng
Anh Doãn Hùng quê ở huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa - nơi vốn nổi tiếng với nghề dệt chiếu cói từ thập niên 1980. Giống như nhiều bạn trẻ đồng trang lứa khác, anh cũng rời quê hương để theo đuổi con đường học vấn ở thủ đô.
Một tháng sau khi nhập học, Hùng bắt đầu đi làm thêm từ những việc tay chân như rửa xe, phát tờ rơi, bán hoa, mỹ phẩm, nhà hàng và sau đó gắn bó với công việc ở khách sạn gần 4 năm. Cũng từ ngày đầu tiên đó, anh đã không phải xin “viện trợ” của gia đình. Thậm chí, sau khi trang trải học phí, sinh hoạt mà vẫn còn dư dả, Hùng gửi tiền về cho bố mẹ chăn bò, nuôi gia súc, coi như giữ làm vốn.
Đến khi ra trường năm 2016, Hùng có trong tay hơn 100 triệu nhưng con đường phía trước vẫn khá mù mờ. Anh tự nhận là một “fan cứng” của tuyển tập Tony Buổi sáng, có thể đọc thuộc vanh vách những câu thơ trong đó mà không cần nhìn. Trong buổi trò chuyện với phóng viên, anh đọc lại một đoạn thơ từng khiến mình trăn trở:
“Cứ ở mãi ao làng ao sen cạn
Sao không ra sông ra bể mà vẫy vùng
Sao cứ mãi trói mình trong nếp nghĩ bùng nhùng
Sao cứ online thở dài ngao ngán
Sao cứ để tuổi trẻ trôi qua thật chán
Trên đường băng sân bay mỗi đời người
Có những người đang chạy đà và cất cánh.”
Tinh thần luôn sẵn sàng mà chưa biết bắt đầu từ đâu, Hùng quyết định đi phượt cả tháng trời, khắp Nam ra Bắc, mong tìm được cơ duyên nào đó. Nhưng đáng tiếc, anh trở về mà không có ý tưởng gì.
Anh Doãn Hùng - Ông chủ Comay Craft.
Vài tháng sau, gia đình gặp biến cố lớn. “Bao nhiều tiền của, vốn liếng Hùng gom góp được đều phải buông bỏ. Công sức làm việc, tiết kiệm của mình coi như đổ xuống sông, xuống biển”, anh hồi tưởng lại.
Sau đó, Hùng quyết định vào Nha Trang, tìm được việc tại Vinpearl. Còn đủ tiền mua vé và năm trăm nghìn, anh phải mượn tạm tiền bạn mua một chiếc xe đạp để đi lại đỡ vất vả.
Tại đây, anh quen biết với một người chị có sở thích đan và làm đồ thủ công mỹ nghệ. Lúc ấy Hùng vẫn chưa nghĩ nhiều. Chỉ đến một lần ngồi cùng cáp treo với hai bạn khách du lịch nước ngoài, thấy họ đeo chiếc túi làm bằng cói, anh mới chợt nảy ra ý tưởng: “Tại sao không làm đan túi thủ công tại Nga Sơn, nơi vốn đã rất nổi tiếng với nghề này?”.
Không khéo tay vẫn làm được túi
Không suy nghĩ nhiều, ngày hôm sau Hùng viết đơn xin nghỉ việc, về quê. Nhưng do đi làm không được bao lâu đã nghỉ, anh chưa tích lũy được đồng vốn nào. Hùng mượn tạm chị gái 10 triệu đồng, bắt đầu tìm nơi học nghề.
Nga Sơn có truyền thống đan giỏ, làm thảm nhưng chưa ai làm túi, Hùng lại lặn lội đi đến rất nhiều làng nghề, nhưng họ đều từ chối không dạy. Quyết không bỏ cuộc, sau đó Hùng may mắn tìm được thầy dạy đan ở Huế. Một tháng liên tục, ngày nào cũng như ngày nào, anh ngồi học đan từ sáng đến tối, có lúc đau lưng mỏi gối đến chảy nước mắt.
“Vốn là nam giới, trước kia cũng vẽ xấu và rất hậu đậu, nhưng rồi cứ học thôi. Tuy nhiên, kinh nghiệm làm việc tại khách sạn cũng giúp mình có tư duy của người làm dịch vụ, tỉ mẩn và chỉn chu, sạch sẽ, vì thế mà quá trình học cũng bớt gian nan hơn", anh Hùng kể lại.
Học được chút kỹ năng, anh về quê, bắt đầu bằng việc đan túi xách thủ công như nhiều doanh nghiệp trong ngành khác. Nhưng chẳng bao lâu, nhận thấy sản phẩm không có gì khác biệt, giá trị lại thấp, ông chủ Comay dừng lại và chuyển hướng sang phân khúc cao cấp.
“Các sản phẩm túi mây của Việt Nam thường bị phản hồi là thiếu tinh tế, chỉn chu. Trong khi đó, thị trường cũng đang thiếu những sản phẩm cao cấp nên mình quyết định rẽ hướng”. Hiện anh là người duy nhất tại Nga Sơn làm túi thủ công mỹ nghệ cao cấp.
Nguyên liệu chính để làm túi bao gồm gỗ, cói, mây, tre. Gỗ và cói sử dụng của các nhà cung cấp tại địa phương, còn mây, tre nhập từ tỉnh khác. Chỉ có da là nguyên liệu phải nhập khẩu, từ Nhật hoặc Ý. Tất cả công đoạn đều được thực hiện ngay tại xưởng ở Nga Sơn.
Các sản phẩm túi xách của Comay Craft có giá dao động từ 800.000 đến gần 3.000.000 đồng. Thay vì chỉ đan, anh Hùng cho biết muốn chú trọng vào những sự thanh lịch, tinh tế, giúp khách hàng có thể dùng thường xuyên như các loại túi xách khác thay vì chỉ mang đi biển như trước kia. Đồng thời có thể khắc tên để cá nhân hóa trải nghiệm khách hàng.
Không mở cửa hàng, tập trung bán online
Người trẻ từ quê lên phố lập nghiệp thì nhiều nhưng điều ngược lại vẫn còn khá hiếm. “Những ngày đầu Hùng cũng bị gia đình phản đối, vì đang làm việc ở thành phố với mức lương tốt, lại “ăn trắng mặc trơn”, bỗng nhiên về quê làm thứ chẳng giống ai. Nhưng bản thân là người cá tính, mình chỉ giải thích một lần, rồi quyết định dọn ra ở riêng. Đến giờ thì mọi người cũng không còn phàn nàn gì nữa", anh nhớ lại.
Anh Hùng cho biết hiện đang tập trung bán hàng qua Instagram, Facebook, đặc biệt là trên các sàn thương mại điện tử quốc tế như Amazon và Etsy, trong đó Etsy dành riêng cho đồ handmade. Anh không thuê mặt bằng để làm cửa hàng hay showroom tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh vì cho rằng nó sẽ gây nên gánh nặng tài chính rất lớn, nhất là trong giai đoạn kinh tế bị ảnh hưởng bởi Covid như hiện nay. Bên cạnh đó, việc bán hàng trên Amazon cũng dễ dàng hơn vì khách hàng nước ngoài rất ưa chuộng những sản phẩm thủ công mỹ nghệ cao cấp. Hiện tại, doanh thu đến từ thị trường nước ngoài, bao gồm Đức, Nhật, Áo, Hàn Quốc đang chiếm ưu thế hơn so với thị trường nội địa.
Ngoài ra, anh sẽ tiến tới hợp tác, ký gửi túi Comay tại các cửa hàng quần áo, thời trang cùng phân khúc để gia tăng doanh số offline.
Nói đến các đối thủ cạnh tranh, anh Hùng cho biết: “Mình không quan tâm gì về đối thủ mà quan tâm đến năng lực của bản thân hơn. Thị trường rất rộng, nếu chỉ hòng đấu đá, săm soi đối thủ thì vô hình chung sẽ mất đi sự sáng tạo. Giống như một đội bóng, nếu cả đội chỉ có một ngôi sao như Ronaldo hay Messi thì cũng không thể gánh cả “team”. Do vậy các doanh nghiệp cùng nhau đi lên mới giúp giá trị sản phẩm được nâng cao, cả ngành mới vươn xa được.”
Ngoài việc sản xuất túi thủ công cao cấp, anh Hùng cho biết đã hoàn thành bản thiết kế để cải tạo khu vườn của mình thành nơi trải nghiệm cho khách hàng, khách thăm quan, cho phép họ tự tay làm một hoặc một vài công đoạn đơn giản của quá trình sản xuất túi.
“Hiện tại mình cũng chưa đạt được thành tựu gì to lớn, quy mô còn khá nhỏ. Tuy nhiên sau này, mình không có ý định chuyển sản xuất sang địa phương khác. Mình trở về là vì mong muốn tạo công ăn việc làm cho người dân của quê hương", ông chủ Comay khẳng định.