Trầm cảm ở động vật - Căn bệnh đáng buồn ở các loài thú do chính con người gây ra

Bảo Nam | 20-04-2022 - 16:16 PM

(Tổ Quốc) - Bệnh trầm cảm có dành riêng cho loài người không? Dĩ nhiên là không! Vì nhiều động vật nuôi nhốt cũng mắc chứng “trầm cảm”.

Bệnh trầm cảm (Depression) là một dạng rối loạn cảm xúc, có thể mang tới cảm giác buồn bã, mất hứng thú kéo dài và thậm chí dẫn đến các hành động gây ảnh hưởng đến tính mạng của bản thân hoặc những người xung quanh.

Nhưng không chỉ con người mới bị trầm cảm, động vật cũng vậy. Nhưng chúng thường không bị mắc bệnh này trong tự nhiên, mà nó được tạo ra do chính sự nuôi nhốt của con người.

Cách đây không lâu, một đoạn video quay trong chuồng hổ ở vườn thú Bắc Kinh đã khiến cư dân mạng lo lắng. Trong video, một con hổ trắng Bengal đi vòng tròn liên tục trong một khoảng đất trống ở khu vực vận động ngoài trời. Dấu chân của nó giẫm lên mặt đất tạo thành một vòng tròn, thể hiện trạng thái "hành vi rập khuôn" điển hình.

Trầm cảm ở động vật - Căn bệnh đáng buồn ở các loài thú do chính con người gây ra - Ảnh 1.

Con hổ Bengal đi thành vòng tròn một cách vô thức trong khuôn viên chuồng chật hẹp.

Đối với động vật trong vườn thú, việc thay đổi từ môi trường hoang dã sang môi trường nuôi nhốt chắc chắn sẽ dẫn đến cảm giác khó chịu. Trong các vườn thú, đặc biệt là ở các thành phố vừa và nhỏ, nếu quan sát kỹ, chúng ta không khó để bắt gặp cảnh tượng như vậy. Đó là khi một số loài động vật di chuyển theo một tuyến đường cố định, đi tới đi lui, đứng yên lắc đầu và thậm chí đi vòng tròn tại chỗ.

Có thể bạn từng cho rằng đây là hiện tượng bình thường sau khi nuôi nhốt, nhưng thực chất đây là trạng thái biểu hiện của bệnh. Giống như con hổ Bengal ở vườn thú Bắc Kinh mà theo thuật ngữ chuyên môn gọi là “hành vi rập khuôn”.

Bởi đặc điểm lớn nhất của động vật hoang dã là tính “hoang dã” và “tự nhiên”, hay khả năng hòa nhập với môi trường và sống không gò bó. Tuy nhiên, khi chuyển từ môi trường hoang dã sang không gian nuôi nhốt do con người tạo ra, chúng bị hạn chế về không gian cũng như thay đổi thói quen sống. Nếu không thích nghi được, một số động vật sẽ xuất hiện những "hành vi rập khuôn" bất thường, lặp đi lặp lại, về cơ bản là các loại không có vai trò chức năng cụ thể.

Trầm cảm ở động vật - Căn bệnh đáng buồn ở các loài thú do chính con người gây ra - Ảnh 2.

Một con sói di chuyển thành vòng tròn trong vườn thú.

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng các hành vi rập khuôn có thể được chia thành ba loại: các cử động lặp đi lặp lại liên quan đến miệng, các chuyển động lặp lại trên cùng một con đường và các hành vi đơn điệu tần số cao. Ví dụ, voi nuôi nhốt có thói quen lắc đầu qua lại, hổ nuôi nhốt thường đi thành vòng tròn, động vật giáp xác thì lơ lửng trên mặt nước hoặc tự đập vào tường kính bằng cơ thể hay bơi thành vòng tròn trong hồ...

Theo Wang Song, nhà nghiên cứu tại Viện Động vật học thuộc Viện Khoa học Trung Quốc và là chuyên gia bảo vệ động vật, thì từ góc độ nghiên cứu học thuật, vẫn còn một số tranh cãi về nguyên nhân gây ra các hành vi rập khuôn của động vật. Nhưng hầu hết thường cho rằng điều này có thể là do không gian sống nhỏ hẹp, độ đa dạng môi trường thấp, sự xáo trộn của môi trường nhân tạo và sự phá hủy môi trường sống của chính động vật.

“Đặc biệt là trong một môi trường nuôi nhốt đơn điệu và hạn chế, các hành vi rập khuôn càng dễ xuất hiện, trong đó gấu là loài rõ ràng nhất”, Wang Song nói.

Lấy gấu nâu làm ví dụ, trong môi trường hoang dã, hầu hết chúng có lãnh thổ từ 700 tới 1.000 km vuông, một số con có diện tích nhỏ cùng vào khoảng 20 tới 40 km vuông. Tuy nhiên, phạm vi hoạt động của gấu nâu trong các vườn thú nói chung tối đa chỉ vài trăm mét vuông, hoàn toàn không thể so sánh được với môi trường hoang dã.

Do đó, trong các vườn thú, chúng ta thường thấy những con gấu đi lại thành vòng tròn, liếm ngón tay, hoặc đứng bằng hai chân để chờ thức ăn.

Trầm cảm ở động vật - Căn bệnh đáng buồn ở các loài thú do chính con người gây ra - Ảnh 3.

Một hành vi rập khuôn khác của hổ là không ngừng lắc đầu.

Ngay cả những con gấu trúc khổng lồ, biểu tượng của các vườn thú ở Trung Quốc cũng không tránh khỏi các hành vi rập khuôn vô thức. Ví dụ, con gấu trúc khổng lồ có tên Thục Lan thường có thói quen nhai giả, nghịch lưỡi, tạo ra nhiều bọt trắng ở khóe miệng. Còn con gấu trúc khổng lồ Hiền Hiền tại vườn thú Sơn Đông Đức Châu, thì có thói quen lắc đầu và thè lưỡi liên tục. Tất cả đều là hành vi rập khuôn điển hình.

Zheng Yu, giám đốc dự án động vật hoang dã của Hiệp hội Bảo vệ Động vật Thế giới, tin rằng những hành vi rập khuôn là những vấn đề về tâm lý do động vật phải chịu áp lực lớn và không thể tự giải quyết được. Chúng gây ra các vấn đề về hành vi và hậu quả khó có thể lường hết được.

Trên thực tế, không chỉ động vật trong vườn thú, mà ngay cả những vật nuôi trong nhà, và ngay cả trẻ mẫu giáo, cũng có thể biểu hiện các hành vi rập khuôn do các vấn đề môi trường. Ví dụ, khi ngoại cảnh thay đổi lớn, hoặc khi môi trường sống quá chật hẹp, những con mèo sẽ liếm lông quá mức, còn nếu trẻ mẫu giáo hay bị nhốt một mình trong phòng, chúng cũng có thể xuất hiện thói quen nghịch tay, ngậm tay và các hành vi tương tự.

Trầm cảm ở động vật - Căn bệnh đáng buồn ở các loài thú do chính con người gây ra - Ảnh 4.

Cho thú dữ và chim săn mồi ăn cả xác động vật hoặc đóng gói thức ăn trong các loại hộp có thể khiến chúng mất nhiều thời gian hơn là nuốt từng miếng thịt, việc này sẽ khiến chúng tiêu hao nhiều thể lực hơn và không còn thời gian nhàn rỗi.

May mắn thay, hành vi rập khuôn không phải là một hiện tượng không thể đảo ngược. Trong những năm gần đây, ngày càng nhiều vườn thú bắt đầu nhận ra tác hại của hành vi rập khuôn đối với động vật. Các nhân viên chăm sóc đã bắt đầu sử dụng nhiều phương pháp để cải thiện chất lượng sống và môi trường sống của động vật nuôi nhốt.

Và một số loài động vật có những thói quen sinh hoạt độc đáo, chẳng hạn như đi tuần tra quanh lãnh thổ của chúng, do đó cần có sự phân biệt rõ ràng giữa những hành vi rập khuôn và những hành vi sinh học bình thường để tránh diễn giải quá mức.

Còn trong việc thay đổi để tránh những hành vi rập khuôn, quan trọng nhất chính là yếu tố làm giàu môi trường nuôi nhốt. Hiểu một cách đơn giản thì đây là việc làm giàu môi trường, tăng khả năng mô phỏng môi trường tự nhiên, tăng độ phức tạp của môi trường. Việc này có tác dụng tăng kích thích giác quan của vật nuôi, làm phong phú thêm môi trường nuôi nhốt, cuối cùng đạt được mục đích tái tạo diện mạo sinh thái của động vật trong tự nhiên.

Cuối tháng 10 năm ngoái, Sở thú Bắc Kinh Trung Quốc đã xây dựng hệ thống nuôi nhốt mới. Đó là những căn chuồng có diện tích rộng lên tới hơn 500 mét vuông, mô phỏng lại các môi trường sinh thái một cách tối đa như rừng, sa mạc, lãnh nguyên vùng cực, rừng mưa nhiệt đới. Bên cạnh đó là thiết lập 11 sân thể thao ngoài trời để đáp ứng các nhu cầu khác nhau của các loài động vật, cho phép chúng vận động, săn môi, để không còn những khoảng thời gian nhàm chán.

Trầm cảm ở động vật - Căn bệnh đáng buồn ở các loài thú do chính con người gây ra - Ảnh 5.

Đừng để động vật bị nuôi nhốt trong những căn chuồng chật hẹp, cũ kỹ và trống vắng.

Tất nhiên, việc làm giàu môi trường cần tính toán một cách cụ thể, đặc biệt là tới sự an toàn và sức khỏe của động vật. Bởi các loại sơn được sử dụng có thể độc hại, hay các loại dây thừng, lưới, dây cao su... có thể gây vướng víu thậm chí làm hại chết con non. Nhìn chung, việc này cũng đòi hỏi sự thông thái và tỉ mỉ của các nhà chuyên môn.

Ngoài ra, một đẳng cấp cao hơn của việc làm giàu môi trường chính là tạo ra các môi trường giả lập quy mô lớn. Đó là nơi mà nhiều loại động vật hoang dã được nuôi trong một môi trường mô phỏng không gian nguyên bản, và khách du lịch vẫn có thể đi sâu vào để khám phá thế giới động vật. Việc này không chỉ giúp con người đến gần hơn với các loài động vật mà còn mang tới trải nghiệm thực tế về môi trường tự nhiên cho các loài động vật.

Thủy cung Osaka ở Nhật là một trong những hình mẫu điển hình của loại hình này, vừa cho phép các loài vật được sống trong môi trường tương tự tự nhiên, vừa đảm bảo tiềm năng về kinh tế khi vẫn thu hút đông đảo được du khách tới tham qua.

Trầm cảm ở động vật - Căn bệnh đáng buồn ở các loài thú do chính con người gây ra - Ảnh 6.

Thủy cung Osaka của Nhật Bản, bối cảnh "thiết kế nhập vai" của nó được coi là hình mẫu trong ngành chăm sóc động vật.

Tổng hợp

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM

Tết an vui với ưu đãi miễn phí bảo dưỡng từ Panasonic

Dịp cuối năm là thời điểm mỗi gia đình đều chú trọng tân trang cho ngôi nhà của mình cũng như quan tâm đến sức khỏe cho các thành viên. Hiểu được mong muốn đó, Panasonic triển khai chương trình chăm sóc khách hàng thường niên 2024 với nhiều ưu đãi hấp dẫn, giúp bạn và cả nhà chuẩn bị một mùa Tết khỏe mạnh và an lành.