Dù có muốn hay không, thì các sản phẩm làm giả, làm nhái vẫn xuất hiện trên thị trường, không những làm giảm uy tín của các nhà sản xuất mà còn đem tới trải nghiệm không tốt cho người dùng. Đây là lý do startup công nghệ Phygital Labs do 2 cựu kỹ sư Google Huy Nguyễn và Nam Đỗ đồng sáng lập đã cho ra đời Nomion - giải pháp định danh vạn vật.
Giải pháp này sử dụng một con chip RFID (Radio Frequency Identification) được gắn lên các sản phẩm định danh, và áp dụng cả Blockchain để đảm bảo mỗi sản phẩm mà con chip này gắn vào là độc bản ở cả thế giới vật lý và thế giới số.
Phygital Labs chia sẻ giải pháp này có thể áp dụng được trên bất cứ thứ gì, với các sản phẩm đã được áp dụng bao gồm cà phê hòa tan Le J' Cafe, bộ sưu tập áo giới hạn 300 chiếc Ortho Starlight và đặc biệt là các tác phẩm nghệ thuật (tranh vẽ, điêu khắc).
Những chip RFID trên sản phẩm có thể dùng để quét bằng smartphone, dẫn người dùng tới trang web để giới thiệu về sản phẩm mà nó gắn vào.
Tại Triển lãm Đổi mới sáng tạo 2023, thương hiệu này đã trưng bày tác phẩm mang tên "Đùm bọc" đạt giải 3 của cuộc thi "Đá non nước 2023". Khi quét bằng smartphone, ta có thể đọc được những lời giới thiệu ngắn về sản phẩm, một video nói về quá trình sáng tác, đọc thêm về lí lịch tác giả Mai Thanh Thiện và Làng đá mỹ nghệ Non Nước tại Đà Nẵng.
Bên cạnh việc dùng để định danh, đem tới những thông tin về các sản phẩm vật lý thì Nomion còn tạo nên các 'Bảo tàng số'. Khi truy cập vào website của Nomion, ta có thể tạo một nhân vật avatar rồi đi bên trong bảo tàng "Đá non nước 2023" không khác gì một trò chơi điện tử, 'ngắm nghía' và tìm hiểu thông tin về các sản phẩm đã thắng giải.
Phygital Labs cho biết trong thời gian tới sẽ 'số hóa' thêm nhiều sản phẩm khác đến từ Việt Nam, từ các cổ vật, tác phẩm nghệ thuật cho tới nông sản như thương hiệu hạt tiêu Phú Quốc "The Hồ Tiêu".