Thiết kế rất nhẹ, dễ dàng mang đi bất cứ đâu
Giống với đàn anh ra mắt vào năm 2018, X-T200 là sản phẩm nhắm đến đối tượng người dùng mới bước vào con đường nhiếp ảnh hoặc chỉ có nhu cầu cơ bản. Vì vậy, Fujifilm chỉ tích hợp các công nghệ và phần cứng vừa đủ nên kích thước cũng như cân nặng của máy được giảm đi đáng kể.
Cầm trên tay chiếc X-T200 này, tôi cảm giác như đang mang theo bên mình một chiếc máy ảnh compact du lịch, vì nó rất nhẹ và thậm chí khi tham khảo thông số, nó còn nhẹ hơn gần 80g so với đời đầu.
Việc thiếu đi báng cầm tay trên X-T100 là một nhược điểm mà tôi đã từng nêu trước đây, (mặc dù bạn có thể gắn thêm vào, nhưng tại sao không mặc định luôn cơ chứ?) và thật may mắn là phiên bản mới đã khắc phục được vấn đề này.
Ảnh so sánh X-T100 (trái, khi chưa gắn báng cầm) và X-T200 (phải, có sẵn báng cầm).
Báng cầm tay đã xuất hiện trên X-T200 và phần gờ đặt các ngón tay cũng có độ sâu vừa đủ, giúp thao tác cũng như cầm máy được vững hơn.
Vị trí các phím chức năng ở mặt trên cũng không thay đổi nhiều, tuy nhiên khi sử dụng sẽ thấy phần cần gạt Power trên phiên bản trước đã bị biến thành bánh xe nhỏ, còn phần công tắc nguồn đã được chuyển thành phím nhấn riêng. Việc loại bỏ cần gạt cũng khiến tôi hơi lúng túng đôi chút trong những ngày đầu và nó cũng trở thành nhược điểm mỗi khi muốn mở nguồn máy nhanh để bắt khoảnh khắc trên phố.
Cũng vì tình thế này, tôi buộc phải luôn cho máy ở chế độ On để tránh tình trạng hụt khoảnh khắc, tất nhiên sẽ làm máy tốn pin hơn đôi chút. Nhưng, với việc có thêm một bánh răng nhỏ, bạn có thể thoải mái gán thêm chức năng để việc thao tác chụp được thuận tiện hơn mà không cần phải vào Quick Settings hay Menu chính nữa.
Ở mặt sau của máy, X-T200 giải phóng lại "mặt bằng" để nhường chỗ cho màn hình LCD. Phím điều hướng D-Pad được thay bằng cần joystick và màn hình cũng "nở" ra theo bề ngang.
Mở rộng chiều ngang, đồng nghĩa với việc tỉ lệ màn hình của X-T200 đã thay đổi, từ 3:2 ở đời trước trở thành 16:9. Sự thay đổi này cho thấy Fujifilm muốn hướng sản phẩm mình đến khả năng quay video nhiều hơn và nhờ tỉ lệ màn hình mới này người dùng có thể theo dõi, quay nội dung video thuận tiện hơn.
Ngoài việc tăng kích thước từ 3.0 inch lên 3.5 inch, màn hình của Fujifilm X-T200 cũng nâng độ phân giải hiển thị lên hơn gấp đôi: 2,76 triệu màu thay cho 1,04 triệu màu. Theo đánh giá cá nhân, màn hình của chiếc máy ảnh này hiển thị màu và chi tiết rất rõ nét, độ sáng vừa đủ để sử dụng ngoài trời, tuy nhiên nếu chụp hay quay xong mà muốn cho cả nhóm bạn cùng xem thì tốt nhất là đứng gần nhau vì góc nhìn của màn hình này có phần hơi hẹp.
Vì sử dụng tỉ lệ 16:9 nên khi ở chế độ chụp ảnh máy cũng mặc định 16:9 cho tràn màn hình, tuy nhiên cá nhân tôi lại quen với 3:2 nên chuyển về tỉ lệ ảnh này thì buộc màn hình phải bị dư 2 bên mảng đen. Màn hình X-T200 cũng tích hợp khả năng cảm ứng, giúp bạn có thể chọn điểm lấy nét, lướt xem ảnh, zoom ảnh và có thể nhấn chọn các quick settings mà không cần dùng phím cứng.
Dù bị giản lược vài tính năng hấp dẫn, hệ thống lấy nét của X-T200 vẫn rất tốt và đáng ghi nhận
Ở lần đánh giá X-T100, tôi từng nhận xét hệ thống AF của máy khá chậm, thậm chí có khi là không nhận ra được đâu là chủ thể. Nhưng với X-T200, Fujifilm đã giải quyết triệt để vấn đề này, dù là AF-S hay AF-C, Single Point hay Zone AF, mọi thứ đều hoạt động rất tốt.
Ngoài ra, nếu bạn hay chụp chân dung hoặc quay vlog, hãy nhớ kích hoạt chế độ tự động lấy nét vào mắt, X-T200 dù là sản phẩm "entry-level" nhưng cho hiệu năng ở phần này rất ổn đấy.
Một vài ảnh chụp từ X-T200:
Góp phần việc bắt nét tốt, không thể không kể đến hệ thống lấy nét theo pha của chiếc máy ảnh này đã nâng lên 425 điểm so với 91 của người tiền nhiệm. Tuy nhiên, vì là sản phẩm không thuộc dòng cao nên X-T200 cũng bị lược bỏ một vài tính năng, trong đó tiếc nhất là AF-C Custom Settings vốn được dùng cho dòng X-T cao cấp và X100 series không xuất hiện trên chiếc máy ảnh này.
Dòng máy này cũng cắt phần cần gạt các chế độ lấy nét AF-S, AF-C và M nên nếu bạn muốn đổi sang lấy nét tay thì buộc phải vào menu bên trong.
Một đặc sản không thể thiếu của máy ảnh nhà Fujifilm và cũng có thể là lý do lớn nhất để người dùng lựa chọn là giả lập màu phim (Film Simulator). Số lượng filter màu của X-T200 này thực sự không nhiều, thiếu vắng những cái tên như Eterna đang gây sốt cho dân quay phim, hay Classic Negative cho những người thích tone ấm hoài cổ. May mắn thay, Classic Chrome - một trong những filter màu tôi yêu nhất vẫn có trên đây.
Giao diện chọn filter được nâng cấp, chia nửa màn hinh để có thể so sánh trực quan hơn so với màu ban đầu.
Nhìn chung, với một chiếc máy nằm ở phân khúc bình dân, người dùng buộc phải đánh đổi một số thứ để có giá thành ổn định hơn. Nhưng, những thứ đánh đổi ấy chỉ là thiểu số và nếu so với đời trước, bạn sẽ có được rất nhiều cải tiến không chỉ về thiết kế mà còn cả hiệu năng. Đặc biệt, với người dùng muốn bước vào con đường quay video, đây cũng là lựa chọn khá ổn để khởi đầu với khả năng quay video 4K lên đến 30 fps (đời trước bị đánh giá khá tệ vì chỉ có 15fps).