Trả góp là một giải pháp kích cầu tiêu dùng cá nhân khá phổ biến trong nhiều năm trở lại đây. Đây là một hình thức 2 mặt lợi khi nó vừa giúp người dùng tiêu dùng dễ dàng đưa ra quyết định chi tiêu hơn, đồng thời cũng giúp các cửa hàng đẩy mạnh doanh thu và doanh số các mặt hàng tiêu dùng.
Gần đây, khi ngân hàng điều chỉnh lại lãi suất cho vay tăng tới 30% so với thời điểm bình ổn, các công ty tài chính thay đổi chính sách khi xét duyệt hồ sơ cho vay, cũng như các yếu tố khách quan như lừa đảo, tỷ lệ thất nghiệp và thu nhập giảm đã ảnh hưởng tới khả năng chi tiêu của người dùng, gián tiếp tác động tới thị trường smartphone nói chung, đặc biệt trong dịp cuối năm khi nhu cầu mua sắm có xu hướng tăng trưởng mạnh.
Thị trường điện thoại Android "ảm đạm" cuối năm
Thời điểm Quý 4/2022, thị trường smartphone Android nói chung tại Việt Nam trở nên "ảm đạm" hơn bao giờ hết, một phần tới từ việc ít có các sản phẩm mới được ra mắt. Trong 4 tháng cuối năm, số lượng điện thoại Android ra mắt mới chỉ đếm trên đầu ngón tay, đa số đều mờ nhạt và không nhận được nhiều sự quan tâm từ người dùng.
Việc trả góp khó khăn trong thời điểm cuối năm càng làm thị trường điện thoại Android tại Việt Nam trở nên "ảm đạm" hơn.
Theo đại diện hệ thống FPT Shop, hình thức mua điện thoại trả góp chủ yếu tập trung ở khoảng giá từ 5 tới 7 triệu đồng, đa số là smartphone tới từ thương hiệu OPPO, realme... Phương thức trả góp chủ yếu qua các công ty tài chính.
Hệ thống FPT Shop cũng cho biết lượng khách hàng mua theo hình thức trả góp chiếm từ 30 tới 50% tuỳ thời điểm, tuy nhiên tỷ lệ này đang có xu hướng giảm dần trong thời gian gần đây do các công ty tài chính thay đổi chính sách xét duyệt hồ sơ khách hàng, từ đó tác động tới doanh số bán hàng nói chung.
Ông Nguyễn Lạc Huy, đại diện hệ thống CellphoneS cũng xác nhận tỷ lệ khách hàng trả góp thời gian gần đây đang giảm nhẹ.
"Từ tháng 10/2022, với xu hướng lãi vay ngân hàng tăng hơn 30%, các công ty tài chính cũng có một số điều chỉnh nhẹ về lãi suất cũng như số tiền trả trước. Cụ thể hầu hết các sản phẩm trả góp đều điều chỉnh mức trả trước lên tối thiểu 40%, một số sản phẩm giá trị cao trên 25 triệu đồng cần trả trước từ 50 - 55% giá trị sản phẩm. Lãi suất tăng, số tiền trả trước tăng cao cộng với việc tỷ lệ duyệt trả góp của các công ty tài chính giảm là các nguyên nhân chính dẫn đến việc tỷ trọng khách hàng mua trả góp có suy giảm so với các tháng trước đây", ông Huy cho biết.
Cũng theo ông Huy, khách hàng mua trả góp qua công ty tài chính chủ yếu chọn mua các sản phẩm tới từ các thương hiệu như OPPO, realme, vivo, Xiaomi... do các thương hiệu này đều có hình thức kích cầu tiêu dùng thông qua các chính sách trả góp 0%. Còn với khách hàng sử dụng phương thức trả góp qua thẻ tín dụng, họ sẽ lựa chọn các máy thuộc phân khúc cao cấp hơn như Samsung Galaxy S22, Galaxy Z Fold4/Z Flip4, iPhone 14...
Ưu điểm của phương thức trả góp qua thẻ tín dụng nằm ở yếu tố nhanh chóng, tiện lợi, không cần xét duyệt hồ sơ như khi trả qua công ty tài chính, được nhiều đơn vị chấp nhận và linh hoạt trong kỳ hạn trả góp, trong khi không phát sinh hoặc phát sinh rất ít chi phí mở rộng.
Trái ngược với tình trạng ảm đạm của thị trường smartphone Android, ở phía ngược lại, iPhone 14 lại đang là món hàng được người tiêu dùng săn đón dịp cuối năm dù đây là sản phẩm có giá bán cao, trên dưới 30 triệu đồng.
"Cháy hàng" iPhone 14
Mặc dù khó khăn trong việc trả góp ảnh hưởng lên toàn thị trường nói chung, thế nhưng với iPhone 14 series, đặc biệt là phiên bản Pro Max cao cấp nhất, đây dường như lại là một ngoại lệ khi nguồn cung iPhone chưa bao giờ đáp ứng đủ sức mua lớn của người dùng Việt.
Chia sẻ với phóng viên, đại diện FPT Shop cho biết mặc dù xét về tỉ lệ, smartphone Android có sự tham gia nhiều của các thương hiệu OPPO, realme, vivo... tuy nhiên xét về số lượng thì iPhone 14 series đang là một trong những dòng điện thoại có lượng khách mua hàng qua hình thức trả góp chiếm ưu thế nhất. Con số cụ thể được đưa ra là 20%.
Ông Nguyễn Lạc Huy, đại diện hệ thống CellphoneS cũng cho biết có tới 35% lượng khách hàng mua iPhone 14 series qua hình thức trả góp, và chủ yếu là qua thẻ tín dụng. Nguyên nhân đến từ việc phần lớn khách hàng này đều sở hữu sẵn từ 1 - 2 thẻ tín dụng. Ngoài ra đơn vị này cũng như nhiều hệ thống bán lẻ khác cũng đều tung ra các chương trình giảm giá đến 3 triệu cho các khách hàng khi thanh toán/trả góp qua thẻ tín dụng khi mua iPhone 14 series, áp dụng đối với nhiều đối tác bao gồm cả ngân hàng nội địa lẫn ngân hàng nước ngoài.
Đối với điện thoại Android, các ưu đãi thanh toán qua thẻ tín dụng rất ít khi được triển khai và cũng ít có đối tác ngân hàng tham gia các chương trình giảm giá cho khách hàng khi thanh toán hoặc trả góp bằng thẻ tín dụng.
Kể từ khi được mở bán chính thức tại Việt Nam trong tháng 10/2022, iPhone 14 series, đặc biệt là dòng Pro luôn được người dùng Việt quan tâm. Tỷ lệ khách hàng đặt mua iPhone 14 Pro Max chiếm tới 90% lượng đơn hàng tại các hệ thống. Xu hướng này có thể dự đoán trước được bởi người dùng Việt có xu hướng chọn mua phiên bản cao cấp nhất, có nhiều khác biệt nhất. Đối với iPhone 14 Pro Max, màn hình Dynamic Island và màu Tím mới là 2 điểm tạo nên sự khác biệt về ngoại hình cho dòng iPhone năm nay.
Đại diện hệ thống FPT Shop kỳ vọng doanh số các mẫu iPhone 14 sẽ tăng trưởng mạnh trong dịp cuối năm. "Chúng tôi kỳ vọng số bán vào dịp Giáng Sinh và trước Tết Âm lịch sẽ tăng 50 - 100% so với giai đoạn này vì nguồn cung sản phẩm đã ổn định và FPT Shop cũng tung nhiều ưu đãi hấp dẫn".
Trả góp tác động thế nào tới doanh thu?
Như đã đề cập, trả góp là một hình thức kích cầu tiêu dùng với hai mặt lợi, vừa giúp khách hàng có đòn bẩy tài chính, đồng thời giúp các cửa hàng thúc đẩy doanh thu và doanh số bán hàng.
Trong những năm gần đây, tỷ lệ khách hàng trả góp có xu hướng tăng dần, cùng với việc thẻ tín dụng ngày càng được xét duyệt dễ dàng, các hình thức trả góp ngày càng được mở rộng, các chuyên gia dự đoán nhu cầu trả góp của khách hàng sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian sắp tới.
Bà Phùng Phương, đại diện hệ thống Di Động Việt cũng khẳng định trả góp là một hình thức kích cầu tiêu dùng, lấy ưu điểm là sự tiện lợi để mang về doanh thu cho các cửa hàng, đồng thời cũng giúp khách hàng mua sắm dễ dàng hơn.
Tuy nhiên, xét về mức độ ảnh hưởng tới doanh thu, các hệ thống đều cho biết hình thức trả góp không tác động nhiều tới doanh thu tổng.
Cụ thể, hệ thống FPT khẳng định sẽ không phụ thuộc vào hình thức trả góp mà sẽ thúc đẩy các phương thức thanh toán khác như qua ví điện tử (VNPAY-QR, Moca...), hình thức mua trước trả sau (một hình thức mua sắm phổ biến ở nước ngoài), cho thuê máy hoặc kết hợp với các đối tác ngân hàng để mở thẻ tín dụng cho khác ngay tại chỗ nhằm hỗ trợ về mặt tài chính.
Đại diện CellphoneS cũng nhận định tỷ trọng của trả góp trong tổng doanh thu hệ thống này không nhiều. Khi có biến động về thị trường bên ngoài như lãi suất tăng, tỷ lệ duyệt hồ sơ giảm, hình thức trả góp sẽ không ảnh hưởng nhiều tới doanh thu cả hệ thống.