Đối với nhiều người, học đại học như cánh cửa để mở ra nhiều cơ hội tốt hơn cho việc phát triển bản thân, tìm kiếm một công việc ổn định và có thể định đoạt được tương lai. Phụ huynh thì luôn mong con cái có được tấm bằng và kiếm một công việc lương cao, nhàn hạ, đỡ vất vả. Tuy nhiên, nhiều bạn trẻ đã thoát khỏi những suy nghĩ ấy và tự xây dựng cho mình những lối đi riêng dù gặp ít nhiều phản đối.
Mới đây, trên trang Confessions của trường Đại học Kinh tế Quốc dân có những dòng chia sẻ từ một cựu sinh viên đã tốt nghiệp khóa 54. Được biết, sau khi hoàn thành chương trình đại học, từ bỏ những công việc công sở có thể ổn định về thu nhập, chàng trai trẻ quyết theo đuổi niềm đam mê kinh doanh riêng với món bún riêu truyền thống. Tưởng chừng món ăn dân dã này chỉ xuất hiện ở các hàng quán nhỏ và không thể giúp anh chàng hiện thực hóa ước mơ làm giàu được, nhưng sau vài năm anh đã chứng minh điều hoàn toàn ngược lại.
Nguyên văn đoạn chia sẻ của cựu sinh viên NEU:
Chào anh chị em, mình K54, nếu anh chị em trường khác không biết thì nói đơn giản là mình sinh năm 1994, sinh viên NEU. Trong thời gian học tập tại trường, từ năm 2, mình đã có niềm đam mê riêng là được làm ông chủ, mà làm ông chủ cái gì? Khi nào làm ông chủ? Vì mình nghĩ đi làm thuê, làm công ăn lương bao giờ mới giàu. Trong đầu mình lúc ấy bắt đầu lên kế hoạch và phát hiện ra mình có niềm đam mê với bún riêu. Mình đi tất cả các quán bún riêu ở Hà Nội, từ nổi tiếng cho tới ngõ ngách, từ đắt cho tới rẻ để ăn thử, không phải 1 lần mà có thể 2, 3 lần hay nhiều lần. Cùng với đó là mình có đi làm thêm, làm nhân viên chạy bàn cho quán cà phê để tích luỹ vốn, không nhiều nhưng tích luỹ được bao nhiêu thì tốt bấy nhiêu, quan trọng mình cũng học được về dịch vụ chăm sóc khách hàng nữa.
Và sau 4 năm đại học, với kiến thức đã có, với số tiền là 22 triệu thì mình tích lũy và vay thêm gia đình 1 ít, con số này là bí mật để mở quán bún riêu ở quê. Cái thời điểm mà bố mẹ hỏi mình ra trường làm gì, mình đã nói là mở quán bún riêu, bố mẹ còn không tin. Cho đến khi mình vay tiền làm thì bố mẹ khẳng định "Thằng này bị điên, công ăn việc làm ổn định không làm, học tốn bao tiền đại học ra về mở quán bún riêu làm cái gì, thà không học đại học mở luôn cho xong" thì mình trả lời "Với kiến thức con học ở trường, va vấp con đi làm thêm, kinh nghiệm ăn bún riêu và số tiền tích luỹ, con xin bố mẹ cho con một cơ hội chứng minh bản thân, nếu không được, con sẽ nghe theo lời bố mẹ". Đợt đó cũng bị hàng xóm láng giềng, bạn bè bảo bị điên.
Thời gian đầu, làm có phần khó khăn, sản phẩm ổn nhưng mình kém phần marketing, sau thì mình có học qua marketing, học online thôi vì thú thật làm bún riêu thì không cần phải tìm hiểu sâu quá. Phải mất 4 tháng mới dần ổn định, và sau 4 tháng đó, thu nhập bắt đầu tăng lên, từ 6 triệu lên 8 triệu, lên 12 triệu rồi đến quanh mức 30 triệu 1 tháng. Sau 2 năm, vì quán đó mình làm mặt bằng không thể phát triển thêm nữa. Sau đó mình mở thêm 2 quán bún, 1 quán cũng ở thành phố, còn 1 quán mình đánh ở thị trường huyện, tất cả vị trí quan trọng đều là anh em họ hàng mình ở quê lên làm, tạo công ăn việc làm với phần nào yên tâm hơn. Mình còn có ước mơ phát triển thương hiệu chuỗi quán bún riêu lớn nhất Việt Nam.
Giờ thu nhập mỗi tháng cũng quanh mức 70 triệu sau khi trừ hết chi phí, không kể đến đợt này. Mình cũng đã tự mua được ô tô sau từng ấy năm, cũng sắp tự mua nhà vì ở quê đất cát rẻ, chỉ tốn tiền xây nhà thôi nhưng phải cố gắng. À, không chỉ có bún riêu mà còn bún ốc, bún riêu giò, bún riêu thịt bò… Học NEU về bán bún riêu thì có gì sai? Chẳng có gì sai cả nếu là đam mê và kiếm ra tiền, không phạm pháp là được!
Có thể thấy, chàng cựu sinh viên Kinh tế Quốc dân đang dần khẳng định lựa chọn của mình là đúng với gia đình và người thân khi đã sở hữu trong tay tới 3 chuỗi quán bún riêu với mức thu nhập ổn định nếu không gọi là cao. Ở dưới phần bình luận, nhiều bạn tỏ ra nể phục tài kinh doanh lẫn sự liều lĩnh của anh chàng. Tài khoản L.A chia sẻ: "Học đại học giúp mình trưởng thành và có đầu óc hơn, còn việc thành công hay không là do chính mình lựa chọn!". Tài khoản D.V thì tấm tắc: Thật sự nể phục anh, dám ước mơ, dám thực hiện, mong một ngày sẽ thấy thương hiệu của anh phủ sóng!
Rõ ràng, môi trường Đại học đã cho chủ nhân đoạn tâm sự này nhiều thứ, nhất là về tư duy và cách làm chủ bản thân. Nhờ những điều này, anh đã áp dụng rất tốt vào sự nghiệp và đang dần có những thành quả nhất định sau nhiều năm phấn đấu.