Với các sinh viên năm cuối, thời gian trước khi tốt nghiệp là lúc ai nấy sẽ đôn đáo ứng tuyển vào các công ty với mong muốn sẽ có một việc làm tốt để không uổng phí 4 năm học đại học của mình. Đó cũng chính là ước muốn của nhiều bậc phụ huynh dành cho tương lai của con cái. Thế nhưng một trường hợp hy hữu khiến cộng đồng mạng tại Trung Quốc dậy sóng, đó là câu chuyện của một cô gái đã tốt nghiệp đại học 10 năm nhưng chưa một lần đi xin việc. Thế nhưng sau khi biết được sự thật thì người đáng trách hơn lại chính là bố mẹ của cô gái này.
Fan Chengjin, nhân vật chính của câu chuyện trên năm nay đã bước sang tuổi thứ 33 và đã tốt nghiệp đại học 10 năm trước. Nhưng từ khi ra trường đến nay, cô vẫn không có việc làm và vẫn phụ thuộc vào gia đình mọi khoản chi tiêu từ ăn uống đến sinh hoạt. Được biết, bố mẹ của cô đã ngấp nghé 70 tuổi và khả năng lao động ngày càng kém đi, tuy thế cả hai vẫn phải làm việc để phụ cấp cho con gái. Mẹ của Chenjin cũng từng thúc giục cô đi tìm việc nhưng cô biện ra rất nhiều lý do để né tránh.
Thời còn sinh viên, cô cũng từng làm việc bán thời gian tại siêu thị với bạn cùng lớp. Tuy nhiên, mỗi khi làm việc, cô không thể giao tiếp được với khách hàng một cách trôi chảy, tay chân cô trở nên bủn rủn khi gặp người lạ. Đến khi tốt nghiệp, cô cũng xin được vào vị trí bán hàng cho một công ty nhưng chẳng hiểu sao tình trạng căng thẳng và sợ hãi khi đối mặt với người lạ của cô nghiêm trọng hơn. Thế nên, cô đã phải nghỉ việc và chờ đợi các vấn đề tâm lý của mình được chữa khỏi.
Fan Chengjin sau đó đã biết được rằng tật nói lắp và căng thẳng của cô khi tiếp xúc với người khác là những dấu hiệu của chứng ám ảnh sợ xã hội. Cô cho rằng những điều này là do những gì cô phải trải qua lúc nhỏ từ bố mẹ. Cô kể lại, từ bé, dù có làm bất cứ điều gì, bố mẹ cô đều chưa từng khuyến khích hay khen ngợi cô. Hồi học trung học, Chengjin từng có sở thích thiết kế thời trang, cô thường có những ý tưởng trong đầu cho các mẫu thiết kế của mình và thể hiện chúng. Cô cũng từng đưa cho bố mẹ mình xem, nhưng họ thậm chí chưa một lần đếm xỉa hay quan tâm tới, thậm chí họ còn từng nói: "Mấy thứ này là gì, ai dám mặc chúng, thay vì làm những điều vô bổ này hãy làm bài tập về nhà!"
Đến khi vào đại học, cô gái tội nghiệp này cũng chưa từng nhận được một lời động viên hay ủng hộ từ bố mẹ cho việc làm của mình. Theo đó, vì yêu thích điêu khắc và muốn tìm một công việc liên quan tới ngành nghề này mà cô đã phải nhận sự chì chiết: "Không phải điều con muốn là có thể làm được!". Cho đến bây giờ, đã 10 năm Chengjin chưa đi làm nhưng mỗi khi đề cập đến chuyện này thì mẹ cô sẽ nói: "Con chẳng có tài cán gì, nếu con kiếm được một công việc, mẹ sẽ quỳ xuống chân con cho mà xem!"
Sau khi biết được câu chuyện, nhiều người đồng cảm với Fan Chengjin hơn và tỏ ra bất bình với hành động của bố mẹ cô. Họ cho rằng, việc giáo dục một cách chèn ép và bảo thủ như thế là một cách giáo dục thất bại. Nhiều người cho rằng việc khen ngợi sẽ làm người ta tự kiêu và việc "thương cho roi cho vọt" bằng những câu nói nặng nề mới là tốt cho con cái. Tuy nhiên, ở lứa tuổi nào con người cũng cần sự động viên để vượt qua khó khăn. Việc luôn áp đặt con cái sẽ khiến họ rơi vào trạng thái đánh mất sự tự tin và gặp các vấn đề về tâm lý.
Được biết, đến nay, mối quan hệ giữa Fan Chengjin với gia đình không thực sự tốt, thậm chí còn rất căng thẳng. Các cuộc trò chuyện giữa cô và bố mẹ dễ thay đổi thành những cuộc cãi vã lớn tiếng từ hai bên. Vẫn chưa biết đến khi nào cô gái này sẽ kết thúc được các vấn đề đang gặp phải và tìm kiếm cho mình một công việc phù hợp để không uổng hoài công sức nhiều năm học tập.