Su-35 và F-35: Ai sẽ "nhìn thấy" ai trước?
Trong một giả định tiêm kích tàng hình thế hệ 5 F-35 của Mỹ gặp tiêm kích đa năng Su-35 của Nga trên bầu trời - đó sẽ không phải là cuộc chiến giữa những đối thủ "cân sức" - vì 2 máy bay được thiết kế với những mục tiêu khác nhau.
F-35 sẽ hướng đến việc tấn công các mục tiêu trên mặt đất còn Su-35 sẽ làm mọi thứ có thể để đảm bảo rằng các mục tiêu nói trên còn nguyên vẹn. Vì vậy, việc so sánh các thông số kỹ thuật giữa F-35 và Su-35 có phần không chính xác.
Nếu chỉ xét tới giả định chiến thuật, rất có thể cuộc không chiến sẽ như sau: F-35 sẽ hoạt động bí mật nhất có thể - không sử dụng hết công suất các radar và phụ thuộc vào thông tin từ các máy bay AWACS (Hệ thống chỉ huy và cảnh báo trên không) hoặc vệ tinh cung cấp.
Trong tình huống này, chiếc tiêm kích tàng hình của Mỹ sẽ có cơ hội "nhìn thấy" chiếc tiêm kích đa năng của Nga.
Hình minh họa (Nguồn: Topwar).
F-35 sẽ là "thịt chờ nướng BBQ" của Su-35?
Nhưng than ôi, bộ vũ khí trang bị của F-35 không bao gồm AIM-120D hoặc MBDA Meteor - tức là tiêm kích tàng hình không có các tên lửa không đối không tầm xa.
Điều đó có nghĩa là F-35 sẽ phải sử dụng tên lửa tầm ngắn AIM-9 Sidewinder hoặc AIM-132 ASRAAM để đối đầu với Su-35 - thứ được trang bị tên lửa tầm xa R-37 Vympel.
Nếu radar của chiếc chiến đấu cơ Nga có khả năng phát hiện F-35 ngoài tầm bắn của các tên lửa nói trên, đây sẽ là thời khắc rất nghiêm trọng.
Nói một cách đơn giản, F-35 có thể "nhìn thấy" nhưng cho tới một thời điểm nhất định, nó không thể làm gì được đối phương. Nhưng nếu Su-35 phát hiện F-35, tiêm kích tàng hình Mỹ sẽ chỉ như một "miếng thịt chờ được nướng BBQ".
Một phương án ứng phó dễ dàng được các phi công F-35 chấp thuận là khi phát hiện ra Su-35, họ sẽ thay đổi hướng đi hoặc kêu gọi sự giúp đỡ của F-22, F-15... nói chung là bất kỳ máy bay nào có khả năng đối địch với Su-35.
Hình minh họa (Nguồn: Topwar).
Không quân Mỹ có những loại máy bay có thể đảm đương nhiệm vụ chiếm ưu thế trên không - những chiếc "Raptor" (tiêm kích F-22). Tuy nhiên trong một cuộc chiến thực sự giữa các cường quốc, phi công F-35 sẽ phải dựa vào chính mình.
Người Mỹ cũng cho rằng các phi công chỉ nên khai thác điểm mạnh của F-35 và không cho phép phi công đối phương sử dụng điểm yếu của F-35 - có nghĩa là F-35 sẽ bằng mọi cách lén lút tiếp cận mục tiêu và tấn công nó.
Tuy nhiên F-35 có tốc độ chỉ 850 km/h - tốc độ tối đa khi sử dụng bộ đốt sau động cơ là Mach 1,6 (1.930 km/h) còn các thông số này ở Su-35 tương ứng là 1300-1400 km/h và Mach 2,3 (2.500 km/h).
Sự khác biệt lớn về tốc độ như vậy cho thấy F-35 có rất ít cơ hội thoát khỏi khu vực bị phát hiện một cách an toàn.
Thêm vào đó, ở các khoảng cách ngắn và trung bình (tên lửa không đối không của F-35 hoạt động hiệu quả), chiếc máy bay Mỹ không có khả năng cơ động chiến đấu tốt - ngược lại đây là một ưu thế tiêu chuẩn của Su-35.
F-35I Adir của Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) bắn rơi Máy bay không người lái (UAV) Iran vào tháng 3/2021.
Hiện nay nhiều người nói rằng không chiến hiện đại sẽ là tác chiến tầm xa và bên nào sở hữu các hệ thống phát hiện và tên lửa tốt hơn sẽ chiến thắng - nhưng quên đi khả năng cơ động của máy bay.
Chính người Mỹ (chuyên gia vũ khí Bill Swiftman) cũng phải thừa nhận rằng AIM-9X của họ có thể dễ dàng bị khắc chế nếu mục tiêu cơ động - và một máy bay càng có khả năng cơ động tích cực trong trận chiến, thì hiệu quả của tên lửa ngắm vào nó càng giảm.
Hóa ra là để tiêu diệt được Su-35, F-35 phải đến gần hơn - ít nhất là khoảng cách hiệu quả của tên lửa tầm trung - và như vậy lợi thế tàng hình sẽ bằng không trước radar mảng pha quét điện tử thụ động (PESA) H035 Irbis kết hợp với tên lửa R-37.
Su-35 khai hỏa tên lửa không đối không tầm xa R-37M.
Kết luận
Thực chất của chiến thuật tác chiến đường không của Mỹ là gì?
Chỉ có 3 nguyên tắc: "Phát hiện trước, bắn trước, tiêu diệt trước". Và với sự xuất hiện của Su-35, chiến thuật này sẽ cần được sửa đổi khi chiếc tiêm kích Nga sẽ đóng vai trò "thợ săn".
Mặc dù không có khả năng tàng hình nhưng tên lửa R-37M với tầm bắn 400 km là một lợi thế không thể chối cãi của Su-35. 4 tên lửa R-37M và 8 tên lửa tầm trung R-77 có thể biến F-35 trở thành nạn nhân bất cứ khi nào radar của Su-35 "chộp" được.
F-35 thực chất không phải là tiêm kích mà là một cường kích. Trong cuộc đối đầu giả định giữa nó với tiêm kích đối phương - thứ có thể đánh cược duy nhất là khả năng tàng hình và... tàng hình.
Tất nhiên, các chỉ huy của Mỹ sẽ không ngu ngốc tới mức giao nhiệm vụ chiếm ưu thế trên không cho F-35 - đó là việc của F-15 và F-22, thứ mà Su-35 Nga sẽ phải đối phó.
Cuối cùng, kết quả không chiến vẫn phụ thuộc nhiều vào các phi công. Thực tế là một phi công F-35 giàu kinh nghiệm sẽ có cơ hội tiếp cận và tiêu diệt mục tiêu mà không bị chú ý - và thực tế khác là việc F-35 có rất ít cơ hội đào thoát khi bị phi công Su-35 phát hiện.
Tiêm kích Su-30SM và Su-35 Nga hủy diệt radar và tên lửa phòng không Buk-M1 của Ukraine (Nguồn: Sputnik).