Có rất nhiều giả thiết gắn liền với những cổ vật và di chỉ khảo cổ “khó hiểu” trên thế giới. Một số có thể li kỳ như người ngoài hành tinh chế tác, sản phẩm của du hành thời gian, hội kín… Thế nhưng, nếu tách những giả thuyết hoang đường ra khỏi sự thật lịch sử, không thể phủ nhận được rằng trên thế giới hiện nay vẫn còn rất nhiều phát minh bí ẩn làm đau đầu giới khoa học.
Greek Fire - Lửa Hy Lạp
Lửa Hy Lạp là một trong số những bí ẩn khiến nhiều nhà khoa học và sử gia hiếu kỳ. Phát minh này xuất hiện vào khoảng thế kỷ thứ 7 với những dòng miêu tả về khả năng khủng khiếp của nó khi được sử dụng trong các trận hải chiến. Nó không chỉ lan trên mặt nước mà còn có thể bám chặt vào mục tiêu và tiêu diệt trong nháy mắt.
Đế chế Byzantine đã sử dụng loại vũ khí này, nhưng công thức chế tạo ra nó lại chỉ được lưu truyền ở dạng bí mật gia đình. Vì vậy, khi đế chế Byzantine sụp đổ, mọi thông tin về quá trình chế tạo Lửa Hy Lạp cũng biến mất. Năm 2002, National Geographic đã thử phục dựng lại công thức này bằng một thí nghiệm, họ sử dụng các nguyên liệu phỏng đoán là dầu thô nhẹ và nhựa thông.
Thép Damascus
Cho đến nay, công thức chế tạo ra loại thép đặc biệt này vẫn còn là một ẩn số. Theo miêu tả được ghi chép lại, loại thép này được có thể cắt được khăn lụa, uốn cong 90 độ và về nguyên trạng mà không bị hư hại. Ở thế kỷ 21, người ta chỉ có thể suy đoán rằng loại thép này được gia giảm thêm nguyên liệu thảo mộc nào đó trong quá trình nung chảy quặng sắt, nhưng nguyên liệu đó là gì và quy trình rèn thép như thế nào thì không có manh mối.
Cỗ máy Antikythera - Lịch thiên văn bí ẩn
Không giống như khối mười hai mặt của La Mã, các nhà khoa học có một giả thuyết thú vị cho Cỗ máy Antikythera. Nó được phát hiện vào năm 1901 dưới đáy biển, thiết bị phức tạp này có khả năng được chế tạo vào khoảng cuối thế kỷ thứ hai trước Công nguyên. Nó “tính toán và hiển thị thông tin thiên thể, đặc biệt là các chu kỳ như các giai đoạn của mặt trăng và lịch dương”, nghiên cứu tổng hợp trên tạp chí Nature cho biết.
Tuy nhiên, cho đến nay, người ta vẫn không biết ai đã tạo ra nó và chính xác nó được dùng vào mục đích gì. Nature nhận xét, “công nghệ này phức tạp hơn bất kỳ vật dụng nào từng được biết đến trong ít nhất một thiên niên kỷ sau đó. Điều này đã làm dấy lên những giả thuyết về người ngoài hành tinh hoặc thậm chí là time travel để lý giải nguồn gốc của Cỗ máy Antikythera.
Song, các nhà nghiên cứu lịch sử như Brian Dunning đến từ Skeptoid cho biết công nghệ chế tạo bánh răng đã có từ khoảng hai thiên niên kỷ rưỡi trước đó. Ngoài ra, người ta còn chứng minh được rằng bất cứ cỗ máy nào tương tự Antikythera, cũng như bất kỳ sản phẩm nào được tạo tác ở thời đó, đều có khả năng bị tái chế thành những đồ vật khác. Antikythera bí ẩn chỉ bởi người ta không dám chắc về công dụng của nó mà thôi.
Kính địa chấn của Zhang Heng
Công cụ phát hiện động đất đầu tiên trong lịch sử là một thiết bị bằng vàng được trang trí khá công phu hình rồng và cóc ra đời vào khoảng năm 132 sau Công nguyên. Nó hoạt động theo nguyên lý: Khi Trái Đất rung chuyển, một trong số những con rồng được trang trí trên đó sẽ phun ra một quả cầu bằng đồng vào miệng con cóc, từ đó chỉ ra hướng của trận động đất.
Công cụ này được cho là đã phát hiện ra được một trận động đất cách xa khoảng bốn trăm dặm. Thế nhưng, cho đến nay, không ai xác định được chính xác bên trong hiện vật có cấu tạo như thế nào. Một số ý kiến phỏng đoán rằng bên trong là hệ thống con lắc đơn giản, nhưng câu trả lời chính xác thì vẫn còn là một bí ẩn.
Cột sắt không gỉ ở Delhi
“Cột sắt Delhi” có tuổi thọ hơn 1600 tuổi và không hề có dấu hiệu bị gỉ sét. Các nhà khoa học đã tiến hành nghiên cứu về khả năng đáng ngạc nhiên này của nó. Có hai luồng ý kiến lý giải cho hiện tượng này: Một bên cho rằng yếu tố môi trường hay khí hậu ôn hòa ở khu vực Delhi giúp bảo quản cây cột và bên còn lại cho rằng câu trả lời liên quan đến yếu tố kỹ thuật tạo tác nhiều hơn. Cụ thể hơn, họ chỉ ra rằng có sự hiện diện của phốt pho, không có lưu huỳnh và mangan trong sắt.