Thường thì để tạo ấn tượng tốt nhất với game thủ, các nhà phát triển sẽ cố gắng bổ sung vào game càng nhiều thứ hay ho càng tốt. Hoặc cũng có trường hợp nhà phát triển cứ cố gắng chạy theo xu hướng để được "hưởng sái". Tuy nhiên, đôi lúc nó lại phản tác dụng, khiến những trò chơi nhận lấy thất bại không đáng có.
Lần trước anh em đã biết đến 5 game đầu tiên có số hơi "nhọ". Chúng ta tiếp tục tìm hiều về top 10 tựa game cố quá để rồi… "quá cố" nhé!
Sonic Boom – Chuyển thể loại 2D thành 3D dù chả game thủ nào muốn
Sonic Boom là một tựa game cố gắng "rẽ lối đi riêng" trong series về chú nhím xanh huyền thoại, thay vì tập trung vào điểm mạnh vốn có của mình. Chẳng hiểu sao mà Sega cứ liên tục muốn thay đổi trò này theo hướng mới các bạn ạ. Những phiên bản 2D đầu tiên được game thủ rất yêu thích, nhưng thỉnh thoảng Sega lại quyết định làm game Sonic theo kiểu mới trong khi chẳng ai yêu cầu làm thế. Phần lớn game Sonic phiên bản 3D đều thất bại, nguyên nhân chính là do nó phải đối đầu với những cái tên đình đám như Mario, Spyro, Crash.
Sonic Boom muốn cạnh tranh với những game như Super Mario Galaxy và New Super Mario Bros trên nền tảng Wii. Nhưng thay vì tập trung vào gameplay với tiết tấu nhanh, Sonic Boom lại bổ sung một vài cơ chế "ngoài luồng" và hệ thống combat vũ khí. Các game Sonic hầu như chẳng bao giờ cần những thứ đó, thế nhưng Sega vẫn cứ thích nghĩ ngược lại các bạn ạ.
Star Citizen – Quá tham lam và muốn nhồi nhét quá nhiều thứ vào game
Star Citizen phát triển cũng gần 10 năm rồi mà chẳng chịu phát hành chính thức, dù đã được đầu tư đến hàng trăm triệu USD. Có nhiều lý do cho chuyện này, nhưng phần lớn là do hứa hẹn quá nhiều. Star Citizen vẫn luôn hứa hẹn với game thủ trung thành và những "lính mới" rằng game sẽ có rất nhiều nội dung để khám phá. Từ những trận chiến hoành tráng ngoài không gian cho đến việc thăm thú các hành tinh và tùy biến phi thuyền của bạn. Đây chỉ là một vài trong số hàng tá tính năng mà Star Citizen vẫn đang liên tục phát triển để trình làng với game thủ.
Do muốn nhồi nhét quá nhiều tính năng như thế mà thời gian làm game đã bị đội lên rất nhiều. Ban đầu nhà phát triển chỉ dự định làm game phi thuyền không gian thật hoành tráng với gameplay trải dài trong nhiều năm. Nhưng dần dần nó lại bị biến thành một mục chơi chiến dịch tách riêng ra khỏi phần chơi mạng. Cho đến thời điểm bài viết, game vẫn còn nhận tiền đầu tư và vẫn chưa hẹn ngày ra mắt. Lẽ ra studio phát triển game này nên biết khi nào là đủ và dừng lại đúng lúc, để cho game còn được phát hành một cách hoàn chỉnh.
Call Of Duty: Infinite Warfare – Cố chấp tiếp tục đưa game thủ ra ngoài không gian
Cứ mỗi năm là lại có thêm một bản Call of Duty ra đời. Và Call of Duty: Infinite Warfare có lẽ là bản bị game thủ phản ánh gay gắt nhất. Lý do là vì lúc này fan đã chán bối cảnh tương lai, bắn súng ngoài không gian rồi và đang muốn quay lại chinh chiến trên mặt đất. Nhưng Call of Duty: Infinite Warfare lại cố chấp đi ngược với mong muốn của game thủ, tiếp tục dẫn dắt anh em đi đến những nơi xa lạ ngoài vũ trụ.
Thế là trailer của Infinite Warfare bị hàng loạt game thủ dislike. Đến mức bị coi là trailer Call of Duty nhận dislike nhiều nhất luôn không chừng. Rõ ràng là nhà phát triển cứ muốn nhồi nhét những yếu tố liên quan đến bối cảnh tương lai mà không hề biết rằng game thủ đang rất muốn quay lại gameplay Call of Duty như truyền thống. Bản thân Infinite Warfare không hẳn là một tựa game tệ, chỉ là nó đi quá xa so với mong muốn của game thủ mà thôi. Thêm vào đó là yếu tố "hút máu" và cơ chế pay-to-win càng khiến fan quay lưng ngoảnh mặt với phần này.
Mario Party 9 – Thay đổi cơ chế gameplay cốt lõi
Mario Party 9 đã phạm phải sai lầm nghiêm trọng trong khâu thiết kế, đó là thay đổi những gì mà game thủ yêu thích về dòng game huyền thoại này chỉ để… cho có thay đổi. Fan yêu thích Mario Party là vì nó có gameplay khá giống với boardgame, có yếu tố chia rẽ tình bạn, có mini game vui nhộn. Và nhất là nhân vật trong series Mario đều góp mặt trong trò này. Phần 9 tuy có giữ lại một số yếu tố này, nhưng phần gameplay cốt lõi lại bị thay thế hoàn toàn.
Theo truyền thống thì Mario Party sẽ cho bạn đổ xí ngầu để di chuyển nhân vật trên bàn cờ và thi đấu với nhau thông qua các mini game, đồng thời thu thập thêm tiền vàng và ngôi sao. Nhưng đến phần 9 này thì thay vì cho các nhân vật di chuyển riêng lẻ, nhà phát triển lại cho các nhân vật di chuyển cùng nhau thông qua cơ chế xe cộ. Chính vì điều này mà tính chiến thuật trong game lại trở nên phai mờ, thiếu điểm nhấn. Ngoài ra thì tiền vàng và ngôi sao cũng bị loại bỏ luôn. Tuy phần lớn mini game vẫn cuốn hút nhưng nó lại không đủ để cứu vớt tựa game này, vốn đã bị thay đổi quá nhiều thứ.
Metal Gear Survive – Cố tình trộn lẫn nhiều thể loại để "hút máu" game thủ
Metal Gear Survive được phát triển sau khi Hideo Kojima – cha đẻ của dòng game Metal gear lừng danh – dứt áo rời khỏi Konami. Tiếc một điều rằng trò này được Konami làm ra là để lấy tiền của game thủ càng nhanh càng tốt. Họ đã lợi dụng cái tên Metal Gear và hướng phần game này sang một ngã rẽ khác mà chả game thủ nào thích thú, kết cục là làm "ô uế" cái tên Metal Gear luôn.
Konami nghĩ rằng game thủ sẽ thích dòng game Metal Gear, zombie, bắn súng, sinh tồn nên đã dồn hết tất cả vào Survive. Nhưng rồi nó lại thành một nồi lẩu thập cẩm. Những gì mà Hideo kỳ công xây dựng đều bị Konami đạp đổ chỉ trong 1 phiên bản này.
Konami không hiểu rõ bản chất vì sao game thủ lại yêu thích dòng game Metal Gear, và nhất là vì sao Hideo lại làm những thứ như vậy. Thay vì đi tìm hiểu thì Konami lại đi chôm chỗ này một chút, loot chỗ kia một tẹo rồi ráp nó lại thành Metal Gear Survive. Trong khi đã có những tựa game khác làm tốt hơn nó gấp nhiều lần. Thậm chí, Konami còn tiến một bước xa hơn nữa là bắt game thủ phải bỏ tiền thật ra để mua thêm… slot save game. Vì thế nên cũng không khó để thấy vì sao Metal Gear Survive lại thất bại toàn tập như thế.
Nguồn What Culture biên dịch gearvn