Ăn nhiều muối là nguyên nhân chính dẫn đến tăng huyết áp, tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim. Các bệnh tim mạch đang là sát thủ số một tại Việt Nam, chiếm tới 31% số ca bệnh tử vong toàn quốc.
Việt Nam hiện có khoảng 12 triệu người bị tăng huyết áp, tức là cứ năm người trưởng thành thì có một người mắc. Đặc biệt, gần 60% người bị tăng huyết áp song chưa được phát hiện, trên 80% chưa được quản lý điều trị.
Bộ Y tế ngày 23/7 kêu gọi công chúng giảm muối trong khẩu phần ăn để phòng chống tăng huyết áp, bệnh tim mạch, bệnh thận. Theo Bộ Y tế, trên thế giới đa số người tử vong do Covid-19 đều kèm bệnh nền như tăng huyết áp, bệnh tim mạch hoặc các bệnh mạn tính khác.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo mỗi người trưởng thành chỉ nên tiêu thụ dưới 5 g muối mỗi ngày, tương đương với một thìa cà phê. Tuy nhiên, đa số người Việt đều tiêu thụ muối nhiều gấp đôi so với khuyến cáo, gần 10 g mỗi người mỗi ngày song chỉ 16% số người được hỏi ý kiến nói rằng bản thân có ăn mặn. Bộ Y tế hôm nay ra khuyến cáo, để giảm gánh nặng bệnh tật và nâng cao sức khỏe, người dân cần giảm một nửa lượng muối ăn vào hàng ngày.
Bàn về vấn đề này, BS.TS Từ Ngữ - Tổng thư ký hội dinh dưỡng Việt Nam đã chia sẻ một số thông tin như sau:
Giảm muối trong khẩu phần ăn cần bắt đầu từ việc thay đổi tập quán ăn uống
Từ lâu, người dân chúng ta có thói quen nêm nếm gia vị, muối để tăng hương vị món ăn. Theo Tổ chức y tế thế giới, nhu cầu con người chỉ nên có 2g natri/ngày. Hiện nay mức tiêu thụ muối hiện nay của người Việt là khoảng 3,7g muối/ngày, gần gấp đôi so với khuyến nghị của tổ chức y tế thế giới.
Bộ Y tế đưa ra lời kêu gọi người dân giảm ăn muối là dựa vào mức khuyến nghị của WHO. Bởi vì cách nghiên cứu trên thế giới đều chứng minh rằng, nếu ăn nhiều muối sẽ thăng tính thẩm thấu của tế bào, dẫn đến các vấn đề về huyết áp, tim mạch. Nhưng không phải chỉ 1 mình muối có thể tác động tới bệnh tật.
Bữa ăn là tổng thể của rất nhiều thứ. Nếu thiếu hay thừa 1 thứ thì sẽ dẫn đến nhiều hậu quả khác nhau. Trong bữa ăn có rất nhiều vi chất như sắt, canxi, kẽm… chứ không chỉ có natri.
Muối có trong ở tất cả các loại thực phẩm, nhất là đồ biển, gia vị, các loại thực phẩm chế biến sẵn…Vì thế, nếu muốn kiểm soát lượng muối vào có thể, chúng ta không thể đong đếm chính xác được, mà hãy bắt đầu từ việc thay đổi thói quen nêm nếm thức ăn. Chúng ta chỉ cho thêm một chút muối, gia vị vào thức ăn để có vị. Mỗi gia đình cần tính toán để cân đối lượng muối nêm nếm vào gia vị và lượng muối có sẵn trong thực phẩm. Hãy nêm nếm để vị của các món ăn vừa đủ, đừng quá mặn mòi
Quan niệm tăng cường uống nước, vận động để đào thải muối khỏi cơ thể là sai lầm
Nhiều người có suy nghĩ rằng "ăn mặn mới khỏe". BS. TS Từ Ngữ giải thích rằng, nước mắm có thành phần chính là muối và một lượng protein khác cao từ cá. Vì thế khi nạp protein vào cơ thể sẽ khỏe hơn. Hơn nữa, việc nạp lượng muối lớn (trong nước mắm) vào cơ thể khiến cho các mạch máu hẹp hơn, tim phải bơm máu tích cực hơn nên cảm giác tức thời là khỏe hơn. Tuy nhiên, việc nạp nhiều muối vào cơ thể sẽ để lại những hậu quả lâu dài về vấn đề huyết áp và tim mạch.
Nhiều người cho rằng, nếu chưa thể thay đổi thói quen ăn mặn ngay có thể uống thêm nhiều nước, vận động thật nhiều để tăng cường ra mồ hôi, đào thải muối ra khỏi cơ thể. Theo BS. TS Từ Ngữ, đây là một quan niệm sai lầm.
Khi chúng ta ăn thừa muối, cơ thể cũng tìm cách tăng đào thải natri quá nước tiểu, dẫn tới mất kali, canxi và nhiều khoáng chất khác. Từ đó có thể gây loãng xương, sỏi thận và các rối loạn khác do mất khoáng chất.
Vì thế, dù tăng cường uống nước, tăng cường vận động để tăng đào thải muối khỏi thì cơ thể bạn cũng phải chịu những ảnh hưởng khác. Vận động rất tốt cho việc trao đổi chất cho cơ thể. Nhưng không thể áp dụng cho việc đào thải muối. Khi bạn vận động, ra mồ hôi nhiều thì cơ thể đào thải muối, cũng sẽ đào thải các vi chất khác. Từ đó dẫn đến cơ thể mất nước, thiếu vi chất. Vì thế việc thay đổi chế độ ăn, giảm muối trong khẩu phần ăn hàng ngày vẫn rất cần thiết.
Về vấn đề giảm lượng muối có ảnh hưởng đến việc cung cấp đầy đủ iod cho cơ thể hay không? Bs.TS Từ Ngữ cho biết: "Hàm lượng iod cơ thể con người cần rất thấp (khoảng 250 microgram) và có thể được cung cấp đủ thông qua chế độ ăn đa dạng các loại thực phẩm. Bởi vậy, việc thực hiện giảm muối trong chế độ ăn hàng ngày cũng không ảnh hưởng nhiều đến việc cung cấp iod cho cơ thể. Mọi người cần chú ý việc thực hiện chế độ dinh dưỡng đa dạng, đầy đủ".