Tổng hợp scandal tài chính mờ ám của Juventus

Trần Giang | 01-12-2021 - 06:02 AM

(Tổ Quốc) - Từ năm 2019 đến nay, Juve dính vào nhiều lùm xùm tài chính trong các phi vụ chuyển nhượng có dấu hiệu thiếu minh bạch.

Nhật báo Corriere della Sera đưa tin, hôm 25/11 (thứ 5) vừa qua, 3 công tố viên Ciro Santoriello, Mario Bendoni và Marco Gianoglio của Guardia Di Finanza (GDF) - lực lượng quân cảnh thuộc bộ kinh tế và tài chính Italy tiến hành khám xét trụ sở của Juve tại Turin cũng như Milan theo lệnh của văn phòng công tố Italy. 

Thực tế, GDF và các chuyên gia của đơn vị cảnh sát tài chính Turin bắt đầu điều tra Bianconeri từ tháng 5/2020 một cách hoàn toàn bí mật và việc lục soát văn phòng của Juve chỉ giống như một phần trong kế hoạch này. 

Trên phương diện cá nhân, 6 quan chức của Juve đang bị các công tố viên "sờ gáy" bao gồm: chủ tịch Andrea Agnelli, phó chủ tịch Pavel Nedved, trưởng bộ phận tài chính Stefano Cerrato, giám đốc thể thao Federico Cherubini, cựu giám đốc thể thao Fabio Paratici (hiện đang làm việc với vai trò tương tự ở Tottenham Hotspurs) và 1 nghi phạm khác. 

Người này là thành viên hoặc cựu thành viên trong bộ phận tài chính của câu lạc bộ. Tờ Gazzetta Dello Sport cho hay, hôm 29/11 vừa qua, Cherubini bị điều trần suốt khoảng 9-12 giờ đồng hồ (từ sáng đến tối) ở văn phòng công tố Turin. Theo nguồn tin của các phóng viên, vị quan chức này có thái độ rất hợp tác.

Sau Cherubini, đến lượt giám đốc điều hành Maurizio Arrivabene bị tra hỏi trong gần 3 tiếng của buổi chiều ngày 30/11. Arrivabene không nằm trong diện tình nghi, nhưng ông vẫn được văn phòng công tố triệu tập để lấy lời khai.

Từ trái sang phải: Cherubini, Paratici, Nedved, Agnelli, Cerrato và Arrivabene

Lý do các công tố viên điều tra Juve nằm ở việc họ đang nghi ngờ 42/62 phi vụ chuyển nhượng trong giai đoạn 2019 - 2021 của "Bà đầm già" có dấu hiệu mờ ám. Cụ thể, Juve đang dính nhiều cáo buộc hạch toán sai nhiều thương vụ mua, bán cầu thủ trong 3 năm vừa qua.

Đội chủ sân Allianz được cho đã hợp tác một cách sai trái với các nhà đầu tư để xuất hóa đơn giả cho các giao dịch không tồn tại và nâng khống lợi nhuận lên thêm 50 triệu euro. 

Ví dụ tiêu biểu cho sự thiếu minh bạch của Juve nằm ở 2 vụ chuyển nhượng trao đổi với Man City (đổi Joao Cancelo lấy Danilo ở phiên chợ hè 2019) và Barcelona (đổi Miralem Pjanic lấy Arthur Melo hồi mùa hè năm ngoái). 

Thậm chí, thương vụ đội bóng áo sọc trắng đen bán Cristiano Ronaldo cho MU trên thị trường chuyển nhượng hè 2021 cũng bị liên đới. GDF nghi ngờ giấy tờ về tiền lương cũng như mức phí chuyển nhượng của phi vụ này "không được tồn tại về mặt kỹ thuật". 

Partici và Cherubini được cho giữ vai trò "đạo diễn" trong việc kê khai tài chính một cách gian dối của "Lão bà" thành Turin. Trong khi đó, Agnelli và vài vị lãnh đạo khác biết rõ hành vi sai trái này, nhưng cố tình ngó lơ. 

Nếu không thể minh oan cho bản thân, nhiều quan chức của Juve sẽ phải ngồi tù. Còn với câu lạc bộ, Juve có thể bị giáng xuống hạng Serie B và tước vài chức vô địch Serie A trong vài mùa giải gần đây. 

"Nếu Juve đã hoặc đang cạnh tranh một cách bất hợp pháp với các câu lạc bộ khác ở Serie A bằng nhiều hoạt động như thế này, tính cạnh tranh của giải đấu sẽ không được đảm bảo", Marco Donzelli - chủ tịch hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng Italy (CODACONS) chia sẻ với tờ Tutto Mercato.

"Do đó, Liên đoàn bóng đá Italy (FIGC) và các cơ quan chức năng phải có động thái can thiệp cũng như xử phạt. Để bảo vệ quyền lợi của hàng ngàn fan bóng đá, chúng tôi chuẩn bị đệ đơn khiếu nại lên văn phòng công tố liên bang để yêu cầu Juventus bị giáng xuống hạng Serie B và bị thu hồi các danh hiệu họ giành được nhờ các hoạt động trái phép này".

Tổng hợp scandal tài chính cực mờ ám của Juventus - Ảnh 3.

Donzelli

Hiện tại, Juve tuyên bố không có bất kỳ điều gì mờ ám trong vụ việc này. Trong khi đó, cơ quan điều tra khẳng định họ có đủ bằng chứng quan trọng để buộc tội Bianconeri. 


Highlights trận đấu gần nhất của Juve (Juve 0-1 Atalanta, vòng 14 Serie A)

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM