Tommy Trần (Người ấy là ai): "Bố cần thêm thời gian để chấp nhận con trai mình thuộc cộng đồng LGBT"

Angus | 04-06-2020 - 15:28 PM

(Tổ Quốc) - Chàng Việt kiều Đức đã có những chia sẻ sau màn xuất hiện gây sốc tại "Người ấy là ai".

Sự xuất hiện của 2 anh em Johnny Trần (từng tham gia mùa 2) & Tommy Trần ở tập 4 "Người ấy là ai" mùa 3 đã đem đến nhiều bất ngờ cực sốc cho toàn bộ trường quay. Tommy là chàng trai đầu tiên bị nữ chính Huyền Thoại loại khỏi cuộc chơi với lý do "anh ấy không phải là gu của em".

Với phần hỗ trợ của "chị Đại" Lukkade trong màn lộ diện, Tommy Trần tự tin khẳng định màu Tím của mình. Đặc biệt hơn, xuất hiện cùng Tommy còn có anh trai Johnny Trần – chàng cực phẩm đã từng tham gia tập đầu tiên của mùa 2.

Chia sẻ về bản thân, Tommy nghẹn ngào cho biết mình đã được anh trai giới thiệu tham gia chương trình: "Em đến đây vì 2 lý do. Thứ nhất là anh của em đã đến chương trình và có nói mình là người song tính. Nhưng không phải vậy. Anh ấy làm vậy chỉ để bảo vệ em. Và bây giờ em đã đủ tự tin để nói lên tiếng lòng của mình… Em muốn dùng tiếng nói của mình để lan tỏa đến những bạn giống như mình. Chúng ta phải gặp được người biết trân trọng con người và tính cách của mình".

Tommy Trần (Người ấy là ai): Bố cần thêm thời gian để chấp nhận con trai mình thuộc cộng đồng LGBT - Ảnh 2.
Tommy Trần (Người ấy là ai): Bố cần thêm thời gian để chấp nhận con trai mình thuộc cộng đồng LGBT - Ảnh 3.

Sau chương trình, Tommy có chia sẻ thêm về 1 số lý do khiến mình quyết định tham gia chương trình: đầu tiên là vì bố mẹ khi 2 bên chưa tìm được tiếng nói chung trong 1 thời gian khiến Tommy phải bỏ nhà ra đi, sau đó là vì anh trai khi Johnny lên truyền hình nói mình là người song tính trong khi bản thân là trai thẳng 100%. Cuối cùng, Tommy muốn truyền tải thông điệp về tình yêu.

Tommy khẳng định đây là lúc để anh trở nên mạnh mẽ vì bản thân từng trải qua nhiều thăng trầm trong cuộc sống như mất phương hướng, vô gia cư, bạo lực và cả lạm dụng tình dục.

Tommy Trần (Người ấy là ai): Bố cần thêm thời gian để chấp nhận con trai mình thuộc cộng đồng LGBT - Ảnh 4.

Trích đoạn 1 phần lý do tham gia show của Tommy

Cùng lắng nghe những chia sẻ của Tommy sau khi tham gia chương trình:

Vì sao 2 anh em bạn quyết định chọn "Người ấy là ai" là nơi để gửi gắm những chia sẻ, cảm xúc của bản thân cũng như để công khai giới tính?

Mình nghĩ rằng "Người ấy là ai" là một chương trình tuyệt vời khi truyền thông điệp tới mọi người theo một hướng vô cùng tích cực. Điều mà mình mong muốn duy nhất đó chính là gửi tới các bạn những cảm xúc chân thật nhất và sử dụng lời nói của mình cho những điều tốt đẹp. Mình hiểu việc cảm thấy rối bời với bản thân là khó khăn thế nào. Và mình mong muốn mang tới một hy vọng cho tất cả những ai đang cảm thấy như mình.

Được biết bạn đã rủ mẹ cùng theo dõi tập phát sóng của mình và cảm xúc của bà sau khi theo dõi phần xuất hiện của 2 con trai như thế nào?

Mẹ mình đã rất xúc động và khóc rất nhiều. Và mẹ cũng cảm thấy tự hào về mình vì cuối cùng thì mẹ cũng đã hiểu mình rõ hơn. Hơn nữa là quan điểm của mẹ về vấn đề giới tính cũng đã thay đổi.

Mọi người chỉ mới biết phản ứng của mẹ bạn, vậy còn bố bạn liệu đã chấp nhận chuyện này hay chưa?

Mình nghĩ bố mình cần thêm thời gian để chấp nhận câu chuyện này. Nhưng mình hoàn toàn đồng ý với ý kiến của chị Hương Giang. Chính bản thân mình cũng cần thời gian để chấp nhận bản thân vậy nên mình cũng có trách nhiệm cho mọi người thời gian để chấp nhận nó. Mỗi người đều có cách suy nghĩ riêng và mình không muốn tạo áp lực lên bất kỳ ai cả.

Khi còn nhỏ, bạn có bao giờ phải cố gồng mình để làm vui lòng ba mẹ hay không? Hành động nào khiến bạn không thể chịu đựng được nữa đến nỗi phải bỏ nhà ra đi?

Mình không cố gắng gồng lên để trở thành một người đàn ông thực thụ mà mình đã là một người đàn ông thực thụ rồi. Đối với mình, một người đàn ông thực thụ không phụ thuộc vào giới tính của họ. Mình không muốn sống với định kiến mà người đàn ông phải như thế này, phụ nữ thì phải thế kia. Mỗi người có một định nghĩa rất riêng về việc đàn ông hay đàn bà sẽ là người như thế nào. 

Khi mình còn trẻ, mình và bố mẹ có tranh luận rất nhiều về vấn đề này. Mình nghĩ điều khó khăn nhất chắc là sự truyền đạt và không hiểu nhau từ cả hai phía. Vì vậy mình cần dành thời gian để hiểu bản thân mình trước đã. Khoảng cách đôi khi cũng là một cách tốt để tạo ra sự gần gũi bởi vì chúng ta đều cần thời gian và không gian riêng để tự suy nghĩ về bản thân mình.

Tommy Trần (Người ấy là ai): Bố cần thêm thời gian để chấp nhận con trai mình thuộc cộng đồng LGBT - Ảnh 5.
Tommy Trần (Người ấy là ai): Bố cần thêm thời gian để chấp nhận con trai mình thuộc cộng đồng LGBT - Ảnh 6.

Bạn đã bỏ nhà đi khi bao nhiêu tuổi và trong khoảng thời gian bao lâu?

Mình bỏ nhà ra đi khá nhiều lần, đầu tiên là vào năm 14 tuổi. Và chưa có năm nào là mình ở nhà trong một khoảng thời gian dài cả. Có vài lần thì mình qua nhà bạn ở khá lâu và mình cũng đến ở một khu nhà tình thương, ở đó cũng có rất nhiều người bỏ nhà đi giống mình. 

Thời gian đó mình đã được nghe kể rất nhiều câu chuyện về gia đình khác và về những nỗi lo của họ. Thực sự khoảng thời gian đó đã dạy mình rất nhiều thứ, mình học được cách lắng nghe những câu chuyện, cũng như những đau khổ mà người khác trải qua, điều đó giúp mình trở thành một người tốt, biết chia sẻ hơn.

Trong khoảng thời gian bạn bỏ nhà ra đi thì bố mẹ và anh trai Johnny có biết và khuyên nhủ bạn trở về nhà hay không?

Đúng vậy, đương nhiên là bố mẹ muốn mình quay trở về nhà nhưng mình đã chọn cách bỏ đi vì lúc đó mình thực sự cảm thấy không thoải mái và không thể trở lại ngay lập tức được. Lúc đó, mình thấy mình cần học hỏi, hiểu nhiều hơn về bản thân bằng những sự giúp đỡ của bạn bè, lời khuyên của nhiều người lớn khác và nhìn câu chuyện đó dưới một góc nhìn khác đi. 

Thực sự nếu bạn cần giúp đỡ, hãy đừng ngần ngại mà tìm đến những người mà bạn tin tưởng. Chúng ta không hề cô đơn trong cuộc sống này. Mình biết tất cả những điều này đối với bố mẹ mình lúc đó rất là khó hiểu. Vì trong suy nghĩ thì thực sự họ chỉ muốn những điều tốt đẹp nhất tới với mình. Thời điểm đó mình đã không thể nói ra suy nghĩ của bản thân cũng như lắng nghe những suy nghĩ của bố mẹ. Và mình muốn khẳng định rằng việc bỏ nhà ra đi chưa bao giờ là một giải pháp đúng đắn nhưng ở độ tuổi đó và vị trí đó, mình không còn có cách nào cả.

Có phải bạn đã trải qua nhiều biến cố như bạo lực, lạm dụng tình dục… khi bỏ nhà đi?

Mình nghĩ đây là một vấn đề khá riêng tư. Điều duy nhất khiến mình nói ra những câu chuyện này đó chính là mình không muốn bất kỳ ai phải cảm thấy xấu hổ, tự ti khi nói ra hoặc nghĩ tới những điều như vậy. Đó đã là một vấn đề khá nghiêm trọng với mình và không tiện để chia sẻ ở đây bởi vì dù sao mình cũng đã bình tâm trở lại sau bao vấn đề xảy ra như vậy.

Là một người Việt Nam thuộc cộng đồng LGBT sống ở nước ngoài thì bạn có từng trải qua cảm giác bị kỳ thị không?

Đức là một đất nước có rất nhiều nền văn hoá và cũng đầy màu sắc nữa. Chính điều đó đã giúp mình học hỏi thêm về những góc nhìn khác trong cuộc sống và về những văn hoá khác nhau. Mình biết nhiều nơi mà văn hóa của họ không có cởi mở với chủ đề LGBT và họ cần thời gian để thích nghi với điều này. 

Vì vậy, điều đó cũng thể hiện lên các cách cư xử khác nhau mà mình đã nhận được. Có nhiều người chấp nhận việc mình là người thuộc giới tính thứ 3, nhưng cũng có người không và đương nhiên mình rất buồn về điều đó. Dù sao thì mình cũng học được rằng điều gì xảy ra đều có lý do và hậu quả của nó. Không nhất thiết phải đi chơi cùng những người đánh giá thấp mình vì giới tính của mình. Tuy nhiên, việc bất đồng văn hóa cũng như việc mình thuộc một cộng đồng đặc biệt cũng khá là khó khăn. Và việc phân biệt giới tính cũng như phân biệt chủng tộc vẫn là những vấn đề mang tính chất toàn cầu.

Tommy Trần (Người ấy là ai): Bố cần thêm thời gian để chấp nhận con trai mình thuộc cộng đồng LGBT - Ảnh 7.
Tommy Trần (Người ấy là ai): Bố cần thêm thời gian để chấp nhận con trai mình thuộc cộng đồng LGBT - Ảnh 8.

Bạn đã trải qua bao nhiêu mối tình (cả nam và nữ)?

Mình có cảm xúc với cả hai giới tính và điều đó giúp mình kết luận rằng mình có cảm xúc với con người, đó là điều quan trọng và là duy nhất đối với bản thân mình. Cuối cùng mình muốn nói với các bạn rằng đừng bao giờ coi bản thân mình là nạn nhân của bất kỳ điều gì hết. Bạn sẽ luôn có quyền lựa chọn nhìn nhận mọi điều xảy ra sẽ khiến bản thân trở thành một người như thế nào.

Liệu sắp tới bạn có dự định trở về Việt Nam sinh sống và phát triển không?

Mình không muốn đặt ra quá nhiều kế hoạch. Hiện tại ở Đức mình có khá nhiều việc cần làm nhưng mình cũng muốn về Việt Nam sớm nhất có thể. 

Sau 10 năm thì vừa rồi là lần đầu tiên mình quay trở lại Việt Nam. Mọi thứ đã thay đổi rất nhanh. Mình bị choáng ngợp vì sự phát triển của Việt Nam so với nhiều năm trước. Mình cũng không biết về chương trình nào ở Đức có format như "Người ấy là ai", điều đó khiến mình tin rằng Việt Nam đã có một bước nào đó nhỉnh hơn ở bên Đức rồi. Đây là điểm làm mình rất lấy làm tự hào. 

Hành trình vừa rồi tại Việt Nam như là một cuộc phiêu lưu vậy. Đó chắc chắn là một trong những khoảnh khắc tuyệt vời nhất trong cuộc đời của mình. Mình đã hiểu thêm rất nhiều điều về bản thân và về quê hương. Một hành trình có sức ảnh hưởng vô cùng lớn tới mình. Hiện tại mình cảm thấy rất tự hào khi là một người Đức gốc Việt.

Tommy Trần (Người ấy là ai): Bố cần thêm thời gian để chấp nhận con trai mình thuộc cộng đồng LGBT - Ảnh 9.
Tommy Trần (Người ấy là ai): Bố cần thêm thời gian để chấp nhận con trai mình thuộc cộng đồng LGBT - Ảnh 10.

Cảm ơn những chia sẻ của Tommy và chúc bạn ngày càng thành công trong tương lai!

Tommy Trần (Người ấy là ai): Bố cần thêm thời gian để chấp nhận con trai mình thuộc cộng đồng LGBT - Ảnh 11.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM