Cái chết của George Floyd không chỉ khiến người Mỹ khiếp sợ, phẫn nộ trước một mạng sống bị tước đoạt tàn nhẫn trong cuộc vây bắt của cảnh sát mà còn làm bùng dậy phong trào "Người da đen đáng được sống" (Black Lives Matter).
Cuộc vận động này được thành lập năm 2013, bắt đầu bằng việc dùng hashtag trên mạng xã hội sau khi người đàn ông George Zimmerman được tha bổng trong vụ nổ súng bắn chết cậu thiếu niên da màu Trayvon Martin. Đến nay, phong trào "Người da đen đáng được sống" đã lan tỏa mạnh mẽ khắp nước Mỹ và cũng là một khẩu hiệu phổ biến trong làn sóng biểu tình những ngày qua.
Dưới đây là sự kiện, hình ảnh được tờ New York Times ghi nhận ở khắp nơi trên cả nước, trong đêm thứ 8 liên tiếp đầy khói lửa và sự tức giận của người dân Mỹ.
Minneapolis: Người dân và các tín đồ tôn giáo liên tục đến tưởng niệm tại nơi George Floyd bị cảnh sát ghì chết
Thủ đô Washington: Hàng rào được dựng thêm bên ngoài Nhà Trắng
Đồi Capitol từ chiều 2/6 đã tăng cường an ninh đáng kể, bao gồm một hàng rào "dã chiến" được dựng lên với nhiều cảnh sát bảo vệ nhằm ngăn người biểu tình quá khích tiến sát vào Nhà Trắng. Một lực lượng chống bạo động được trang bị súng bắn hơi cay cũng đã vào vị trí sẵn sàng.
Quá 10h tối trước hàng rào bảo vệ Nhà Trắng: Người biểu tình ôn hòa, sau đó một số người tức giận ném chai nước vào cảnh sát nhưng đã được đám đông thuyết phục giữ bình tĩnh.
Xe quân sự vào vị trí ở Washington
Khoảng 2 tiếng trước khi bắt đầu giờ giới nghiêm ở Washington (7h tối), các xe quân sự đã tiến vào thủ đô. Trong khi đó, người biểu tình đã tụ tập đông gấp đôi tại Quảng trường Lafayette so với ngày hôm qua.
Sự xuất hiện của xe quân sự, máy bay trực thăng... khiến nhiều người cho rằng sẽ có thêm nhiều quân lính đến thủ đô trong các ngày tới, chuẩn bị một cuộc khống chế toàn diện, theo New York Times.
Ngoài ra, lực lượng quân đội cũng được huy động tại Nhà tưởng niệm Lincoln
Nhân viên y tế ở New York vỗ tay động viên người biểu tình ôn hòa
Ở New York, các nhân viên y tế đã hi sinh và được người dân cổ vũ hết mình trong trận chiến chống Covid-19. Giờ đây, khoảng 100 y bác sĩ lại cùng nhau vỗ tay cho cuộc biểu tình ôn hòa của hàng trăm người tại Quảng trường Thời Đại, đòi công lý được thực thi đối với các nạn nhân phải chịu đựng sự tàn nhẫn của cảnh sát và kêu gọi "Người da đen đáng được sống".
"Chúng tôi là những người luôn được vỗ tay cảm ơn vào lúc 7h tối, và có những biển hiệu trên Quảng trường Thời Đại để tôn vinh chúng tôi" - một bác sĩ cho biết. "Chúng tôi nghĩ rằng nên dùng tiếng nói của mình để ủng hộ những người đang biểu tình vì quyền bình đẳng ngay bây giờ".
Giờ giới nghiêm bắt đầu có hiệu lực ở New York, căng thẳng leo thang tại quận Manhattan
Tại sân khấu Broadway gần đường 13, nhóm biểu tình đã bao vây cảnh sát và yêu cầu họ quỳ xuống. Lực lượng chức năng đã từ chối.
Giữa lúc cả hai phía đều bế tắc, điện thoại của tất cả mọi người rung lên với lời cảnh báo lệnh giới nghiêm sẽ bắt đầu trong 30 phút nữa. Đám đông hô vang khẩu hiệu thách thức quy định này.
Nhiều người đã tiến về Cầu Manhattan trước khi bị cảnh sát chặn lại do đến giờ giới nghiêm
Hàng ngàn người biểu tình tiến về phía tây Manhattan. Cảnh sát túc trực nhưng chưa xảy ra vụ đụng độ nào. Đã hơn 1 giờ trôi qua kể từ lệnh giới nghiêm.
"Hãy để chúng tôi qua", "đừng xé lẻ"... khẩu hiệu hô vang khi hàng trăm người khác bị cảnh sát ngăn chặn không cho tiến vào Manhattan.
Người biểu tình đối mặt với cảnh sát ở Hollywood
Đại lộ Danh vọng trở thành nơi tập hợp của hàng trăm người biểu tình. Một số người cầm theo những biểu ngữ mang thông điệp "Love", người khác lại giơ đôi bàn tay trần lên bầu trời để cầu nguyện... Xung quanh họ, cảnh sát Los Angeles vừa leo xuống các xe quân sự và dàn hàng ngang để phòng chống bạo loạn có thể xảy ra.
Không chỉ ở thành phố lớn, làn sóng biểu tình đã len lỏi đến các thị trấn
Tại một thị trấn 12.000 dân ở bang Vermont, ít nhất vài trăm người trẻ tuổi đã xuống đường tuần hành sau cái chết của George Floyd. Cảnh sát đã phong tỏa các phương tiện giao thông để cuộc biểu tình ôn hòa có thể tiếp diễn.
Người biểu tình cùng nhau cầu nguyện sau vụ hôi của ở thành phố Louisville, bang Kentucky
Thị trưởng Seattle lần đầu tiên phát biểu trước nhóm biểu tình
Sau khi căng thẳng lên đến đỉnh điểm vào hôm qua, thị trưởng Jenny Durkan đã lên tiếng: "Mọi người định làm gì vào ngày mai?". Sau đó, bà im lặng một lúc trước khi hứa rằng sẽ không có bắn đạn hơi cay vào tối nay.
Biểu tình vẫn xảy ra ở nhiều nơi giữa lệnh giới nghiêm
Người biểu tình đã cưỡi ngựa xuống đường ở Houston, Texas
Cảnh sát giải tán người biểu tình sau giờ giới nghiêm ở quận Bronx, thành phố New York
Cảnh sát dùng dùi cui giải tán nhóm thanh thiếu niên ở quận Bronx, yêu cầu "Về nhà đi". Ít nhất 1 thanh niên bị 3 cảnh sát bắt giữ do vi phạm lệnh giới nghiêm.
Đám đông thắp nến và mở đèn flash trên đường phố quận Brooklyn, New York
Hàng trăm người đã bị bắt giữ ở Los Angeles, bang California vào tối nay
Hàng ngàn người nằm trên cầu Burnside ở thành phố Portland, bang Oregon. Họ cùng nhau hô vang "biểu tình ôn hòa" để phản đối việc cảnh sát dùng khí gas trấn áp.
"Chúng tôi đã giơ tay lên trong hòa bình, đừng bắn", "Người da đen đáng được sống"... là những biển hiệu của nhóm biểu tình.
Cảnh sát dùng khí gas giải tán đám đông ở thành phố Atlanta, bang Georgia