Nhà Minh kéo dài suốt 276 năm, trải qua 16 đời Hoàng đế, song xét về tài trị quốc, chỉ trừ có Chu Nguyên Chương và Chu Đệ có tài nổi bật, còn lại các vị Hoàng đế khác đều không để lại thành tựu gì to lớn.
Song, Chu Đệ lại là vị Hoàng đế gây nhiều tranh cãi bậc nhất trong lịch sử phong kiến Trung Hoa.
Mỗi khi nhắc đến ông, người ta sẽ nhớ đến chuyện Chu Đệ không bằng lòng ở đất phiên, khởi binh tranh ngôi báu với cháu mình – Chu Doãn Văn.
Việc này có thể xem là vết nhơ trong cuộc đời Chu Đệ, nhưng nếu không làm vậy, có lẽ Chu Đệ cũng sẽ chẳng thể trở thành Hoàng đế.
Ngoài Chu nguyên Chương và Chu Đệ ra, trong lịch sử Minh triều, còn có một Hoàng đế khác nữa vẫn được hậu thế sau này thường hay bàn đến, đó chính là vị Hoàng đế cuối cùng của nhà Minh – Sùng Trinh Đế - người đã để mất thiên hạ vào tay người khác và phải treo cổ tự vẫn, tuẫn táng cùng thời đại do ông cha gây dựng.
Trên thực tế, với khả năng và toan tính của mình, ít ai biết rằng Chu Đệ đã từng để lại cho con cháu ông ta 1 con đường lui, để bảo vệ nhà Minh không bị suy vong. Chỉ tiếc rằng 200 năm sau đó, Sùng Trinh Đế lại chẳng hề để ý đến, để rồi khiến cho cơ nghiệp trăm năm của nhà Minh đổ xuống sông xuống bể.
CON ĐƯỜNG LUI CHU ĐỆ ĐỂ LẠI CHO CON CHÁU LÀ GÌ?
Con đường lui được nhắc đến ở đây chính là mảnh đất Nam Kinh.
Ngay cả khi Chu Đệ đã dời đô đến Bắc Kinh, ông vẫn giữ nguyên cơ cấu hành chính hoàn chỉnh ở Nam Kinh, hơn nữa còn cho phép Thái tử ở Nam Kinh suốt thời gian dài.
Từ việc này có thể thấy được, Chu Đệ tin rằng vào thời khắc quan trọng, Nam Kinh vẫn sẽ là trung tâm hành chính thứ hai giúp tiếp tục duy trì triều đình nhà Minh.
Nhưng Sùng Trinh lại không để ý đến điều này, thế nên mới có chuyện sau khi Lý Tự Thành tiến đánh Bắc Kinh, Sùng Trinh tâm như tro tàn, chọn cái chết để tuẫn táng cùng quốc gia mà không hề nghĩ đến việc chạy xuống phía Nam.
Vào thời điểm ấy, không hẳn là không có con đường khác để chọn, nếu như Sùng Trinh chọn chạy đến Nam Kinh, có lẽ nhà Minh đã không bị diệt vong nhanh đến thế.
Vì suy cho cùng, mục tiêu số một của Đại Thuận quân do Lý Tự Thành chỉ huy là chiếm lĩnh phía Bắc, mà phía Bắc khi đó cũng có quân Thanh như hổ đói rình mồi.
Đại Thuận quân và quân Thanh đều muốn giành được miếng thịt béo này, tất sẽ đấu nhau đến mức một mất một còn, nhà Minh có thể tận dụng cơ hội này để nghỉ ngơi, tập hợp lại lực lượng, ít nhất cũng sẽ tiếp tục duy trì sự thống trị ở phía Nam.
Ngay cả khi Chu Đệ đã dời đô đến Bắc Kinh, ông vẫn giữ nguyên cơ cấu hành chính hoàn chỉnh ở Nam Kinh.
Giống như chính quyền Nam Minh, đấu tranh với quân Thanh ở phía Nam, kéo dài suốt hơn 40 năm, song bởi vì nội bộ chia rẽ, mất đoàn kết nên mới dẫn đến thất bại.
Mà Sùng Trinh bấy giờ là vị Hoàng đế chính thống trong lòng người Hán, so với chính quyền Nam Minh, ông chắc chắn sẽ nhận được nhiều sự ủng hộ hơn.
Tuy nhiên, có một điểm không thể không nói đến, đó là các vị Hoàng đế nhà Minh đều là người vô cùng có khí phách, ví dụ như Chu Đệ lựa chọn dời đô đến Bắc Kinh, chủ yếu là bởi vì phía Bắc thường xuyên bị tộc người du mục quấy nhiễu, Hoàng đế ra tuyến đầu, đã tạo được sức răn đe.
Hay như Minh Anh Tông dù bị bắt, thành Bắc Kinh nguy hiểm cận kề những cũng chưa hề có ý định dời đô, quyết giữ thái độ nguyện chết thủ thành.
Đến thời Sùng Trinh Đế cũng thế, kết cục "quân vương chết cùng xã tắc" quả khiến lòng người thổn thức.