Trong phim truyền hình Lửa Ấm có một chàng lính cứu hoả tên Tiến. Với nụ cười hiền lành, giọng nói ấm áp, anh luôn khiến đồng đội và cả những người bị nạn cực kỳ an tâm. Tiếc là mới tới tập 42, anh đã qua đời.
Giây phút giã biệt đồng đội khi Tiến đi vào cửa tử
Người đảm nhận vai Tiến là Tô Dũng - nam diễn viên sinh năm 1991. Cũng giống như Tiến, anh quyết đoán và nghiêm túc với nghề. Đã quyết làm gì là phải làm nghiêm chỉnh, làm đến cùng. Dù nhân vật của anh ít khi nào được sống tới hết phim. Một loạt các nhân vật Tô Dũng từng đảm nhiệm, dù là kịch hay phim đều có chung một cái kết là chết ở giữa chừng. Biệt Đội Báo Đen thì chết vì chiến đấu ở chiến trường, nhiễm chất độc màu da cam. Mùi Cỏ Cháy - anh cũng là người lính, chết khi đang thực hiện nhiệm vụ nối dây liên lạc. Vai Giả Bảo Ngọc trong Hồng Lâu Mộng thì hoá điên, vai trong kịch Điều Còn Lại cũng chết. Thầu Chín Ở Xiêm hay Công An Mật thì đều bị đánh thừa sống thiếu chết, đến Lửa Ấm cũng chết. Tô Dũng ao ước có được một vai công tử, hoặc không thì làm sát nhân giết người cũng được, miễn là không phải chết sớm.
Lúc nhận vai diễn của Lửa Ấm, biết cái kết của nhân vật Tiến cũng chung số phận với biết bao cái kết trước đấy, cảm xúc của Dũng lúc ấy thế nào?
Khi anh Phúc (đạo diễn Lửa Ấm) liên hệ để mời tham gia bộ phim với đề tài người lính phòng cháy, tôi vô cùng phấn khích. Nhưng tôi nói luôn là "Anh ơi em ao ước nhân vật này sẽ không phải chết".
Đạo diễn trả lời: "Anh suy nghĩ mãi rồi chọn em vào vai Tiến, nhân vật này đến cuối sẽ có cái kết là hy sinh". Lúc ấy tôi thấy kì cục lắm, số phận của mình cứ kiểu gì ấy nhỉ? Thế nhưng khi được nhận kịch bản, tôi lại thấy "háo hức" với cái chết này. Mỗi sự hy sinh, mỗi cái chết sẽ gắn liền với số phận riêng của nhân vật.
Trong lúc lao vào tai nạn xe hơi ở tập 42, Tiến đang ở vị trí của một shipper. Đáng ra Tiến không có quyền giải cứu. Anh có nghĩ vậy không?
Tôi thấy ý kiến của khán giả, dưới một góc nhìn nào đó, hoàn toàn hợp lý. Nhưng phải nghĩ ở chiều ngược lại. Tiến là người lính phòng cháy, việc của Tiến là cứu người. Có lẽ lúc ấy, Tiến quên mất hiện tại mình chỉ là shipper, nên cứ lao vào. Thêm nữa, cũng không thể trách Minh hay những người đồng đội khác vì đã để Tiến đi. Bởi trên phim có thể dài 1 - 2 phút, nhưng ngoài đời câu nói ấy chỉ là tích tắc thôi, chưa ai kịp suy nghĩ thấu đáo cả. Minh có thể hoàn toàn tin tưởng người đội phó của mình. Lên được đội phó cũng phải giỏi đó chứ!
Nhưng theo một hướng tích cực, rõ ràng những người lính phòng cháy, cứu hộ - cứu nạn (CHCN) không màng đến hiểm nguy của bản thân, mà họ luôn nghĩ đến người dân trước. Đó là điều đáng quý hơn là việc chúng ta cứ tranh cãi xem nên hay không nên để Tiến lao vào tình huống ấy.
Liệu Tiến có quá liều không?
Tiến không hề liều. Nếu soi chiếu tình huống ấy ra đời sống, nó hoàn toàn hợp lý. Không ai có thể đứng chôn chân nhìn đồng loại của mình đau khổ hay phải đối mặt với cái chết. Tôi tin là không ai đủ can đảm để đối diện với tình huống như vậy. Nhất là đối với Tiến, người mà coi việc cứu người luôn là nhất.
Để xây dựng nhân vật Tiến, anh có lấy cảm hứng hay bị ảnh hưởng từ một hình tượng người lính thực tế nào ở ngoài đời, hay có câu chuyện nào khiến anh ấn tượng?
Trong quá trình làm phim, tôi được biết rằng người lính phòng cháy chữa cháy làm việc 1 ngày, nghỉ 1 ngày. Dĩ nhiên, chẳng có cơ quan đoàn thể nào chấp nhận một nhân viên có lịch làm việc như vậy cả. Lương của họ cũng không cao lắm đâu! Họ muốn kiếm thêm thì chỉ có thể chạy xe ôm, xe ôm công nghệ hoặc làm shipper.
Có một anh lính ở Xuân Mai, tôi biết rằng ngày nào anh ấy cũng giao ban xong sẽ đi xe máy từ đó vào Hà Nội chạy xe ôm công nghệ. Vì ở trung tâm thì nhu cầu khách nhiều hơn. Rồi đến 6 giờ tối anh lại về với gia đình, ăn cơm xong xuôi sẽ chuẩn bị đồ đạc để hôm sau lại vào đơn vị cho ngày làm việc tiếp theo. Khi nghe được câu chuyện ấy thì tôi càng tin vào nhân vật, những gì mình đang đưa tới cho khán giả. Đúng là cuộc đời Tiến có thật, chứ không phải nghĩ ra cho vui.
Thêm nữa, có một điểm khiến tôi đặc biệt ấn tượng với những người lính PCCC, CHCN. Đó là dù bình thường ở đội có thể chơi game để giải trí, ngồi tếu táo vài câu chuyện bên ấm nước chè, nhưng nghe hiệu lệnh là chỉ có 90 giây để ra khỏi đơn vị, dù là đang việc gì thì cũng dừng hết. Kể cả tắm rửa, đi vệ sinh, ăn uống hay thậm chí cắt tóc cũng dừng hết. Có những tình huống oái oăm đến mức đang gội đầu dở còn không kịp xả, phải đi ngay lập tức, 12 tiếng sau về gội nốt cũng phải chịu. Chính vì những câu chuyện ấy mà anh cảm thấy thêm trân trọng những người lính.
Nếu nhận 50 triệu, có khi nào gia đình Tiến đã không phải gặp cảnh này?
Có vài khán giả cho rằng, Tiến đang quá liêm khiết và làm vợ mình phải thiệt thòi. Trước nhất là thiệt thòi về vật chất, sau này là về tinh thần khi mất đi chỗ dựa. Cũng phải nói thẳng với nhau là nếu ngoài cuộc sống, sẽ phải cân nhắc nhiều đấy. Nhưng Tiến làm vậy là bởi anh ấy đã phải chứng kiến quá nhiều những sự mất mát, những nỗi đau không thể bù đắp nổi bởi cháy nổ, rồi những sự hy sinh của đồng đội chỉ vì hệ thống phòng cháy chữa cháy không đảm bảo. Và anh ấy không nhận 50 triệu chính là vì anh không muốn phải chứng kiến thêm những cảnh đấy nữa.
Còn đối với người vợ, tôi nghĩ rằng nếu đã chọn, thì sẽ chấp nhận thông cảm cho đặc thù công việc của chồng. Sự thiệt thòi ở đây không phải vấn đề đáng nói nữa.
Sau tập 42, Tiến thành người hùng trong lòng mọi người. Còn ai là người hùng trong lòng anh Tô Dũng?
Dĩ nhiên là lực lượng PCCC, CHCN rồi. Phải nói sau Lửa Ấm, tôi đã có rất nhiều cái nhìn khác về những người chiến sĩ, thậm chí còn thấy có lỗi với họ. Trước đây mình vẫn nghĩ, nhiều khi tức mấy ông này thế, người ta cháy xong rồi mới tới, cháy chán rồi mới dập. Nhưng mình đâu biết rằng khi có báo cháy, đơn vị PCCC phải gọi điện cho cơ sở công an gần đấy để xác minh xem cháy thật không, hay chỉ là giả. Rồi đi đường, đâu phải nháy mắt phát là đến được. Xe to như vậy, kể cả hú còi thì liệu người dân có ý thức nhường đường cho xe đi không, rồi còn tắc đường hay ti tỉ biến cố khác. Địa điểm xa đơn vị cũng là một điều khó khăn. Những người lính cũng muốn nhanh lắm chứ, nhưng không phải cái gì muốn cũng được.
Trong những cảnh quay đi cứu hộ, cứu nạn, bọn tôi phải đeo bình ô-xi khoảng 20kg, vác đồ búa, rìu, rồi đội mũ khoảng 2kg lên đầu nữa. Mình thì không quen, thấy càng lâu đầu càng nặng trĩu. Rồi khi cứu người, vác thì không phải cứ xốc lên vai là xong. Vì khói ở trên, mình làm vậy thì họ chết ngạt trước khi được ra ngoài rồi, nên gần như phải đi, bò sát xuống mặt đất. Bọn tôi quay đến khoảng lần thứ 3 là kiệt sức rồi, không làm nổi. Mà ngoài đời thì làm gì có chuyện 3 lần là xong. Mình chỉ quay phim mất có vài tháng mà còn thấy áp lực, các anh ấy sống cả đời với nghề như vậy là quá dũng cảm.
Trên chặng đường sự nghiệp diễn xuất, anh muốn đi chậm mà chắc hay đi nhanh mà sớm "hết xăng"?
Từ trước đến giờ, tôi tâm niệm cái gì cũng phải chắc chắn. Cuộc đời đều có sự sắp xếp hết rồi. Nếu như tìm thủ đoạn để rút ngắn thời gian thì mọi hào quang sẽ đến trong nhất thời rồi mất đi rất nhanh. Tôi không muốn sau này mình tiếc nuối vì đã đốt cháy giai đoạn. Tôi yêu và đam mê nghệ thuật nên luôn muốn theo đuổi và được sống với nó một cách tử tế. Có lẽ vì tôi hơi đồng bóng và khắt khe như vậy, nên không có nhiều cơ hội như mọi người.
Cảm ơn Tiến vì sự hy sinh! Cảm ơn Dũng vì đã chia sẻ những lý giải của mình.
Lửa Ấm lên sóng vào 21h thứ Hai đến thứ Sáu hàng tuần trên kênh VTV1.
Nguồn ảnh: VTV