CẨM Y VỆ, ĐÔNG XƯỞNG VÀ TÂY XƯỞNG
Năm 1379, Minh triều xảy ra một vụ trọng án, thừa tướng đương triều Hồ Duy Dung bị cáo buộc có âm mưu làm phản. Trong cơn giận dữ, Chu Nguyên Chương đã ra lệnh chu di cửu tộc đối với Hồ Duy Dung, sau đó lần lượt giết chết hơn 30 nghìn đồng đảng có dây dưa với Hồ Duy Dung.
Những trải nghiệm khó khăn gian khổ trong những năm tháng tuổi trẻ khiến Chu Nguyên Chương không có niềm tin với các quan văn. Sau vụ việc Hồ Duy Dung, Chu Nguyên Chương hạ quyết tâm, bãi bỏ chế độ thừa tướng.
Nhưng cái chết của Hồ Duy Dung hoàn toàn không xua tan được nỗi lo của Chu Nguyên Chương, bởi ông cảm thấy nếu không có biện pháp giải quyết triệt để, giang sơn họ Chu do mình tay trắng vất vả giành được nhất định sẽ bị lật đổ như tiền triều - nhà Nguyên.
Sau vụ trọng án của họ Hồ, Chu Nguyên Chương chọn con em của những gia đình thanh bạch xây dựng lên đội ngũ Cẩm Y Vệ, đóng vai trò là "hàng rào danh dự", bảo vệ hoàng thượng, đồng thời bắt giữ trộm cướp.
Tất nhiên, nhiệm vụ chính của họ là hoàn thành mệnh lệnh của Chu Nguyên Chương: Điều tra truy bắt bá quan. Quan lại Minh triều có bất kỳ động thái gì, thậm chí trong nhà nói những gì, ăn cái như thế nào đều nằm trong phạm vi báo cáo của Cẩm Y Vệ.
Do quyền hạn của Cẩm Y Vệ vượt qua cả pháp luật Đại Minh, lại có thể độc lập tiến hành thẩm vấn, bắt giữ, khi mới thành lập đã trở thành thanh kiếm sắc nhọn đáng sợ trực chờ trên đầu quan lại Minh triều.
Sau đó, những người của tổ chức này sẽ được phát triển thành quan lại địa phương ở những vùng đất xa xôi. Người dân bấy giờ vẫn rỉ tai nhau rằng, chỉ cần nhìn thấy người nào ăn mặc sang trọng, cưỡi con ngựa lớn, nghênh ngang nói tiếng kinh thành thì đừng chần chừ mà hãy tới hỏi thăm, lấy lòng.
Thế nhưng giai đoạn huy hoàng của Cẩm Y Vệ chưa kéo dài được bao lâu, Chu Nguyên Chương đã hạ lệnh bãi bỏ đội ngũ này chỉ 5 năm sau khi thành lập.
Tuy nhiên, sau khi Chu Nguyên Chương chết, Chu Đệ cướp ngôi Chu Doãn Văn, đồng thời cho khôi phục lại tổ chức này để trấn áp các cựu thần không theo mình.
Và để cân bằng quyền lực, Chu Đệ tiếp tục thiết lập thêm một cơ quan mới, gọi là Đông xưởng. Lúc này, Cẩm Y Vệ không còn giữ vai trò độc tôn, ngược lại thường xuyên rơi vào tầm ngắm của "những kẻ săn mồi" như Đông xưởng. Suy cho cùng, người đứng đầu Đông xưởng là thái giám, kề cận bên cạnh hoàng đế nên dễ dàng đưa ra lý lẽ thuyết phục hoàng đế hơn cả.
Về sau, đến đời Minh Hiến Tông, ông tiếp tục thành lập nên một cơ quan khác, đặt tên là Tây xưởng. Từ đó, Cẩm Y Vệ, Đông xưởng, Tây xưởng hợp thành bộ ba quyền lực, gọi tắt là Xưởng Vệ, trở thành cơ quan quyền lực tuyệt đối có thể bắt giữ, xét xử và thực thi.
Chiếc hộp pandora trong truyền thuyết của người phương Tây, một khi đã mở ra thì không dễ gì đóng lại. Xưởng Vệ cũng như vậy. Và những điều thần bí đáng sợ bậc nhất Minh triều đã ra đời từ chính ba trụ cột của Xưởng Vệ.
Sở dĩ nói Xưởng Vệ thần bí là bởi vì ngay cả các Cẩm Y Vệ cũng không dám tùy tiện đến gần chứ đừng nói đến các quan ghi chép sử. Họ chỉ có thể nhìn thấy bên ngoài mà không biết tới bên trong, vì thế không thể gi chép lại chi tiết cho hậu thế về tổ chức này.
Xưởng Vệ được đánh giá là xấu xa bởi từ khi thành lập, tổ chức này đã trở thành nơi chứa đựng những âm mưu man rợ và đáng sợ.
TỔ CHỨC VƯỢT MẶT CẢ CẨM Y VỆ, ĐÔNG XƯỞNG VÀ TÂY XƯỞNG VỀ ĐỘ TÀ ÁC
Nhưng cả 3 tổ chức trên vẫn chưa đáng sợ bằng tổ chức được đánh giá là tà ác nhất lịch sử Minh triều - Nội Hành xưởng.
Năm 1508, dưới sự xúi giục của đại thái giám Lưu Cẩn, Chính Đức hoàng đế thiết lập Nội Hành xưởng, đứng đầu là Lưu Cẩn.
Nội Hành xưởng còn có tên gọi Nội biện sự xưởng, nghe không có gì khác biệt với Đông xưởng và Tây xưởng.
Thế nhưng điểm đáng sợ của nó là ngoài giám sát các quần thần và người dân, thậm chí còn có quyền bắt giữ thẩm vấn người của Xưởng Vệ.
Nói cách khác, cho dù là người của Cẩm y vệ hay Đông xưởng, Tây xưởng, một khi gặp phải Nội Hành xưởng cũng phải run sợ, bỏ trốn, bởi một khi rơi vào tay tổ chức này, lột da mới chỉ là màn mở đầu.
Hơn nữa, phạm vi quản lý của Nội Hành phủ rất rộng, ngay cả một quả phụ bình thường tái giá cũng thuộc nằm trong sự cai quản của họ.
Kể từ khi Nội Hành xưởng ra đời, Lưu Cẩn bắt đầu quyền khuynh triều đình. Tổ chức ấy sau khi thành lập cũng đã tạo ra một tiền lệ trước nay chưa từng có. Đó chính là lối xử phạt theo kiểu "luật rừng": "Bất luận tội nặng hay nhẹ cùng đều bị phạt đánh bằng trượng, bị điều đi trấn thủ biên cương vĩnh viễn hoặc phải đeo gông cùm đi lưu đày".
Chưa dừng lại ở đó, Lưu Cẩn còn lợi dụng Nội Hành xưởng để đả kích những kẻ chống đối, hãm hại những quan viên chính trực và bách tính trăm họ. Sử sách ghi lại, chỉ vẻn vẹn trong một thời gian ngắn, quan lại, quân dân chết dưới tay tổ chức này một cách phi pháp đã lên tới con số hàng ngàn.
Mục đích của Lưu Cẩn khi xúi giục hoàng đế lập ra Nội Hành xưởng chính là thực hiện giấc mơ khiến cho các quan giám sát (thuộc 6 khoa: sử, hộ, lễ, binh, hình, công) phải ngậm miệng, các quan văn phải chắp tay cúi đầu hành lễ trước tổ chức của ông ta.
Quả nhiên, sau khi thành lập Nội Hành xưởng, Lưu Cẩn nắm trong tay quyền lực rất lớn. Bấy giờ, các quan viên nhậm chức đều phải đến Nội Hành xưởng khấu đầu bái kiến ông ta, quan lại ở kinh thành khi đi sứ đều phải biếu tiền, quan lại bên ngoài thành vào triều phải biếu xén cả vạn lượng vàng.
Khi đó quan viên địa phương vào thành đều phải vay mượn địa chủ trước, khoản vay này gọi là "Kinh trái", dùng để lấy lòng người đứng đầu Nội Hành xưởng.
Dựa vào thủ đoạn này, chỉ trong vòng 3-5 năm ngắn ngủi, Lưu Cẩn thu lợi lên đến 60 triệu lượng bạc trắng.
Nhưng cuối cùng giấc mơ đẹp đẽ của Lưu Cẩn cũng không kéo dài bao lâu. Năm 1510, Minh Vũ Tông đã nhận ra bản chất xấu xa của hắn, chính thức hạ lệnh xử tội Lưu Cẩn với bản án lăng trì.
Đây âu cũng là cái giá mà hắn phải trả cho những tội ác mà hắn gây ra cho những người vô tội lúc bấy giờ.