Nghĩ đến nghỉ hưu sớm từ khi lương 20 triệu/tháng
Minh Hải (32 tuổi, Cao Bằng) đã bỏ phố về quê làm trang trại hoa và lựa chọn công việc tự do để duy trì thu nhập sau khoảng 10 năm sinh sống tại Hà Nội.
Anh quan niệm, ở tỉnh lẻ thì gia đình hai con cần tổng thu nhập 15 triệu/tháng là thoải mái. Cũng vì thế, từ khi lương mới chỉ 20 triệu/tháng, Minh Hải đặt mục tiêu kiếm khoảng 6 tỷ đồng, sau đó đem đi đầu tư là đủ để đạt được FAT FIRE (nghỉ hưu sớm với nguồn tài chính đủ mạnh).
"Hiện tại mình vẫn độc thân nhưng kế hoạch tài chính thì dành cho gia đình 4 người. Ngoài ra mình còn phụng dưỡng bố mẹ nhưng đây không phải vấn đề quá lớn. Trước đó, mình có mua sẵn bảo hiểm cho bố mẹ và dành một sổ tiết kiệm nhỏ phòng khi họ có vấn đề về sức khỏe.
Ở quê mình có sẵn nhà và 1 trang trại trồng hoa nhỏ. Phần này mình được thừa kế từ bố nên không cần đắn đo cho chuyện nhà đất nhiều. Thật ra cuộc sống ở quê rất đơn giản, bôn ba nhiều năm ở chốn công sở khiến mình chỉ muốn thật nhanh thoát khỏi chỗ đó", Minh Hải cho hay.
Sau đó, chàng trai lần lượt ghi ra các vấn đề cần giải quyết nếu chọn nghỉ việc và về quê sinh sống:
- Chi phí sinh hoạt hàng tháng cho gia đình 4 người (khi lập gia đình và có con): Không tính tiền nhà cửa, hàng tháng mình cần 6 triệu đồng để trả sinh hoạt phí cơ bản và mua sắm, 5 triệu để nuôi con 2 con, 3 triệu đồng để đóng bảo hiểm và và các loại phát sinh.
- Tiền phụng dưỡng bố mẹ: Do bố mẹ Minh Hải có lượng hưu và sổ tiết kiệm nên anh tính mỗi tháng đều đặn gửi họ 5 triệu đồng.
- Công việc sẽ làm sau khi về quê và nghỉ hưu sớm: Anh chọn chuyển sang làm tự do bằng công việc văn phòng hiện tại, song cắt giảm 50% thời gian làm việc. Bên cạnh đó, anh còn phát triển trang trại hoa - đây là công việc vừa vừa đúng sở thích của Minh Hải mà còn là ước mơ của bố anh chàng.
Sau khi có kế hoạch sẵn, chàng trai đã bắt đầu đa dạng thu nhập, bằng cách làm việc 15 tiếng/ngày trong ngành Tài chính. Đến năm 2016, tức sau 2 năm đi làm, chàng trai đã có khoản tích lũy đầu tiên từ việc sống tiết kiệm và không chi tiêu cho nhu cầu khác. Bấy giờ, Minh Hải bắt đầu học đầu tư với số vốn chưa đầy 100 triệu đồng, được anh phân bổ thành từng khoản như sau:
- 20% cho việc tiết kiệm: Số tiền này được sử dụng trong những trường hợp rủi ro, hoặc đầu tư kiến thức cho bản thân nếu cần.
- 10% trích riêng để mua quà vào những dịp lễ cho gia đình, sếp và những mối quan hệ thân thiết. Chàng trai nhận định, đây là khoản cực kỳ cần thiết nếu bạn muốn phát triển trong sự nghiệp.
- 50% để đầu tư vào những ngành như bất động sản, thép... Lúc đó chàng trai mua khoảng 5 mã, mỗi mã 10% và liên tục theo dõi trong vòng 3-6 tháng. Nếu mã nào tốt thì sau 9 tháng sẽ dồn tiền đầu tư tiếp. Liên tục như thế trong nhiều năm liền.
- 20% còn lại chàng trai dành dụm để đầu tư vào bảo hiểm và các loại tài sản đảm bảo khác như vàng hoặc những loại chứng chỉ quỹ có lãi suất cao hơn ngân hàng.
Duy trì trong những năm làm việc tiếp theo, cứ dư được khoản nào Minh Hải sẽ chia nhỏ và phân bổ vào các danh mục trên. Sẽ có sự thay đổi theo thời gian vì biến động của thị trường và thu nhập, nhưng về cơ bản thì đó là những khoản đầu tư giúp anh chàng kiếm được 1 tỷ đồng đầu tiên. Sau đó là con số 6 tỷ đồng sau 5 năm. Đỉnh điểm là giai đoạn 2019-2021, khi này thì danh mục đầu tư của anh đã hoạt động rất tốt.
"Với mình, không gì sinh lợi nhanh bằng việc biết vận hành dòng tiền. Chỉ có cách tạo ra những nguồn thu nhập thụ động mới giúp tình hình tài chính trở nên khởi sắc. Còn nếu cứ duy trì mãi việc làm công ăn lương, thì cả đời rất khó nghĩ đến việc tự do tài chính hoặc nghỉ hưu sớm!", chàng trai chia sẻ.
Tính toán nghỉ hưu sớm từ khi còn là sinh viên
Từ thời sinh viên, Minh Khang (30 tuổi, quản lý cấp cao của bộ phận xuất nhập khẩu) đã có định hướng về mục tiêu nghỉ hưu sớm trước tuổi 40. Hồi mới ra trường, với kinh nghiệm làm thêm từ năm nhất và vốn tiếng Anh tích lũy được, chàng trai thành công trở thành quản lý của một công ty nước ngoài.
"Mình làm việc từ thứ hai đến chủ nhật, không có ngày nghỉ, không thấy mặt trời vì tăng ca liên tục. Thời gian tăng ca 1 ngày của mình bằng cả tháng lương của công nhân khi đó, nên cứ lao vào kiếm tiền chẳng ngại gian khổ. Tiền kiếm được chi tiêu một ít, số còn lại đều đem mua vàng, mỗi tháng trung bình 4-5 chỉ. Gom đủ vàng rồi, khi giá lên cao thì đem bán và mua được căn nhà theo ý muốn", chàng trai nhớ lại.
Tuy có công việc đem lại nguồn thu nhập cao, song chàng trai chi tiêu cực kỳ tiết kiệm. Minh Khang cho hay: "Khi chưa có gì trong tay, chỉ đi làm rồi kiếm tiền thì mình lựa chọn ở nhà thuê cho đến khi tích đủ tiền mua nhà. Dù làm việc ở cấp quản lý, nhưng mình luôn hạn chế những buổi tiệc tùng tốn kém mà không lành mạnh. Cả năm mình chỉ mời thư ký và mấy nhân viên ăn vài bữa cơm để gắn kết mọi người. Mình cũng không bao giờ mua quà cáp biếu cấp trên, chỉ trao tặng giá trị và sự đối đãi chân thành nhất".
Theo Minh Khang, riêng vấn đề liên quan tiền bạc, càng làm cụ thể và rõ ràng thành từng khoản riêng thì càng tiện quản lý. Với anh chàng, mục tiêu tiết kiệm luôn là ưu tiêu hàng đầu. Cụ thể hơn, anh phân bộ thu nhập thành từng khoản như sau:
- Chỉ tiêu 30% thu nhập cho những nhu cầu cần thiết: nhà ở, ăn uống, phương tiện đi lại, Internet, mua sắm vật dụng. Chàng trai tính toán, mỗi tháng anh chỉ tiêu khoảng 10 triệu đồng cho chi phí sinh hoạt.
- Dành 10-15% thu nhập đóng bảo hiểm nhân, với nguyên tắc "khi thu nhập tăng, chi phí cho bảo hiểm cũng tăng theo".
- Dành 2-5% thu nhập cho chi phí đám đình, ngày lễ.
- Số tiền còn lại đều tiết kiệm trước. Sau này, lấy vốn đầu tư sinh lãi và sinh lời.
Trong nguyên tắc chi tiêu của Minh Khang, anh quan điểm không tiêu tiền cho những thứ linh tinh, càng sống tối giản càng tốt. "Kể cả sau này, khi thu nhập tăng, có nhà, có xe, có gia đình, mình luôn sống rất tiết kiệm. Khi còn trẻ, mình cố gắng nâng cao năng lực kiếm tiền cá nhân để có nhiều tiền tiết kiệm, và khi đã tích lũy được tiền để đầu tư, thì nên cân bằng giữa công việc và cuộc sống", Khang cho hay.