Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đã khiến quan hệ thương mại toàn cầu xấu đi, buộc công ty và chính phủ các nước phải di dời nguồn lực khỏi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới để đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Ngoài ra, những thành công của Việt Nam trong việc kiểm soát đại dịch Covid-19 đã củng cố thêm niềm tin cho các nhà đầu tư nước ngoài, góp phần định vị Việt Nam trở thành điểm đến an toàn cho hoạt động kinh doanh của các nhà sản xuất quốc tế.
Trước thời cơ đó, Chính phủ đã yêu cầu các địa phương có các giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo an sinh, trật tự an toàn xã hội. Đồng thời, các doanh nghiệp cần có kế hoạch mở rộng thị trường quốc tế, tận dụng tốt cơ hội của các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết, tìm biện pháp đón nhận các dòng đầu tư nước ngoài.
Long An khởi công xây dựng KCN Việt Phát lớn nhất tỉnh và là một trong những KCN lớn nhất nước
Trong tất cả, Long An là một trong những địa phương sốt sắng trước cơ hội này nhất, khi vài ngày gần đây, họ liên tiếp khởi công xây dựng 2 khu công nghiệp lớn. Ngày 15/5, Đức Hòa III – SLICO - khu công nghiệp (KCN) lớn thứ 3 trong các cụm KCN lúc đó (rộng 195,79 ha) của tỉnh Long An đã được khởi công xây dựng; ngày 17/5, đến lượt khu công nghiệp Việt Phát của chủ đầu tư Tân Thành Long An cũng được chính thức khởi công.
KCN và đô thị Việt Phát nằm tại xã Tân Long, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An. Dự án được quy hoạch hiện đại theo mô hình mới kết hợp giữa KCN và khu đô thị, trong đó diện tích đất dành cho khu công nghiệp là hơn 1.200ha và đất dành cho khu đô thị là hơn 625ha. Với diện tích lên đến 1.800 ha, Việt Phát trở thành một trong những KCN có diện tích lớn nhất nước hiện nay.
Lễ khởi công xây dựng khu công nghiệp Việt Phát - Long An.
Toàn bộ diện tích của dự án đã được hoàn thiện công tác giải phóng mặt bằng, sẵn sàng đáp ứng đa dạng và hiệu quả mọi nhu cầu của nhà đầu tư. Hệ thống điện của dự án với được lấy từ trạm biến áp Thủ Thừa 110/22 KV - 2 x 40 MVA qua đường dây 22KV hiện có, dọc theo quốc lộ N2 vào dự án. Mạng lưới cung cấp nước đầy đủ, ổn định với giấy phép thăm dò nước ngầm với công suất 7500 m3/ngày. Về lâu dài, dự án sẽ sử dụng mạng lưới cấp nước từ Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Long An (chiều dài của trạm cấp nước đến dự án vào khoảng 18km).
Với mục tiêu xây dựng KCN Việt Phát trở thành khu công nghiệp kiểu mới, theo hướng phát triển xanh - bền vững, chủ đầu tư – Công ty CP Đầu tư Tân Thành Long An và đối tác phát triển dự án - Công ty Cổ phần Quản lý Khu công nghiệp Sáng Tạo Việt Nam (VNIP) đã lựa chọn đồng hành cùng những đối tác hàng đầu thế giới trong lĩnh vực quy hoạch phát triển và khai thác KCN như Surbana Jurong, JLL ...
Trong đó, Surbana Jurong - tập đoàn tư vấn thiết kế lớn và lâu đời nhất của Singapore - top 100 công ty thiết kế lớn nhất của thế giới, sẽ là đơn vị thiết kế ý tưởng quy hoạch chi tiết dự án với đầy đủ các dịch vụ, tiện ích như: khu trung tâm thương mại, khu vui chơi, giải trí, thể dục thể thao, khu công viên sinh thái, bệnh viện, trường học, khu nhà biệt thự sinh thái..; nhằm giảm áp lực tăng dân số cơ học, trở thành điểm đến lý tưởng của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Nhà đầu tư chưa chịu tiết lộ số vốn đầu tư vào KCN Việt Phát
"Khi đại dịch Covid 19 bùng nổ, đầu tiên ở Vũ Hán (Trung Quốc) rồi lan ra khắp toàn cầu đã trở thành cơn ác mộng, đủ sức chao đảo thế giới. Ở góc độ kinh tế, đại dịch Covid-19 là chất xúc tác mới thúc đẩy làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng từ Trung Quốc diễn ra nhanh hơn, mạnh mẽ hơn.
Nhất là khi mới đây, tổng thống Donald Trump vừa có tuyên bố cho rằng đất nước tỉ dân này cần chịu trách nhiệm về đại dịch. Hàng loạt cường quốc muốn rút nhà máy ‘tháo chạy’ khỏi nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. Việc Nhật công bố chương trình hỗ trợ trị giá 2,2 tỉ USD khuyến khích các doanh nghiệp Nhật chuyển chuỗi sản xuất ra khỏi Trung Quốc, hoặc Ấn Độ liên hệ với hơn 1.000 doanh nghiệp để đề nghị các gói hỗ trợ hấp dẫn nếu rời khỏi Trung Quốc... đã cho thấy sự quyết tâm ‘dứt áo’ khỏi sự lệ thuộc vào nguồn cung từ quốc gia này sau dịch bệnh trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết.
Trước làn sóng chuyển dịch đầu tư đó, các chuyên gia và giới phân tích đã nhận định Việt Nam sẽ là một trong những điểm đến hấp dẫn, có nhiều cơ hội đón nhận vốn đầu tư dồi dào từ các quốc gia phát triển có trình độ công nghệ cao", ông Lê Thành – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc công ty Tân Thành Long An, giải thích nguyên do vì sao mình nhảy vào lĩnh vực đầu tư KCN.
Ông Lê Thành - Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc của chủ đầu tư Tân Thành Long An đang trả lời phỏng vấn báo giới.
Cũng theo ông Lê Thành, với những lợi thế về vị trí địa lý đang có, một trong những điểm mạnh của Việt Phát so với các KCN tiền bối trước đó chính là nó rất thuận lợi cho các doanh nghiệp chế biến nông sản đặt đại bản doanh. Nên chắc chắn, mảng chế biến nông sản sẽ là một trong những ưu tiên đầu tiên của Việt Phát trong quá trình thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước về đây.
Còn khi được hỏi về số vốn đầu tư của KCN Việt Phát, ông Lê Thành nói rằng mình sẽ chia sẻ thông tin đó vào một dịp khác. Ngoài ra, ông còn nói thêm, dù chưa thể tiết lộ con số cụ thể, nhưng do nền đất của KCN này tương đối yếu, nên chắc chắn số tiền đổ vào đầu tư hạ tầng ở KCN Việt Phát – Long An sẽ nhiều hơn so với Đồng Nai hoặc TP. HCM.
JLL đánh giá rất cao tiềm năng thu hút vốn đầu tư của KCN Hiệp Phát và Long An
Còn bà Trang Bùi – Giám đốc thị trường của JLL cũng đánh giá rất cao tiềm năng của KCN Việt Phát nói riêng và Long An nói chung trong việc thu hút vốn đầu tư trong lẫn ngoài nước.
"Với tổng dân số hơn 2 triệu người, Tỉnh Long An có nguồn lao động tại chỗ dồi dào và lực lượng lao động có trình độ phục vụ cho sản xuất công nghiệp. Trong bảng xếp hạng về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Việt Nam năm 2019, tỉnh Long An nằm trong top 10 cả nước và xếp ở vị trí thứ 4 trong 13 tỉnh miền Tây và luôn đạt tốc độ tăng điểm số PCI gốc trung bình hàng năm cao.
Nhờ vào lợi thế vị trí địa lý là cửa ngõ nối liền miền Đông Nam Bộ với đồng bằng Sông Cửu Long, cơ sở hạ tầng cũng như môi trường đầu tư ngày một cải thiện và lực lượng lao động đông đúc, chúng tôi tin rằng Tỉnh Long An sẽ trở thành một điểm đến công nghiệp thu hút nhà đầu tư trong tương lai gần.
Trong bối cảnh thuận lợi đó, khu công nghiệp Việt Phát hình thành đã tạo nên một sân chơi hấp dẫn thu hút đầu tư cho tỉnh nhà. Với diện tích lên đến 1.800 ha, Việt Phát trở thành một trong những khu công nghiệp có diện tích lớn nhất nước hiện nay. Quan trọng nhất, toàn bộ diện tích của dự án đã được hoàn thiện công tác giải phóng mặt bằng, xem như đã giải quyết bài toán nan giải nhất trong việc phát triển quỹ đất tại Việt Nam. Hệ thống điện – nước cũng đã sẵn sàng đáp ứng đa dạng và hiệu quả mọi nhu cầu của nhà đầu tư", bà Trang Bùi khẳng định.
Bà còn bình luận thêm: Là người đã từng có dịp tham quan nhiều khu đô thị công nghiệp trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương, bà đánh giá Việt Phát là một mô hình phát triển bền vững hiếm hoi tại Việt Nam.
Đầu tiên, KCN sẽ tạo việc làm cho lực lượng lao động địa phương, góp phần vực dậy kinh tế địa phương, từ đó tạo ra nhu cầu sinh sống trong khu vực từ công nhân, chuyên gia, quản lý xí nghiệp... Lúc này, khu đô thị sẽ cung cấp nhiều giải pháp nhà ở, tiện ích đa dạng, thu hút dân cư đến lập nghiệp và tạo thành một cộng đồng bền vững cộng hưởng cho khu công nghiệp.
Ông Nguyễn Văn Út – Phó Chủ tịch Long An
"Lễ khởi công hôm nay đánh dấu sự khởi đầu của các nhà đầu tư và tỉnh Long An, có ý nghĩa vô cùng quan trọng với tỉnh. Đây là sự kiện kinh tế lớn và là dự án KCN thứ hai được khởi công sau đại dịch Covid-19, đánh dấu sự hoạt động trở lại của hoạt động kinh tế trên địa bàn tỉnh kể sau ngày Thủ tướng Chính phủ quyết định nới lỏng giãn cách toàn xã hội, để tập trung phát triển kinh tế.
Việc khởi công khu công nghiệp Việt Phát ngày hôm nay là thành quả của sự nhanh nhạy từ các nhà đầu tư và chính quyền tỉnh Long An, để chủ động đón đầu thu hút vốn FDI chất lượng cao trước làn sóng chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu sau đại dịch Covid- 19", ông Nguyễn Văn Út – Phó Chủ tịch Long An hồ hởi phát biểu.
Tỉnh Long An hiện có 32 khu công nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ bổ sung vào Quy hoạch phát triển các khu công nghiệp Việt Nam với tổng diện tích là 11.524,14 ha; trong đó, tỷ lệ lấp đầy của 16 KCN đã đi vào hoạt động với diện tích trên 2.000ha đạt 86,78%. Đến cuối tháng 4/2020 trên địa bàn tỉnh có 11.796 doanh nghiệp đang hoạt động với tổng số vốn đăng ký 308.000 tỷ đồng; cụ thể: toàn tỉnh có 1.953 dự án đầu tư trong nước với số vốn đăng ký 230.300 tỷ đồng và 1.053 dự án FDI với số vốn đăng ký là 6.449 triệu USD.