Các ngân hàng Trung Quốc đang thực hiện những biện pháp chưa từng có nhằm tránh việc biến chính họ và cả những đơn vị đi vay khỏi một cuộc suy thoái kinh tế khủng khiếp do dịch bệnh Covid-19.
Một vài biện pháp được đưa ra gồm có: Cung cấp khoản vay cho các doanh nghiệp mặc rủi ro không đúng hạn thanh toán; nới lỏng chỉ dẫn về cách phân loại nợ quá hạn. Một vài nhà băng thậm chí còn kiềm chế báo cáo tình trạng nợ xấu cho hệ thống chấm điểm tín dụng quốc gia và miễn trả lãi suất trong 6 tháng.
Bước đi này như một cách để "mua thời gian" cho các công ty và cả ngành công nghiệp ngân hàng trị giá 41 nghìn tỷ USD của Trung Quốc sau khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát khiến nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới lâm nguy. Tuy nhiên, chúng cũng làm dấy lên lo ngại về việc làm gia tăng rủi ro đối với bảng cân đối tài chính của các ngân hàng. Một vài chuyên gia phân tích lo ngại rằng Trung Quốc đang làm hủy hoại nỗ lực nhằm minh bạch hệ thống ngân hàng trên cả nước vốn được thực hiện từ nhiều năm nay, hủy hoại "sức khỏe" của các nhà băng trong dài hạn.
"Làm như vậy sẽ cho họ một chút thời gian để thở. Tuy nhiên, nó cũng hạ các tiêu chuẩn, biến một vài ngân hàng Trung Quốc trở nên bớt đáng tin cậy hơn trong dài hạn".
Đầu tháng này, S&P nói trong một tuyên bố rằng nếu tình trạng phải đối phó với dịch bệnh kéo dài, tỷ lệ nợ không thanh toán được (NPL) của Trung Quốc sẽ tăng gấp 3 lần lên 6,3%, tức là khoảng 5,6 nghìn tỷ NDT (tương đương 800 tỷ USD) nợ xấu.
Nỗ lực kể trên của các nhà băng và chính quyền địa phương là một phần trong nỗ lực của chính phủ Trung Quốc để khôi phục nền kinh tế – vốn được dự đoán sẽ giảm mạnh trong quý đầu tiên của năm. Ngoài việc bơm hàng tỷ NDT vào hệ thống ngân hàng để các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận các khoản vay hơn, các nhà chức trách còn cắt giảm lãi suất, giảm thuế và cam kết sẽ đưa ra nhiều chính sách tài chính linh hoạt hơn.
Cổ phiếu của các ngân hàng Trung Quốc tiếp tục diễn biến xấu trong năm nay. 4 ngân hàng thuộc sở hữu nhà nước giao dịch ở mức thấp hơn 0,5 lần so với giá trị dự đoán của họ từ đầu năm, gần với mức thấp kỷ lục.
Các biện pháp kể trên đánh dấu một bước chuyển bất ngờ trong cách tiếp cận chính sách tài chính của Trung Quốc. Các nhà chức trách ở Bắc Kinh đã dành 3 năm qua để nỗ lực thắt chặt hơn các quy định trong hệ thống ngân hàng và phát triển thị trường tín dụng ở đó rủi ro được đánh giá chính xác hơn.
Dịch bệnh đã thay đổi chính sách ưu tiên của chính phủ. Trong cuộc họp báo vào tuần này, Ye Yanfei – một quan chức tại Hiệp hội chính sách Ngân hàng bảo hiểm Trung Quốc nói rằng các nhà làm luật cần lỏng tay hơn với những khoản nợ xấu: Tình huống bây giờ, ngân hàng cứu doanh nghiệp cũng là cứu chính bản thân họ.
Trung Quốc không phải là quốc gia duy nhất nới lỏng các chuẩn kế toán cho ngân hàng trong khủng hoảng. Tháng 4/2009, trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế toàn cầu, các quy định điều chỉnh theo thị trường tại Mỹ đã được nới lỏng khi ngân hàng phàn nàn rằng họ gặp khó khăn. Dù các biện pháp như vậy bị chỉ trích nặng nề về tính minh bạch nhưng nó đã góp một phần đáng kể giúp các ngân hàng hồi phục nhanh hơn sau khi khủng hoảng qua đi.
Riêng với Trung Quốc, các chuyên gia đánh giá rằng họ sẽ kiểm soát tốt hơn các khoản nợ không thể thanh toán nhờ hệ thống tài chính tập trung.
Tuy nhiên, dù các ngân hàng Trung Quốc đã thực hiện nhiều biện pháp nhưng đa phần các doanh nghiệp vẫn gặp khó để vay số tiền mà họ cần để sống sót.
Hoạt động kinh doanh bị đình trệ suốt 1 tháng nay kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, trong khi đó tiền lãi vay phải trả ngân hàng cứ dồn lại từ ngày nay qua ngày khác, hạn phải trả thì cận kề. Doanh thu không có, họ buộc phải thỏa thuận, van xin các ngân hàng cho gia hạn các khoản vay thêm 1, 2 tháng để cầm cự.
Một khảo sát các doanh nghiệp vừa và nhỏ Trung Quốc vào tháng này cho thấy 1/3 số doanh nghiệp được hỏi chỉ đủ tiền để trang trải những chi phí cố định trong 1 tháng, 1/3 số khác sẽ hết sạch tiền trong 2 tháng nữa. Tuy nhiên, khoảng 1/3 trong số 80 triệu doanh nghiệp nhỏ Trung Quốc gồm cả những cửa hàng tạp hóa không thể tiếp cận các khoản vay trong khủng hoảng vào năm 2018.
Chưa rõ liệu lợi ích của những biện pháp kể trên đến đâu và nó có thể gây ra sự tổn hại chi phí lớn cỡ nào. Điều này còn phụ thuộc nhiều vào việc các nhà chức trách Trung Quốc sẽ thực hiện nhanh chóng thế nào để kìm hãm sự lây lan của dịch bệnh và đưa nền kinh tế phục hồi trở lại. Trong tuần đến 21/1, nền kinh tế của nước này đã chỉ hoạt động ở 50 – 60% công suất.
Một sự phục hồi mạnh mẽ trong vài tháng tới sẽ làm giảm lo ngại về việc các ngân hàng đang tự gây rủi ro cho bảng cân đối tài chính của họ. "Nếu có thể đẩy lùi virus, những khoản vay không trả đúng hẹn sẽ không còn nữa", theo Zhang Shuaishuai - một chuyên gia phân tích về ngân hàng nói.
Tuy nhiên, điều đó vẫn còn khá xa xôi. Tuần trước, các chuyên gia phân tích S&P đã đưa ra cảnh báo rằng sẽ phải mất nhiều năm để ngành công nghiệp ngân hàng đưa về những chuẩn mực thông thường với NPL và họ sẽ phải chịu những tổn thất trong dài hạn vì việc này.