Tình bạn bình dị ở viện dưỡng lão: Chơi thân 30 năm, đến lúc già vẫn là bạn chung phòng

Đinh Huy | 05-07-2022 - 08:16 AM

(Tổ Quốc) - Nhiều người nghĩ người già sẽ phải đối mặt với sự cô đơn, buồn chán ở viện dưỡng lão nhưng... có nhiều câu chuyện sẽ khiến người ta bất ngờ, cảm động.

Hai cụ bà chơi thân 30 năm, đến lúc già vẫn là bạn chung phòng trong viện dưỡng lão

Mỗi ngày, viện dưỡng lão Diên Hồng (Hà Nội) đang chăm sóc cho cuộc sống của hàng trăm người cao tuổi. Đó là những người tự nguyện, hay vào đây bằng những lý do khác nhau để sống hết quãng thời gian cuối đời.

Nhiều người có con cái thành đạt nhưng bận rộn công việc và thiếu kinh nghiệm chăm sóc; người không muốn trở thành gánh nặng, không muốn phiền con cháu...

Mỗi người mỗi quê, mỗi số phận, mỗi hoàn cảnh nhưng khi gặp nhau trong viện dưỡng lão họ lại trở thành những người bạn tri kỉ của nhau. Bà Hồng (quê gốc ở Nam Định) là 1 trong số đó.

Là một công chức về hưu bà Hồng không sống cùng con cái, cháu chắt mà chọn viện dưỡng lão để sống nốt phần đời còn lại.

Tình bạn ở viện dưỡng lão: Chơi thân 30 năm, đến lúc già vẫn là bạn chung phòng - Ảnh 1.

Bà Hồng trong căn phòng ở viện dưỡng lão

Trong câu chuyện với chúng tôi, bà Hồng cho biết, bà sinh được 3 người con, 2 gái, 1 trai. Người con gái lớn nhất năm nay 63 tuổi đã có 4 cháu. Người con gái thứ 2 mất sớm vì bị bệnh và người con trai út gần 50 tuổi.

"Tôi không thích ở với con nào, ở với con trai thì vướng con dâu, ở với con gái thì vướng con rể và các cháu, các chắt. Các chắt còn nhỏ nên chúng nó nghịch lắm. Nếu ở thì không được yên tĩnh nên tôi tự nguyện vào viện dưỡng lão", bà Hồng nói.

"Tôi ví dụ, đến bữa ăn, các chắt đi vệ sinh thì mẹ chúng nó để ngay cái bô bên cạnh. Hay khi tôi đang đi ngủ thì các chắt chạy vào báo cáo vừa đi chơi về khiến tôi rất khó chịu", bà Hồng nói thêm.

Hơn 1 năm sống trong viện dưỡng lão, bản thân bà Hồng đã ngoài 80 nhưng vẫn còn minh mẫn và tự làm mọi việc. Thậm chí, đi lĩnh lương, rút tiền bà đều không phụ thuộc vào con cái.

Bà Hồng và những người bạn già cùng tầng chơi Tam cúc mỗi khi rảnh rỗi

Tình bạn ở viện dưỡng lão: Chơi thân 30 năm, đến lúc già vẫn là bạn chung phòng - Ảnh 3.

Sống trong viện dưỡng lão dù không được gần con cháu nhưng bà Hồng lại cảm thấy thoải mái, vui vẻ. "Ở đây đưa chúng tôi vào nề nếp, sinh hoạt đúng giờ. Sống ở đây tôi thấy khoẻ hơn ở nhà".

Đặc biệt, ở đây, bà còn được ở cùng người bạn tri kỷ từ hồi con trẻ. Qua lời kể của bà Hồng, đó là bà Mão.

Bà Mão là hàng xóm, là người bạn của bà đã hơn 30 năm nay. Thời còn trẻ, cả hai bà đã cùng nhau đi du lịch nhiều nơi ở Việt Nam. "Thời điểm tôi còn làm việc ở Vũng Tàu, bà ấy cũng vào đó ăn Tết. Rồi những lần đi nhảy đầm (khiêu vũ), bà Mão không biết nhảy tôi dạy nhảy rồi sau đó cả hai rất hay đi cùng nhau", bà Hồng nhớ lại.

Khi về già, bà Mão không được minh mẫn, thường xuyên "nhớ nhớ, quên quên" nhưng được sự hướng dẫn, giúp đỡ của bà Hồng, cả hai đã có cuộc sống rất vui vẻ trong viện dưỡng lão. "Chúng tôi thường xuyên tâm sự với nhau. Tôi nhớ nhất là Tết vừa rồi, chúng tôi chụp chung với nhau một bức ảnh và được giám đốc trung tâm rửa và tặng.

Hồi đấy, tôi không về quê ăn tết, bà Mão cũng theo tôi nhất định không về nhà. Bà ấy bảo 'bà về tôi mới về, bà không về tôi cũng không về", bà Hồng kể.

Tình bạn ở viện dưỡng lão: Chơi thân 30 năm, đến lúc già vẫn là bạn chung phòng - Ảnh 4.

Bức ảnh bà Hồng và bà Mão được treo trong phòng bà Hồng

Hay có những lúc con cái gửi những món ăn ngon hoặc hoa quả, hai bà lại cùng ngồi nhau ăn chung. "Có lần con bà Mão gửi 10 quả bưởi vào, tôi bị đau dạ dày không ăn được nhưng cũng gọt cho bạn mình ăn, 2 ngày là hết một quả".

Có những lần bà Hồng và bà Mão giận nhau vài ngày không nói chuyện thì bà Mão lại là người mở lời trước. "Bà ấy ôm tôi tôi và bảo 'tao xin lỗi' rồi cả hai lại vui vẻ với nhau".

Hiện tại, dù có một số lý do khác nhau, bà Mão đã chuyển đi phòng khác nhưng bà Hồng vẫn luôn nhớ quãng thời gian đầy kỷ niệm cùng người bạn già của mình.

Người bạn cùng biến cố

Nếu như ở tầng 5, bà Hồng và bà Mão là đôi bạn thân thì ở tầng 3, ông Hoan (56 tuổi, ở Phú Thọ) và ông Thành (58 tuổi, ở Hà Nội) là "cặp bài trùng" mà dường như cả trung tâm đều biết. Hình ảnh người đàn ông đẩy xe lăn một ngày 3 lần đưa bạn cùng phòng đi ăn để lại rất nhiều ấn tượng cho những người đang sinh sống ở đây.

Tình bạn ở viện dưỡng lão: Chơi thân 30 năm, đến lúc già vẫn là bạn chung phòng - Ảnh 5.

Ông Hoan đưa ông Thành trên chiếc xe lăn đi ăn cơm

Hai người khác quê, khác tuổi nhưng có 1 điểm chung là từng bị tai nạn, bị chấn thương đầu. Có lẽ cũng vì vậy mà họ thân nhau không khác gì anh em trong một gia đình.

Ông Hoan cho hay, cách đây 2 năm ông gặp ông Thành ở trung tâm dưỡng lão Diên Hồng tại cơ sở khác. Khi ấy, ông Thành ở phòng đối diện với ông Hoan. Chẳng hiểu trời xui đất khiến thế nào, sau khi chuyển cơ sở, cả hai lại được xếp chung một phòng.

Ông Thành chân đau, phải ngồi xe lăn nên đa số các hoạt động hàng ngày đều được ông Hoan giúp đỡ. 6 tháng ở cùng phòng, chẳng bao giờ ông Hoan cảm thấy khó chịu hay than vãn câu nào. "Tôi vẫn nói đùa, anh em tôi quý nhau ở chỗ, tôi mổ 1 phát ở đầu, anh Thành mổ 4 phát liền".

Những hoạt động của ông Thành đều được ông Hoan giúp đỡ

Tình bạn ở viện dưỡng lão: Chơi thân 30 năm, đến lúc già vẫn là bạn chung phòng - Ảnh 7.

Ông Thành cũng rất cảm động với người bạn cùng phòng

Nói về lý do vào viện dưỡng lão, ông Hoan cho biết, ông bị mắc bệnh tiểu đường xuống Hà Nội chữa bệnh nhưng do các con đều bận công việc nên sau khi ra viện đành phải vào đây sinh sống và dưỡng bệnh.

Không chỉ giúp đỡ bạn cùng phòng, bản thân đang mang bệnh, thậm chí vẫn chịu di chứng của tai nạn cách đây 25 năm nhưng ông Hoan vẫn nhiệt tình giúp đỡ mọi người.

Tình bạn ở viện dưỡng lão: Chơi thân 30 năm, đến lúc già vẫn là bạn chung phòng - Ảnh 8.

Ông Hoan vẫn chịu di chứng của vụ tai nạn cách đây 25 năm

Ông Hoan kể, ở phòng bên cạnh có một bác thợ hàn, do trước kia hàn không đeo kính nên bây giờ mắt kém. Có một lần ở bữa ăn, bác ấy nhìn ghế không rõ nên ngồi rầm xuống đất. "Nhìn thấy những người xung quanh bị đau, tôi không cầm được lòng. Vì vậy, mỗi bữa ăn tôi đều đến phòng dìu họ ra bàn ăn", ông Hoan nói.

Tình bạn ở viện dưỡng lão: Chơi thân 30 năm, đến lúc già vẫn là bạn chung phòng - Ảnh 9.

Ông Hoan giúp đỡ những người sức khoẻ yếu hơn mình

"Tôi thấy rất vui khi được giúp đỡ mọi người. Có lần, tôi nhỏ mắt cho bà cụ ở phòng bên, được cụ ấy cảm ơn rối rít, tôi đáp lại 'không, cụ khỏi là con mừng rồi", ông Hoan nói thêm.

Cuộc sống là vậy, giữa những bộn bề lo toan chúng ta lại gặp những người bạn thấu hiểu và quan tâm đến mình. Ở trung tâm đã hơn 6 tháng, dù cuộc sống vui vẻ, có thêm nhiều người bạn nhưng ông Hoan tâm sự cũng rất nhớ nhà. Bản thân ông hy vọng, bệnh tình sẽ mau khỏi để nhanh chóng về quê gặp lại người thân trong gia đình.

Tình Bạn Vạn Người Mê - chiến dịch được phát động với các tuyến nội dung và chuỗi hoạt động tương tác trên đa nền tảng, sẽ cùng bạn "khoe khoang" những khoảnh khắc; trải lòng, ôn lại kỷ niệm xưa hay kể thật nhiều về tình bạn mà mình đang có.

Vì tình bạn thật đẹp và tôi rất trân trọng những người bạn xung quanh, những mối quan hệ mà tôi có, cùng tham gia Tình Bạn Vạn Người Mê và đừng quên hashtag #tinhbanvannguoime để chúng ta có thể tìm thấy nhau, bạn nhé!

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM

Có một nơi chốn lưu giữ hàng triệu nụ cười Việt Nam!

Nụ cười giòn tan bên bạn bè, nụ cười e ấp của buổi hẹn hò đầu tiên, ánh mắt lấp lánh của đứa trẻ được mẹ đưa đi khu vui chơi hay nụ cười đoàn viên của các gia đình bên nhau - Bao nhiêu ký ức rực rỡ của chúng ta đã được lưu giữ trọn vẹn ở Vincom suốt 20 năm qua...