Phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam (VBS 2020) với nhan đề "Làn sóng chuyển hướng đầu tư của các tập đoàn quốc tế và chiến lược thu hút FDI của Việt Nam", ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư Nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), cho biết ông không thích dùng từ "chuyển dịch sang Việt Nam".
"Dưới góc nghiên cứu của chúng tôi, Trung Quốc vẫn là một thị trường rất tốt", ông Hoàng cho biết và đưa ra 2 "đính chính" về câu chuyện đầu tư vào Việt Nam.
Thứ nhất, đây không phải câu chuyện dịch chuyển đầu tư, mà là tái cơ cấu đầu tư và đa dạng đầu tư, khi Trung Quốc vẫn là thị trường rất hấp dẫn.
Thứ hai, làn sóng đầu tư vào Việt Nam vốn đã diễn ra vài năm trước, với những chiến lược vốn rất "quen tai" như Trung Quốc 1 và Thái Lan 1. Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và gần đây là Covid-19 đã đẩy mạnh việc tái cơ cấu, đa dạng hóa đầu tư diễn ra mạnh mẽ hơn. Và Việt Nam là một trong những thị trường được nhà đầu tư quan tâm, chứ nhà đầu tư không chỉ quan tâm mình Việt Nam.
"Bên cạnh Việt Nam, Indonesia và Ấn Độ cũng là những thị trường rất tốt", ông Hoàng nói.
Liên quan đến việc đón dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Việt Nam, hồi tháng 6/2020, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định 850 thành lập tổ công tác đặc biệt nhằm thúc đẩy hợp tác đầu tư nước ngoài.
Tổ công tác đặc biệt này được giới chuyên gia gọi dân dã là "tổ công tác đón đại bàng", do Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh làm tổ trưởng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng làm tổ phó, và 12 Thứ trưởng các bộ ngành là thành viên.
"Tổ công tác đã làm việc rất tích cực, tiếp cận với các nhà đầu tư, tiếp xúc song phương rất nhiều tập đoàn. Đến giờ, có nhiều cam kết chục tỷ đô la Mỹ", Cục trưởng Cục Đầu tư Nước ngoài chia sẻ tin vui, nhưng cho biết không thể nêu thông tin cụ thể vì các tập đoàn đề nghị giữ bí mật.
Trước những cơ hội đầu tư, Việt Nam đang "dọn ổ" đón đại bàng thế nào?
Ông Hoàng cho biết, tổ công tác đã nghiên cứu xem xét nhà đầu tư đến với Việt Nam trước mắt cần những gì, và vạch ra 5 yếu tố chính để hút dòng vốn đầu tư mới.
1 - Đất khu công nghiệp
Hiện Việt Nam đang rà soát lại đất đai ở các địa phương để bổ sung đất cho công nghiệp.
2 - Đào tạo nguồn nhân lực
Chúng ta đã có chương trình hành động về đào tạo nguồn nhân lực, ở 2 cấp độ: Cấp độ quản lý, và cấp độ đào tạo Người lao động có tay nghề cao.
Về vấn đề đào tạo lao động có tay nghề cao, hiện Việt Nam đào tạo 2,2 triệu lao động có tay nghề. Cả nước có 1.900 các trường đào tạo, trong 800 ngành đào tạo thì có 100 ngành trọng điểm, có 45 trường đào tạo cấp độ cao.
"Chúng tôi đề nghị đẩy nhanh đào tạo lao động có tay nghề bằng nhiều hình thức khác nhau, trong đó, đào tạo theo đơn đặt hàng của các doanh nghiệp là rất quan trọng", ông Hoàng nói.
3 - Năng lượng
"Trong danh mục của chúng tôi, hiện có nhiều chục tỷ USD các nhà đầu tư đang mong chờ đầu tư vào lĩnh vực này", ông Hoàng cho biết.
Ông Đỗ Nhất Hoàng - Cục trưởng Cục Đầu tư Nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư). Ảnh: DDDN.
4 - Công nghiệp phụ trợ
Tháng 8/2020, Thủ tướng đã ban hành nghị quyết đẩy nhanh phát triển công nghiệp phụ trợ, các bộ ngành mà đầu mối là Bộ Công thương cũng đang đẩy nhanh việc hỗ trợ, mà bản thân các doanh nghiệp cũng đang tự vươn lên.
Cục trưởng Cục Đầu tư Nước ngoài lấy ví dụ về ông lớn Hàn Quốc Samsung. Khi đến Việt Nam, Samsung mang theo hơn 70 công ty cung cấp phụ trợ, đến hôm nay, đã có gần 40 vendor cấp 1 của Samsung là của Việt Nam.
"Samsung đang cam kết sẽ nâng số lượng vendor cấp 1 là doanh nghiệp Việt lên 50", ông Hoàng chia sẻ.
5 - Hỗ trợ bằng khung luật pháp, chính sách ưu đãi
Vừa rồi, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật Đầu tư sửa đổi, trong đó, sửa đổi rất nhiều thủ tục đầu tư theo hướng đơn giản hơn.
Với các ưu đãi về thuế, hiện Việt Nam miễn thuế 4 năm, giảm 50% trong 9 năm tiếp theo, nhưng với Luật Đầu tư sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1/1/2021, Viêt Nam sẽ miến thuế tối đa tới 6 năm, giảm thuế tối đa 50% trong 13 năm.
Các đối tượng hưởng ưu đãi sẽ là các dự án có tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội, dự án có quy mô lớn hơn 30.000 tỷ đồng, các trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm R&D, các dự án công nghệ cao…
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cho biết Hội nghị VBS là sáng kiến của Việt Nam trong năm APEC 2017. Từ đó đến nay, hội nghị luôn là sự kiện được cộng đồng các nhà đầu tư mong đợi nhất trong năm. Với khẩu hiệu "Viet Nam, We mean Bussiness" – "Việt Nam: Đối tác kinh doanh tin cậy". Hội nghị đã khẳng định niềm tin của các nhà đầu tư đối với thị trường Việt Nam."
Phát biểu tại hội nghị, Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình nhấn mạnh: "Để thúc đẩy phát triển kinh tế, Chính phủ Việt Nam chủ trương nỗ lực xây dựng một Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt, phục vụ người dân; tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi. Thúc đẩy nền kinh tế số, xã hội số; hướng tới phát triển bền vững. Chính phủ sẽ hỗ trợ hạ tầng kĩ thuật số, công nghệ thông tin và truyền thông đào tạo nhân lực chất lượng cao, giàu kĩ năng nhằm đưa đóng góp của kinh tế số lên 20% GDP của cả nước vào năm 2025".
"Chính phủ cũng sẽ ưu tiên đầu tư và triển khai nhanh các dự án kết cấu hạ tầng, đặc biệt là kết cấu hạ tầng chiến lược, hạ tầng xương sống số về cả 3 phương diện số lượng, chất lượng và tính đồng bộ hướng đến mục tiêu trở thành nền kinh tế có thu nhập cao, nền kinh tế xanh và bền vững".