Khó khăn bủa vây ngành gỗ nội địa
Xuất khẩu gỗ khó hoàn thành mục tiêu 16,5 tỷ USD cho năm 2022 bởi chỉ tính riêng tiêu thụ tại thị trường Mỹ, vốn chiếm đến 60,8% tổng giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ Việt, đến nay đã giảm 3,9% so với cùng kỳ năm 2021. Có tính kết nối cao, và nhạy cảm với những bất ổn vĩ mô, thị trường Mỹ & EU đang đối mặt với lạm phát, người dân có xu hướng thắt chặt chi tiêu, cắt giảm tiêu dùng cho các mặt hàng không thiết yếu khiến nhu cầu nhập khẩu gỗ - nội thất giảm, tác động trực tiếp đến chuỗi cung ứng từ Việt Nam và các nước Đông Nam Á. Ở chiều ngược lại, nhu cầu nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tại châu Á dù chiếm tỷ trọng không cao nhưng có xu hướng tăng báo hiệu là thị trường giàu tiềm năng cho các doanh nghiệp sản xuất - xuất khẩu gỗ trong nước.
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang đối mặt với nhiều bất định, hậu quả đứt gãy chuỗi cung ứng do đại dịch covid chưa được khắc phục xong, thì cuộc xung đột quân sự Nga - Ukraine đẩy giá xăng dầu, nhu yếu phẩm tăng cao, ảnh hưởng đến chi phí logistic, cơ cấu giá nguyên vật liệu đầu vào cho các ngành sản xuất. 71% doanh nghiệp ngành gỗ bị sụt giảm đơn hàng xuất khẩu do cầu kém và hàng hóa tồn đọng tại các trung tâm phân phối ở Mỹ, Châu Âu là số liệu được các chuyên gia công bố tại Hội nghị giao ban ngành gỗ quý 3/2022. Khảo sát của Hiệp hội gỗ và Forest Trends cho thấy, 33/45 doanh nghiệp xuất khẩu sang Mỹ đã sụt giảm doanh thu trung bình 39,6% trong quý 2/2022, chỉ 10 doanh nghiệp có doanh thu tăng nhưng chỉ quanh ngưỡng 11%.
Thống kê của Tổng cục Hải quan cho biết, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong tháng 9/2022 là 1,11 tỷ USD, giảm 21% so với tháng 8-2022. Còn theo Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM (Hawa) kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam trong 8 tháng của năm 2022 đạt 11,156 tỉ USD, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2021, đây là mức tăng thấp so với nhiều năm tăng trưởng liên tục 2 con số. Dù đến cuối Q3-2022, thị trường Mỹ đã có dấu hiệu ấm lại, nhưng cuộc chiến Ukraine và lãi suất cao từ FED đã kiến tỷ giá USD-VNĐ tăng gây khó khăn cho các doanh nghiệp phải nhập khẩu nguyên liệu bằng USD nhưng không tăng được giá bán do cầu ở thị trường tiêu thụ vẫn đang thấp.
Biến nguy thành cơ, doanh nghiệp tìm đường tăng tốc
Trong số những doanh nghiệp tiêu biểu ngành gỗ, Công ty cổ phần Tập đoàn Kỹ nghệ gỗ Trường Thành (Mã chứng khoán: TTF) được biết đến là nhà sản xuất chuyên thiết kế, cung cấp, lắp đặt, thi công nội - ngoại thất có mạng lưới khách hàng ở cả thị trường nội địa và quốc tế. Vừa là nhà cung ứng nội thất lớn cho các doanh nghiệp địa ốc trong nước, TTF vừa xuất khẩu sản phẩm sang những thị trường nổi tiếng khó tính như Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản, EU, Úc... với các thương hiệu Crate & Barrel, Carreza, Natuzzi, Williams Sonoma, Four Hands, Article, TJX...
Đứng trước những thách thức liên tục xuất hiện trên thị trường quốc tế và sự trầm lắng của thị trường bất động sản trong nước, TTF đã cho thấy sự linh hoạt trong việc thích nghi với bối cảnh kinh doanh mới, tìm ra ngách thị trường và hướng đi riêng để giữ đà tăng trưởng. Trong BCTC hợp nhất quý 3/2022, doanh nghiệp này đã thu về 357 tỷ đồng doanh thu thuần. Sau khi khấu trừ các loại chi phí, TTF báo lãi 2,7 tỷ đồng, tăng 67,4% so với cùng kỳ năm 2021.
Tính đến ngày 30/9/2022, TTF ghi nhận doanh thu lũy kế đạt 1.516 tỷ đồng, tăng trên 39% so với cùng kỳ năm 2021, riêng công ty mẹ tăng 43% so với cùng kỳ. Tổng tài sản đạt 3.051 tỷ đồng, tăng 7,5% so với đầu năm; Đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết tăng 410% lên 357,4 tỷ đồng, trong đó, đầu tư vào Công ty CP Tekcom 170,7 tỷ đồng; đầu tư vào Natuzzi Singapore Pte.Ltd 122,6 tỷ đồng; Công ty TNHH Trồng rừng Trường Thành OJI: 60 tỷ đồng và vào Công ty CP Viestones 4,2 tỷ đồng.
Đồng thời, dòng tiền từ hoạt động sản xuất kinh doanh TTF thặng dư 268 tỷ đồng, tăng 377% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, vốn chủ sở hữu tăng, lợi nhuận cải thiện là những điểm sáng thể hiện TTF đã xây dựng được các lợi thế cạnh tranh để tăng tốc cả về thị phần và hiệu quả hoạt động, chuẩn bị cho kế hoạch 5 năm 2022-2027.
Theo chia sẻ của đại diện TTF trong kỳ họp ĐHĐ Cổ đông thường niên, bên cạnh việc đẩy mạnh thị trường xuất khẩu, doanh nghiệp đã ký kết hợp tác chiến lược với nhiều tập đoàn bất động sản lớn trong nước như Vingroup, Sungroup, Đất Xanh, Novaland, Hưng Thịnh... để phân phối các sản phẩm nội thất đến trực tiếp dự án, tạo lợi thế về giá và tiện nghi cho người mua sản phẩm BĐS. Việc trúng thầu các dự án Delasol (Capital Land), Celadon city (Gamuda Land) cũng đánh dấu việc nâng cao năng lực thiết kế, sản xuất, thi công phục vụ được các khách hàng có tiêu chuẩn phát triển BĐS quốc tế đến từ Singapore và Malaysia.
Tình hình kinh tế vĩ mô còn tiềm ẩn nhiều bất định, khó khăn liên tục xuất hiện khi Việt Nam hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, điểm sáng là GDP chung của Việt Nam nằm trong nhóm các quốc gia tăng trưởng cao nhất Đông Nam Á và các doanh nghiệp xuất khẩu Việt dù gặp nhiều khó khăn đã nhanh chóng tìm được đường thích nghi với bối cảnh mới, sáng tạo thêm những cách tiếp cận khách hàng, tối ưu hiệu quả vận hành góp phần đưa nền sản xuất Việt trở nên cạnh tranh hơn, đem được nhiều hơn các sản phẩm do người Việt tạo ra đến tay người tiêu dùng toàn cầu.