Tiết xuân phân sắp đến: Làm 6 món ăn bồi bổ lá lách và dạ dày, giúp gia đình bạn khỏi bị bệnh

Huệ Lan - Ảnh: Sohu | 17-03-2024 - 16:00 PM

(Tổ Quốc) - Nên ăn món gì vào dịp xuân phân? Đây là 6 món từ các loại rau tươi ngon, bổ dưỡng mà bạn có thể chế biến thành các món ăn trong bữa cơm để cải thiện sức khỏe gia đình mình.

Xuân phân đang đến gần (20/3), ngày và đêm sẽ dài gần bằng nhau. Cách để giữ gìn sức khỏe tốt là duy trì sự hài hòa của âm dương. Chế độ ăn uống nên dựa vào các loại rau theo mùa, để đảm bảo hiệu quả tăng cường sức khỏe gấp đôi mà công sức bỏ ra không quá nhiều. Những loại rau này rất giàu vitamin và nguyên tố vi lượng, có thể bù đắp lượng dinh dưỡng thiếu hụt trong mùa đông vừa qua một cách hiệu quả. Nên ăn rau gì vào dịp xuân phân? Sau đây là 6 loại rau tươi ngon, bổ dưỡng mà bạn có thể chế biến thành các món ăn trong bữa cơm để cải thiện sức khỏe gia đình mình.

1. Ngồng rau diếp (Ngồng rau diếp xào mộc nhĩ, trứng và tôm)

Ngồng rau diếp có chứa nhiều chất nhầy và chất xơ - những hợp chất không tan trong nước nhưng rất tốt cho sức khỏe hệ tiêu hóa của con người. Nó giúp gia tăng nhu động ruột, kích thích hệ bài tiết và hỗ trợ gan hoạt động mạnh mẽ hơn.

Cách làm ngồng rau diếp xào mộc nhĩ, trứng và tôm

Chọn rau diếp tươi, trứng và nấm, chuẩn bị một lượng dầu hào, rượu Huadiao, hạt tiêu và muối thích hợp. Đầu tiên, ngồng rau diếp thơm bạn tước bỏ lớp vỏ sau đó rửa sạch, cắt thành từng lát. Mộc nhĩ ngâm nước cho nở mềm rồi rửa sạch sau đó xé thành từng miếng nhỏ. Đun sôi nước, thả mộc nhĩ vào luộc rồi để riêng. Tiếp theo, tôm tươi bóc vỏ, bỏ đầu và đuôi rồi ướp với gia vị một lúc. Đánh trứng với chút xíu muối và nước rồi xào nhanh trong dầu nóng cho đến khi trứng tạo thành các miếng rời. Sau đó, cho dầu vào chảo đun nóng rồi phi thơm tỏi băm rồi cho tôm và ngồng rau diếp cắt lát vào xào. Sau khi xà lách đổi màu, cho mộc nhĩ đã luộc vào, thêm dầu hào và muối cho vừa ăn. Cuối cùng cho trứng vào xào đều trong 1 phút là có thể tắt bếp, cho ra đĩa và thưởng thức.

Tiết xuân phân sắp đến: Làm 6 món ăn bồi bổ lá lách và dạ dày, giúp gia đình bạn khỏi bị bệnh - Ảnh 1.

2. Cần tây (cần tây xào trứng và thịt băm)

Cần tây là loại thực phẩm có tác dụng làm dịu gan, thanh nhiệt. Cần tây góp phần cải thiện chức năng gan bằng cách tăng sản xuất enzyme. Ngoài ra, các nghiên cứu cho thấy, cần tây giúp giảm tích tụ chất béo trong gan. Các chất dinh dưỡng trong cần tây giúp gan sản xuất các enzym giúp đào thải chất béo và độc tố ra ngoài. Do đó nếu đều đặn tiêu thụ lượng cần tây cần thiết, sẽ giúp dưỡng gan, tốt cho sức khỏe.

Cách làm món cần tây xào trứng và thịt băm

Đầu tiên, rửa sạch và cắt nhỏ cần tây. Thịt băm nhỏ cho vào tô, thêm hạt tiêu và muối, trộn đều rồi ướp trong khoảng 10-15 phút. Tiếp theo, cho dầu vào chảo nóng, đánh trứng tan rồi cho vào chảo, xào nhanh cho đến khi trứng đến vón cục thì lấy ra để riêng. Sau đó, đun nóng thêm chút dầu, cho thịt băm vào xào đến khi chuyển sang màu trắng. Tiếp đó bạn cho thêm cần tây đã thái, nước tương và nước tương đen vào xào đều rồi thêm một ít nước để ngấm hết hương vị của cần tây. Cuối cùng cho trứng chiên vào, thêm muối và bột nêm vị gà cho vừa ăn, đảo đều trong khoảng 1 phút rồi tắt bếp. Cho cần tây xào trứng và thịt băm ra đĩa rồi dùng.

Tiết xuân phân sắp đến: Làm 6 món ăn bồi bổ lá lách và dạ dày, giúp gia đình bạn khỏi bị bệnh - Ảnh 2.

3. Cải ngọt (rau cải ngọt sốt tỏi xì dầu)

Rau cải xanh có khả năng tăng cường sức đề kháng cho cơ thể nhờ rất giàu các loại vitamin, đặc biệt là vitamin C - một trong những nguyên nhân khiến người ăn rau cải xanh được tăng cường hệ miễn dịch; vitamin A dồi dào giúp cơ thể chống viêm nhiễm khỏi vi khuẩn gây hại. 

Cách làm món rau cải ngọt sốt tỏi xì dầu

Đầu tiên, rau cải bạn nhặt bỏ các lá hỏng, cuống già rồi đem rửa sạch. Sau đó ngâm rau cải ngọt trong nước muối khoảng 15 phút rồi vớt ra. Đặt nồi nước lên bếp, đun sôi rồi chần rau cải ngọt trong khoảng 3-5 phút, vớt ra, để ráo nước. Tiếp theo đến công đoạn trộn nước sốt, bạn cho dầu hào, xì dầu, đường, tinh bột bắp và nước vào tô rồi khuấy đều. Tỏi bạn bóc vỏ, đập dập rồi băm nhỏ. Sau đó đặt chảo lên bếp đun nóng rồi cho dầu ăn, thêm tỏi rồi phi cho dậy mùi thơm. Tiếp đó bạn đổ nước sốt đã chuẩn bị vào, đun trên lửa lớn cho đến khi sánh đặc lại. Bạn xếp rau cải ngọt ra đĩa, rưới đều nước sốt tỏi xì dầu nóng lên và thưởng thức.

Tiết xuân phân sắp đến: Làm 6 món ăn bồi bổ lá lách và dạ dày, giúp gia đình bạn khỏi bị bệnh - Ảnh 3.

4. Măng tây (Măng tây, nấm rơm xào cánh gà)

Măng tây cung cấp nhiều vitamin (A và C...) và dưỡng chất quan trọng (canxi, sắt, magie,...) cho sức khỏe của cơ thể con người, giúp hỗ trợ hệ tiêu hóa, cung cấp năng lượng, bảo vệ sức khỏe xương, da và hệ miễn dịch. Góp phần tăng cường khả năng đề kháng của cơ thể trước các bệnh truyền nhiễm và tham gia vào quá trình tái tạo tế bào. Măng tây cũng là loại thực phẩm giàu chất chống oxy hóa, đặc biệt là loại măng tây màu tím, chứa các hợp chất màu gọi là anthocyanin, có tác dụng chống oxy hóa, giúp cơ thể chống lại các gốc tự do có hại.

Cách làm món măng tây, nấm rơm xào cánh gà

Cánh gà nếu bạn thích ăn phần có xương thì có thể chọn khúc giữa cánh, sau khi sơ chế sạch thì chặt khúc vừa ăn. Hoặc bạn có thể chọn phần âu cánh nhiều thịt, sau khi sơ chế sạch, lọc xương ra thì cắt miếng nhỏ. Ướp phần cánh gà với nước tương và 1 thìa canh rượu nấu trong 30 phút để tăng thêm hương vị. Tiếp theo, sơ chế măng tây và nấm rơm. Cắt măng tây thành từng đoạn, rửa sạch rồi cắt nấm rơm làm đôi. Sau đó, bạn đặt nồi nước có thêm chút muối lên bếp, đun sôi thì cho chút dầu ăn vào, chần măng tây và nấm rơm trong khoảng 2 phút rồi để sang một bên. Tiếp theo, làm nóng chảo rồi cho dầu ăn vào, đổ thịt gà đã ướp vào xào đến khi thịt chuyển sang màu trắng và mềm. Cuối cùng cho nấm rơm và măng tây đã chần vào, nêm nếm thêm dầu hào, muối và bột nêm vị gà vào cho vừa ăn. Xào đều các nguyên liệu trong khoảng 2 phút thì cho ra đĩa và thưởng thức.

Tiết xuân phân sắp đến: Làm 6 món ăn bồi bổ lá lách và dạ dày, giúp gia đình bạn khỏi bị bệnh - Ảnh 4.

5. Rau dền (cơm nắm rau dền)

Rau dền rất giàu vitamin, protein và chất xơ, hàm lượng chất béo thấp, người bệnh thiếu máu ăn rau dền rất tốt. Màu đỏ của rau dền chứa hàm lượng sắt cao gấp 6 lần rau bina. Rau dền cung cấp một lượng lớn canxi. Việc bổ sung loại rau này thường xuyên giúp xương, răng và móng của bạn chắc khỏe hơn, giảm thiểu nguy cơ loãng xương và gãy xương ở người cao tuổi. Rau dền chứa lượng lớn các chất chống oxy hóa như vitamin C, vitamin B3 giúp chống viêm, ngăn ngừa nguy cơ nhiễm trùng do các vi sinh vật từ môi trường xâm nhập vào vết thương.

Cách làm món cơm rau dền

Đầu tiên, bạn chọn lá rau dền tươi, rửa sạch rồi ngâm trong nước muối loãng để loại bỏ tạp chất. Sau đó cắt rau dền và đặt sang một bên. Đun nóng dầu trong chảo, cho tỏi vào xào thơm rồi cho rau dền vào xào cho đến khi nước màu đỏ tươi nổi lên. Sau đó, thêm dầu hào và muối cho vừa ăn rồi xào đều. Lúc này, bạn đổ cơm đã nấu chín vào nồi, dùng thìa đập nhẹ rồi xào sao cho cơm được phủ đều nước rau dền sáng. Sau khi cơm nguội một chút, đeo găng tay vào và vo tròn cơm để làm cơm nắm rau dền.

Tiết xuân phân sắp đến: Làm 6 món ăn bồi bổ lá lách và dạ dày, giúp gia đình bạn khỏi bị bệnh - Ảnh 5.

6. Rau diếp thơm (rau diếp thơm trộn sốt mè)

Rau diếp thơm là rất giàu canxi (100g rau diếp thơm có hàm lượng canxi lên đến 70 miligam). Ngoài ra, loại rau này còn giúp bổ sung nhiều vitamin cần thiết cho cơ thể như: Vitamin A, vitamin B1, vitamin B2,... nên có thể tăng cường sức khỏe của hệ miễn dịch. Không chỉ giàu vitamin, rau diếp thơm còn có chứa một nguồn khoáng chất phong phú như: Canxi, sắt, magie, kali, mangan, đồng, protein, beta-caroten,... Trong rau diếp thơm có chất zeaxanthin, là hợp chất có đặc tính chống oxy hóa cao, bảo vệ thị lực khỏi sự lão hóa của tuổi tác, làm giảm nguy cơ thoái hóa điểm vàng cũng như bệnh đục thủy tinh thể.

Cách làm món rau diếp thơm trộn sốt mè

Đầu tiên, rau diếp thơm mua về cắt thành từng đoạn sau đó rửa sạch. Đặt một nồi nước lên bếp có cho chút muối, đun sôi rồi thêm chút dầu ăn vào và chần rau diếp cho đến khi có màu xanh ngọc lục bảo. Vớt rau diếp ra, để nguội và ráo nước thì xếp ngay ngắn ra đĩa. Tiếp theo, chuẩn bị nước sốt mè bằng cách trộn mè rang xay với nước tương, giấm balsamic, đường và dầu mè. Sau đó cho tỏi băm đã phi thơm vào, thêm chút nước ấm rồi khuấy đều để sốt đạt được độ sánh sệt. Hoặc để tiết kiệm thời gian, bạn cũng có thể dùng loại sốt mè đóng chai có sẵn trên thị trường. Cuối cùng, rưới sốt mè lên trên rau diếp, rắc thêm mè trắng lên và thưởng thưởng thức.

Tiết xuân phân sắp đến: Làm 6 món ăn bồi bổ lá lách và dạ dày, giúp gia đình bạn khỏi bị bệnh - Ảnh 6.

Chúc các bạn thành công và ngon miệng!

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM