(1)
Hai năm trước, sau khi tốt nghiệp, Thanh Hải xin vào làm ở một doanh nghiệp nước ngoài. Bởi vì là người mới, anh ấy được phân cho làm những công việc vặt vãnh.
Sau vài tháng, Thanh Hải dần cảm thấy mất kiên nhẫn. Anh bức xúc khi cảm thấy bản thân có thể chịu khổ mà làm việc tận tụy hơn nhiều người, nhưng tại sao lại không được lãnh đạo nào đoái hoài tới? Đến một ngày, anh quyết định trao đổi trực tiếp với lãnh đạo. Trái với mong muốn của anh, lãnh đạo cử anh đi trông giữ nhà kho.
Công ty mà Thanh Hải làm việc là nhà cung cấp cho đơn vị trước đây của tôi. Có một lần chúng tôi kết hợp để tổ chức sự kiện. Thanh Hải thừa dịp chạy qua kể khổ với tôi. Tôi hỏi: "Vậy anh cảm thấy bản thân nên làm công việc gì?"
Thanh Hải trả lời;"Ít nhất cũng phải là một công việc gì đó đòi hỏi trình độ kỹ thuật cao một chút. Tôi rất mong muốn có thể trau dồi kĩ năng của bản thân."
Tôi nói:"Anh phải làm công việc này đến mức tốt nhất, thì đổi công việc mới có ý nghĩa. Vậy anh cảm thấy bản thân mình đã làm đủ tốt chưa?"
Thanh Hải đáp:"Công việc giữ nhà kho như thế này, có đòi hỏi gì đâu mà khó. Đương nhiên tôi đã làm rất tốt rồi."
Tôi chỉnh lại anh:"Không, anh hoàn toàn chưa làm tốt. Ở lần tổ chức hoạt động này cần phải lấy và sắp xếp hàng hóa. Tôi phát hiện mặt hàng A tuy số lượng khá ít, các anh đặt cách cửa rất gần. Còn mặt hàng B có số lượng khá nhiều, các anh lại để ở chỗ khá xa. Hơn nữa, người nhận mặt hàng B lại nhiều hơn người nhận mặt hàng A. Anh cảm thấy sắp xếp như vậy có hợp lý không?"
Hải chống chế:"Nhưng, lúc người giao hàng giao đến đã đặt như vậy rồi!"
Tôi nói:"Người giao hàng có thể không biết, nhưng anh là người phụ trách quản lý nhà kho, anh phải biết nên sắp xếp thế nào để tối ưu hiệu quả! Các anh có tổng cộng 7 người, 4 người chịu trách nhiệm nhận hàng, 3 người chịu trách nhiệm trông coi. Trong khi người nhận hàng lúc nào cũng bận bịu, người trông coi lại thường xuyên được rảnh rỗi. Anh cảm thấy như vậy có hợp lý không?"
Hải ấm ức: "Đây là do lãnh đạo tôi sắp xếp, tôi không can thiệp được". Tôi không nhịn được cười:"Lãnh đạo sắp xếp cho anh đảm nhiệm khoản này, đúng lý anh phải có trách nhiệm sắp xếp ổn thỏa cho từng người, vậy mà anh lại chỉ biết mỗi việc của mình. Anh thật sự cảm thấy bản thân làm rất tốt rồi sao?"
(2)
Khoảng bảy tám năm trước, tôi làm việc trong giới truyền thông. Bộ phận tôi đảm nhiệm tiếp nhận một thực tập sinh trong kỳ hạn 3 tháng. Em ấy là sinh viên thuộc khoa chuyên ngành tin tức của trường đại học nổi tiếng. Chỉ sau một tháng, em ấy đến tìm tôi nói muốn kết thúc đợt thực tập. Tôi hỏi tại sao, em ấy cũng không ngần ngại nói thẳng:"Em muốn làm một nhà báo giỏi, nhưng em cảm thấy mình không học hỏi được điều gì ở nơi đây."
Nghe câu trả lời của em, tôi vô cùng bất ngờ. Công việc hiện tại em ấy làm nhiều nhất chính là sắp xếp các điểm tin nóng hổi để chuyển cho biên tập viên. Biên tập viên tiếp nhận những thông tin này và lọc ra những đề mục có thể viết. Đây là công việc nhất định phải làm của mỗi sinh viên chuyên ngành tin tức vừa mới bắt đầu công việc.
Em ấy tiếp tục khóc và nói:"Một tháng này, em cảm thấy bản thân mỗi ngày đều rất chăm chỉ, sắp xếp được rất nhiều điểm tin hay. Nhưng mọi nỗ lực của em cuối cùng luôn bị biên tập viên từ chối, trong lòng em hiện giờ cảm thấy vô cùng chán nản."
Tôi cầm cuốn sổ ghi chép công việc của em ấy xem thử. Trong tháng này, em ấy mỗi ngày đều thu thập được hơn 20 điểm tin, kết quả được biên tập viên lựa chọn khoảng 4,5 cái.
Tôi hỏi em:"Lúc biên tập viên từ chối điểm tin của em, em có hỏi nguyên nhân vì sao không?" Em ấy hơi sững sờ nói: "Không ạ". Tôi khuyên nhủ:"Em là người mới, kinh nghiệm trình độ không có là chuyện rất bình thường. Chính vì như vậy, em cần học nhiều hỏi nhiều, mới có thể tránh được việc bị chối bỏ thêm nữa."
"Những điểm tin mà em thu thập có chút vấn đề." Tôi lật cuốn sổ ghi chép của:"Em có biết độc giả của chúng ta chủ yếu tập trung ở độ tuổi nào không. Em đã tìm hiểu họ làm công việc gì, học lực và mức độ thu nhập của bọn họ như thế nào, sở thích và hứng thú của bọn họ là gì chưa?"
Em lắc đầu.
Tôi tiếp tục:"Ngay cả báo của chúng ta viết cho ai xem em cũng không nắm vững, vậy sao em lại ngạc nhiên khi những điểm tin của em bị chối bỏ? Công việc của biên tập viên rất bận, họ sẽ không thể cầm tay chỉ việc cho em. Lần sau gặp việc gì mà bản thân mình không hiểu rõ, hy vọng em có thể hỏi thẳng. Chỉ khi ấy họ mới giúp được em."
(3)
Lúc tôi vừa mới bắt đầu đi làm, trong suốt một năm ròng đều làm những công việc vô cùng vặt vãnh như thu thập thông tin, sắp xếp tài liệu. Những cộng sự thực tập làm chung chưa được bao lâu thì đã lựa chọn bỏ việc, để mình tôi ở lại. Có người hỏi tôi làm những việc nhàm chán như thế không cảm thấy lãng phí tuổi thanh xuân sao? Tôi trả lời không, bởi vì trong những việc như thế còn có rất nhiều điều bản thân còn chưa biết hết.
Tuần đầu tiên đi làm, biên tập viên vừa nhìn thấy tiêu đề của tôi liền cười:"Tiêu đề nghiêm túc và cứng nhắc như vậy, liệu độc giả sẽ thích xem sao?"
Lần đầu tiên đi săn tin, bản thảo bị lãnh đạo trả về không biết bao nhiêu lần. Tôi hỏi chị ấy tại sao, chị ấy nói:"Đây là viết cho bản thân xem, không phải viết cho độc giả của chúng ta xem."
Lần đầu tiên tham gia hoạt động có quy mô lớn, tôi viết một bản thảo với một bầu nhiệt huyết sục sôi, lại bị tiền bối phê bình:"Tính chủ quan quá nhiều, sự bình tĩnh của em và tính khách quan ở đâu?"
Sự thăng tiến trong sự nghiệp chẳng qua chỉ là vòng tuần hoàn của việc phát hiện vấn đề, giải quyết vấn đề, nâng cao trình độ, sau đó lại phát hiện, rồi giải quyết, rồi lại nâng cao.
Có một lần, sau khi bị lãnh đạo phê bình, tôi vô cùng nghiêm túc nói:"Lãnh đạo, chị luôn phê bình chúng tôi, chị không sợ làm tinh thần cống hiến của chúng tôi thuyên giảm hay sao?" Câu trả lời của cô ấy làm cho tôi vẫn còn nhớ đến ngày hôm nay:"Nếu như em làm đủ tốt, tự nhiên tôi sẽ không phê bình em nữa. Ngoài ra, tôi cần phải nhấn mạnh rằng phê bình em không có nghĩa là tôi chối bỏ năng lực của em. Mà cứ cho là tôi chối bỏ, sự chối bỏ của riêng cá nhân tôi đối với em cũng không đáng sợ bằng sự chối bỏ của xã hội bên ngoài!"
Ai cũng đều biết nỗ lực làm việc, nhưng rất ít người chịu khó quan sát, để ý kỹ. Họ hoàn toàn không làm công việc đó bằng 100% năng lực của mình, mà chỉ làm việc đó lập lại 100 lần nhàm chán. Họ chẳng bao giờ tổng kết sự khác biệt giữa 100 lần này. Không những như vậy, khi gặp phải một chút thất bại hoặc nhận những chất vấn đến từ bên ngoài, họ có xu hướng lựa chọn từ bỏ.
Kinh nghiệm nhiều năm làm việc trong ngành báo chí đã dạy tôi hai điều. Thứ nhất, chú ý từng chi tiết. Thứ hai, từ trong chi tiết đó tìm ra điểm mấu chốt. Điều thứ nhất sẽ làm cho bạn nhạy bén hơn, suy nghĩ chu toàn hơn. Điều thứ hai lại có thể làm cho bạn phát triển bản thân cả về chất và lượng.
Đừng ngại những công việc nhàm chán, bởi luôn có những bí mật thú vị ẩn chứa bên trong sẽ giúp bạn trưởng thành và trở nên nổi bật hơn.