Bí quyết chi tiêu đằng sau khoản tiết kiệm 300 triệu đồng
Hồng Diễm (25 tuổi, TP. Hồ Chí Minh) đang làm việc trong lĩnh vực truyền thông. Mỗi tháng, cô nàng dành 15 - 17 triệu đồng cho chi phí sinh hoạt. Số tiền còn lại trong thu nhập được Hồng Diễm trích vào khoản đầu tư, tiết kiệm và nâng cao kiến thức.
Sau thời gian nỗ lực làm việc và quản lý tài chính, Hồng Diễm đã có khoản tiết kiệm khoảng 300 triệu đồng. Với số tiền để dành này, cô dự định sẽ mua miếng đất nhỏ trong thời gian tới. Từ đây đến cuối năm sau, Hồng Diễm tính bỏ tiền đầu tư vào chứng khoán và vàng, đồng thời kiếm job ngoài để có khoản tiết kiệm khoảng 700 triệu đồng.
Với Hồng Diễm, cô không ngại tiêu tiền cho những khoản bản thân đánh giá xứng đáng và có thể gia tăng thu nhập trong tương lai. Gần nhất, đó là khoản tiền dành cho tập gym, đi du lịch trải nghiệm và đăng ký các khoá học. Chỉ riêng tiền tập gym của Hồng Diễm đã lên đến 4 triệu đồng/tháng.
"Bởi từ những khoản chi đó, mình có thể kiếm thêm nhiều tiền hơn rất nhiều. Tư duy tài chính của mình là: 'Chi 1 đồng để kiếm được 2 đồng'. Tuy nhiên, điều này có lẽ phù hợp với người đã có mức thu nhập khá trở lên", cô chia sẻ.
Bên cạnh việc chi tiền, cô nàng cũng nỗ lực tiết kiệm để hoàn thành sớm các mục tiêu tài chính, cụ thể là:
- Không tụ tập ăn chơi nhiều. Vì cô cho rằng khoản tiền này không đem lại nhiều giá trị cho bản thân.
- Không làm tóc và làm nail. Theo Hồng Diễm, hiện cô gái đã có người yêu rồi nên không có nhu cầu chưng diện quá nhiều. Cô cũng nhận định, khoản đầu tư cho 2 nhu cầu này có thể gây lãng phí tiền bạc cho nhiều bạn nữ.
- Chỉ đi mua sắm khi cần thiết. Thêm vào đó, Hồng Diễm cũng hạn chế lướt các sàn thương mại điện tử hoặc shopping vào thời gian rảnh.
- Tận dụng một số nguồn lực của công ty để tiết kiệm tiền. Chẳng hạn, nếu tăng thời gian làm việc tại công ty thì Hồng Diễm có thể giảm tiền điện nước và chi phí mua đồ ăn vặt. Ngoài ra, hiện công ty của cô đang cung cấp đồ ăn và sữa nên Hồng Diễm cũng cố gắng tận dụng những đãi ngộ này để tiết kiệm.
- Có lương thì bỏ ngay vào tài khoản tiết kiệm. Nhờ đó, Hồng Diễm có thể giảm tình trạng "vung tay quá trán".
Tiết kiệm 5-7 triệu đồng/tháng nhờ "thức tỉnh" trong quản lý tài chính
Đó là câu chuyện của Hồng Ngọc (26 tuổi, TP. Hà Nội) đang làm việc trong lĩnh vực Tài chính Kế toán. Trước đây, do đi làm thêm từ thời sinh viên và nhanh chóng có nguồn thu nhập ổn định, cộng với tuổi đời còn trẻ nên Hồng Ngọc chưa có ý thức cao về quản lý tài chính.
"Trước đấy, mình không biết lý do vì sao mình phải bắt đầu kiểm soát tiền bạc hay theo dõi thu chi mỗi ngày. Bởi mình từng luôn cho rằng hành động đó là 'gò ép', làm vơi bớt niềm vui trong cuộc sống và bắt bản thân phải sống trong khuôn khổ do chính mình tạo ra", Ngọc chia sẻ.
Tuy nhiên, sau khi gặp một sự kiến đã khiến Ngọc phải thay đổi hoàn toàn tư duy quản lý dòng tiền ra vào, để bớt đi gánh nặng tiền bạc. Đó là khi cô nàng gặp kinh doanh thua lỗ, dẫn đến nợ nần.
Ngọc nhớ lại: "Từ đó, mình phải thắt chặt chi tiêu để gom tiền trả nợ. Thực ra thời gian đầu khi vướng vào nợ nần, mình cũng coi nhẹ việc tiết kiệm. Vì mình nghĩ 'thu nhập cũng ổn, bản thân vẫn đủ khả năng trả nợ'. Tuy nhiên, Covid-19 ập đến đã khiến mọi thứ xoay vòng. Do đó, mình bắt buộc phải kiểm soát chi tiêu để tích cóp tiền tối đa, đồng thời giảm thiểu các khoản vay".
Hiện tại, nguồn thu nhập của Hồng Ngọc đã ổn định. Tuy nhiên, cô nàng vẫn duy trì quản lý tài chính chặt chẽ như một thói quen tốt. So với thời chưa biết kiểm soát chi tiêu, giờ đây Ngọc có thể tiết kiệm 5-7 triệu đồng/tháng nhờ tuân theo một số nguyên tắc sau:
- Muốn mua đồ nào đắt tiền, cứ viết vào file kế hoạch đã
Ngọc cho hay, khi nhìn thấy hoặc bất chợt muốn mua món đồ nào, bản thân sẽ liệt kê vào file kế hoạch mua sắm. Điều này giúp cô cân nhắc kỹ hơn về quyết định "xuống tiền" và nếu thực sự cần mua, cô sẽ chờ đến dịp sale. Từ đó, Ngọc hạn chế được mua sắm đồ đạc linh tinh mà luôn làm theo kế hoạch đã đề ra. Cũng nhờ phương pháp này, có tháng Ngọc tiết kiệm được 1-2 triệu đồng tiền mua đồ gia dụng linh tinh.
- Tiền không thấy thì không tiêu
Điều đầu tiên Ngọc làm sau khi nhận lương là chuyển thẳng một phần vào tài khoản tiết kiệm hoặc đầu tư, thay vì nghĩ bản thân cần mua gì. Điều này giúp cô tránh chi tiêu quá lố vì luôn có sẵn tiền. Đồng thời, cô cũng hạn chế dùng tiền mặt và liên kết tài khoản hay thẻ ngân hàng với các ứng dụng mua sắm để giảm bớt sắm đồ thiếu kiểm soát.
- Giảm bớt khoản chi "love yourself":
Trước đây, mỗi tháng cô thường dành khoảng 400 ngàn đồng để làm nail 2 lần/tháng, 1,5 triệu đồng đi spa và làm tóc, chưa kể tiền mua nước hoa và túi xách… Sau khi cắt giảm các khoản này, Ngọc có thể tiết kiệm đến 2-3 triệu đồng/tháng.
Theo Ngọc, một số khoản tiền nghĩ là "yêu bản thân" nhưng thực chất lại đang bào mòn sức lao động của mình.
- Quy đổi giá thành món đồ muốn mua ra giờ làm việc
Để giảm "nghiện" mua sắm và săn sale, cô thường quy đổi giá trị món đồ muốn mua ra số giờ làm việc.
Ví dụ, nếu tính mua đôi giày trị giá 2 triệu đồng, cô sẽ quy chúng thành 6 giờ làm việc và tự hỏi bản thân: "Đôi giày có đáng để mình đổi lấy như vậy không?". Ngọc nhận định đây là cách giúp cô nàng tiết kiệm được nhiều nhất trong các hoạt động chi tiêu mua sắm.
- Lập tài khoản tiết kiệm
Trước đây, Ngọc từng nuôi heo đất và bỏ tiền tiết kiệm mỗi ngày. Tuy nhiên, cô nhanh chóng nhận ra phương pháp này chỉ nên áp dụng trong thời gian ngắn. Bởi tiền đem đi nuôi heo đất không thể sinh lời. Sau đó, cô quyết định gửi tiền vào tài khoản tiết kiệm tích lũy. Điều này giúp tiền của Ngọc không bị mất giá theo thời gian.
- Hạn chế lướt mạng xã hội
Theo Ngọc, nguyên nhân khiến tiền của nhiều người "bay màu" nhanh là vì dành phần lớn thời gian cho việc mua sắm online. Nếu bạn giảm bớt thời gian lướt mạng xã hội, cá nhân sẽ không bị "móc túi" bởi nội dung hút mắt.