Tiếp viên hàng không luôn được nhắc đến như 1 công việc hào nhoáng với thu nhập lý tưởng. Chúng ta đều đã quen với hình ảnh họ xinh đẹp, rạng rỡ và vô cùng chỉn chu trên máy bay.
Thế nhưng trong mùa dịch này, rất nhiều tiếp viên hàng không đã phải khoác lên mình một bộ quần áo mới, thực hiện những nhiệm vụ mới đầy gian lao. Trong bộ đồ bảo hộ màu xanh, họ cùng phi hành đoàn bay vào tâm dịch, bay đến những nơi xa xôi nhất để đưa đồng bào mình về nước. Để hoàn thành nhiệm vụ, họ phải trải qua những giờ bay đầy căng thẳng và hơn hết, phải đối diện với nguy cơ lây nhiễm Covid-19.
Là một người bình thường nên họ cũng lo, cũng sợ chứ. Thế nhưng, rất nhiều người đã lên đường vì đó là sứ mệnh của trái tim yêu nghề, yêu đồng bào và yêu tổ quốc. Cuối cùng, ai cũng chỉ mong mình có thể hoàn thành nhiệm vụ, đóng góp chút công sức cho hành trình chống dịch Covid chung của cả đất nước.
1. Tôi từng nghĩ đến việc xin nghỉ không lương
Tôi đã từng đắn đo và suy nghĩ rất nhiều về việc quyết định thực hiện chuyến bay này. Tôi là tiếp viên trưởng nhưng cũng là một con người bình thường. Thế nên giống như mọi người, tôi có 2 luồng suy nghĩ tích cực và tiêu cực luôn song hành, chúng buộc tôi phải cân nhắc về quyết định của mình.
Tôi biết sẽ có người bảo đáng ra phải gật đầu không do dự. Nhưng bạn biết đấy, khi mà bạn biết chắc chắn sẽ đến một nơi nguy hiểm với nguy cơ lây nhiễm cực cao, khi mà có những đồng nghiệp của bạn đã dương tính với Covid-19, khi mà bạn sẽ phải đi cách ly 14 ngày lúc trở về thì đắn đo là điều tất yếu.
Tôi đã từng nghĩ đến việc báo ốm chỉ để được ở nhà, tôi đã từng nghĩ đến việc xin nghỉ không lương. Tôi đã từng có rất nhiều suy nghĩ tiêu cực. Nhưng sau tất cả, mọi cái "đã từng" của tôi đều bị thay thế bằng sự hy sinh. Nếu việc tôi làm có thể đem lại hạnh phúc cho mọi người thì dù tôi có hy sinh gì cũng đáng.
2. 13 tiếng với hơn nửa hành khách dương tính với Covid 19
Ăn no trên chuyến bay đi nhưng khi bay về, tôi chỉ uống đúng 1 chai sữa, chia 2 lần. Mặc đồ bảo hộ và dùng nhà vệ sinh bất tiện nên phải mặc bỉm nếu cần thiết. Cố gắng hạn chế sử dụng nhà vệ sinh nhất có thể vì đó là nơi có nguy cơ lây nhiễm bệnh cao nhất.
Đây là một chuyến bay dài hơn 13 tiếng với hơn 1/2 số hành khách đã xác định dương tính với Covid 19. Ngoài nguy cơ nhiễm bệnh, chúng tôi còn phải chuẩn bị sẵn các kịch bản xấu nhất có thể xảy ra đặc biệt liên quan tới tình trạng sức khoẻ của hành khách khi chuyến bay quá dài.
3. Giải quyết mọi vấn đề khó khăn nhất
19:30 máy bay cất cánh hướng về thủ đô Hà Nội. Một hành trình dài 13 tiếng giờ bay cũng là một hành trình khó khăn đang chờ phi hành đoàn và y bác sỹ.
Khoảng 1 giờ sau khi cất cánh, những tín hiệu từ khoang hành khách dương tính SOS đưa lên cần sự trợ giúp của bác sỹ. Một bệnh nhân sốt cao rồi 2, 3 người và cứ thế số bệnh nhân cần trợ giúp tăng lên, thêm một bệnh nhân tiêu chảy, lại thêm một bệnh nhân khó thở. Cứ thế, sự liên lạc ding dong giữa các khoang vang lên, hai anh điều dưỡng viên đi lên đi xuống, phía trên bác sĩ nắm tình hình bệnh nhân và đưa ra y lệnh, các tiếp viên chung tay hỗ trợ. Với chuyên môn nghiệp vụ cùng kinh nghiệm và sự phối hợp ăn ý. Chúng tôi đã giải quyết mọi vấn đề khó khăn nhất.
4. Ai cũng sợ nhưng đã dám làm một điều vô cùng đẹp
Tôi thực sự mệt sau một chuyến bay dài và căng thẳng. Nhưng hơn hết là cảm giác tự hào. Rất tự hào. Cuối cùng, sau bao nhiêu âu lo vất vả thì chúng tôi đã đưa 219 hành khách về nhà an toàn. Đúng vậy, về nhà rồi!
Đây không phải là lần đầu tiên tôi tình nguyện xung phong tham gia vào một chuyến bay đưa đồng bào về nước trong mùa dịch. Chuyến bay đầu tiên là đến Mỹ, 33 tiếng bay dài miên man. Rồi đến Nhật, đến Hàn và bây giờ là Guinea Xích Đạo. Cả 4 lần, chưa bao giờ tôi có chút phân vân, lưỡng lự khi đưa ra quyết định.
5. Tôi đã bay chuyến bay giải cứu dài nhất từ trước đến nay
Chuyến bay của tôi đi từ Hà Nội - Frankfurt - Cuba - Frankfurt - Hà Nội kéo dài 3 ngày và hơn 40 tiếng trên không, là chuyến bay giải cứu dài nhất từ trước đến nay. Tôi cảm thấy rất vui và tự hào vì đã đưa được toàn bộ đồng bào về với đất nước an toàn.
Để hạn chế khả năng lây bệnh, toàn bộ tiếp viên cùng hành khách phải mặc đồ bảo hộ bao gồm khẩu trang và kính để tránh lây nhiễm giọt bắn. Điểm khác biệt lớn nhất so với chuyến bay thương mại là về phục vụ suất ăn. Mọi suất ăn đều là đồ khô đóng gói, trái cây, nước suối đóng chai. Mặc dù hạn chế tiếp xúc tránh lây nhiễm nhưng tiếp viên vẫn di chuyển trong khoang khách 15 phút/lần để kiểm tra tình trạng của khách, đề phòng trường hợp khách có vấn đề về sức khoẻ.
6. Niềm vui của đồng bào như một món quà với tôi
Tôi đồng ý bay vì coi những chuyến bay đặc biệt như thế này là nghĩa vụ và nhiệm vụ của mình. Và mình phải làm được. Được trực tiếp đón những đồng bào đang mong ngóng được về nước là một niềm vui mà không phải ai cũng có được nên tôi sẽ vui vẻ nhận nó như một món quà vậy.