Sức mạnh khuynh đảo thế giới của nền công nghệ số suốt 20 năm qua đã được lột trần chỉ trong câu nói cửa miệng của nhà tỷ phú Bill Gates: "Thế giới nằm trên mười ngón tay bạn". Và không thể khước từ những tiện ích kỳ diệu mà thế giới công nghệ đem lại nên số lượng người sử dụng thiết bị số ngày càng tăng chóng mặt.
Nhưng điều đó mới chỉ là một phần. Cuộc sống của con người trong kỷ nguyên số đã được thể hiện rất rõ kể từ khi đại dịch Covid-19 xuất hiện. Theo đó, những khái niệm như "học online", "họp online", "làm online" hay thậm chí là "nhậu online" cũng dần trở nên quen thuộc với nhiều gia đình mới chính là minh chứng rõ ràng nhất.
Song, có một điều đáng nói là, dù ban đầu con người tìm cách tiếp cận và xâm nhập thế giới công nghệ, nhưng dần dần, công nghệ lại chi phối mạnh mẽ cuộc sống con người.
Với thế hệ Alpha (khái niệm dùng để chỉ những đứa trẻ sinh từ năm 2010 - 2024), công nghệ sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của chúng. Bởi vậy, đã có rất nhiều bậc phụ huynh lo lắng về việc định hướng và giáo dục con cái như thế nào cho giai đoạn hiện tại cũng như trong tương lai, khi công nghệ ngày càng hoà quyện vào từng hơi thở cuộc sống.
Mọi quyết định dường như càng trở nên khó khăn hơn khi các bố mẹ phải đặt những lợi ích mà công nghệ đem lại cho con người và những tác hại sẽ ảnh hưởng đến bọn trẻ lên bàn cân và dường như câu trả lời hoàn toàn chỉ nằm ở việc phân vân rồi lo lắng.
Liên quan tới vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ ĐH Stanford Nguyễn Chí Hiếu, Trưởng dự án GenK và Autopro Phạm Xuân Hà cùng bác sĩ nội trú tại Bệnh viện mắt Hà Đông Lê Phi Hoàng để tìm ra lời giải đáp.
Tiến sĩ ĐH Stanford Nguyễn Chí Hiếu: Công nghệ phát triển đến mấy, trẻ vẫn cần những trải nghiệm thật cùng thế giới
Theo Tiến sĩ ĐH Stanford Nguyễn Chí Hiếu, một cuộc sống có công nghệ hay không, những đứa trẻ vẫn cần phát triển và những trải nghiệm thật cùng thế giới thật là điều vô cùng cần thiết. Tuy nhiên, khi công nghệ đang phát triển quá nhanh chóng như vậy cũng dẫn tới hệ lụy là chính nó đang tước đoạt đi cơ hội duy nhất trong sự tiến hóa, phát triển của 1 đứa trẻ để hình thành, phát triển những kết nối với thế giới thật trong não bộ.
"Thực ra bản chất công nghệ không có đúng và cũng chẳng có sai, nó chỉ do cách người sử dụng mà thôi. Mọi người cần hiểu rằng, bản chất 1 đứa trẻ lớn lên, nó có năng lực tự học thì sau này nó có dư sức để làm chủ được công nghệ mà không cần tiếp xúc từ sớm.
Điều này chỉ chứng tỏ là chúng ta đang dùng sự bất an của chúng ta để thay đổi mà thực ra đối tượng này thì ít. Đối tượng nhiều hơn là đối tượng phụ huynh vì họ bận rộn, không chơi được cùng con và không biết làm thế nào để thời gian chơi với con thật sự giá trị, dễ dàng và khoa học thì họ đưa điện thoại cho đứa trẻ. Đó là cách mua thời gian rẻ tiền nhất!", Tiến sĩ ĐH Stanford Nguyễn Chí Hiếu nhận định.
Nói thêm về vấn đề này, Tiến sĩ ĐH Stanford Nguyễn Chí Hiếu cũng khẳng định, 1 đứa trẻ trước khi lên cấp 2 hoàn toàn không quyết định được mình sẽ dùng cái gì, bố mẹ cho chúng trải nghiệm gì thì đó là quyền của bố mẹ. Còn nếu lên cấp 2, khi các bố mẹ đã xây dựng được nền tảng cho 1 đứa trẻ rồi và lên cấp 2 thì việc dùng ít hay nhiều liên quan tới cách xây dựng ý thức từ nhỏ cho đứa trẻ rồi.
Nếu một đứa trẻ không có ý thức để phân tích và hiểu tất cả những hệ lụy của nó thì việc đầu tiên các bậc phụ huynh cần làm là cho trẻ tính cách và hệ tư tưởng.
"Đó mới là điều quan trọng chứ không phải vì sợ trẻ không bắt kịp công nghệ mà cho nó xài công nghệ từ sớm. Đó là 1 suy nghĩ rất sai lệch", Tiến sĩ ĐH Stanford Nguyễn Chí Hiếu khẳng định.
Để bố mẹ có thể giải quyết được vấn đề khó nhằn này, Tiến sĩ cho rằng, bố mẹ hãy theo sát trẻ từ lúc chúng còn bé và bắt đầu từ những thứ nhỏ nhất, ví dụ như: bọn trẻ có ý thức là đến giờ ăn thì ăn hay không, ăn xong có dọn dẹp hay không, có làm việc nhà hay không…
Hãy đưa cho 1 đứa trẻ sự kỷ luật. Sự kỷ luật mà mình tôn trọng sự tự do của trẻ trong phạm vi kỷ luật đó, bọn trẻ không thể nào vượt ra khỏi cái rào đó được và cần phải thực hiện xuyên suốt từ bé đến lớn.
Trưởng dự án GenK và Autopro Phạm Xuân Hà: "Không cấm, nhưng hạn chế sử dụng công nghệ và thay thế bằng những hoạt động khác"
Là một người am hiểu về công nghệ song đứng từ góc độ là một người đang nuôi con thuộc thế hệ Alpha, anh Phạm Xuân Hà cho biết: "Tôi vẫn cho bé nhà tôi dùng điện thoại thông minh, nhưng chỉ thỉnh thoảng để cho biết làm quen với thao tác trên điện thoại. Trộm vía bé nhà tôi dù được dùng công nghệ nhưng không có biểu hiện là "nghiện" và phải xem điện thoại thông minh. Thỉnh thoảng vẫn đòi nhưng không có thì cũng không sao.
Thay vào đó, bé có vẻ thích các hoạt động như đi xe đạp hay đá bóng hơn. Do vậy, tôi nghĩ rằng có thể dùng những hoạt động thể chất để thay cho việc phải xem điện thoại. Đây là điều mà bất cứ phụ huynh nào cũng có thể thử."
Cho trẻ sử dụng thiết bị điện tử như thế nào để không gây hại tới trẻ?
Theo BS Lê Phi Hoàng, thời lượng sử dụng các thiết bị điện tử phụ thuộc vào lứa tuổi. Theo Hội nhi khoa Mỹ, với trẻ dưới 2 tuổi thì nên hạn chế tối đa. Có thể video call với người thân để trẻ phát triển về cảm xúc và tinh thần nhưng cần hạn chế thời lượng.
- Với trẻ 2-5 tuổi thì không nên quá 1h/ngày.
- Trẻ từ 6 tuổi trở nên thì thời gian tiếp xúc các thiết bị điện tử ngoài mục đích học tập ko nên quá 2h/ngày.
- Trẻ càng lớn nhu cầu sẽ càng cao vì mục đích học tập, giải trí. Không có khuyến cáo cụ thể về tổng thời gian sử dụng trong ngày nhưng phải hướng dẫn trẻ các quy tắc để bảo vệ mắt khi sử dụng thiết bị điện tử. Theo quan điểm cá nhân thì không nên quá 4h/ngày.
- Trẻ dưới 2 tuổi không nên tiếp xúc thiết bị điện tử trừ những đoạn video call ngắn với người thân để phát triển vè cảm xúc và tinh thần. Từ 2 tuổi trở đi, có thể bắt đầu cho trẻ tiếp xúc với thiết bị công nghệ để hỗ trợ cho sự phát triển toàn diện của trẻ nhưng cần có sự kiểm soát chặt chẽ của bố mẹ.
Để bảo vệ mắt cho con cần chú ý 2 vấn đề lớn là "môi trường nhìn" của đôi mắt và "chế độ nhìn":
Môi trường nhìn bao gồm điều kiện ánh sáng xung quanh trẻ. Mỗi ngày nên hoạt động ngoài trời ít nhất 2h. Phòng học nên có ánh sáng tự nhiên, bàn học nên kê sát cửa sổ, lựa chọn đèn học phù hợp cho trẻ. Ko học trong bóng tối mà nên bật sáng cả điện phòng.
Chế độ nhìn bao gồm: khoảng cách nhìn, tư thế học bài, thời gian nghỉ ngơi và thời lượng sử dụng thiết bị điện tử.
Khi xem tivi cần cho trẻ ngồi ở khoảng cách phù hợp với độ lớn của màn hình.
Khi học bài cần có tư thế ngồi ngay ngắn, thẳng lưng, mắt cách bàn khoảng 40-50cm, áp dụng quy tắc 20 đó là 20 phút nhìn liên tiếp thì nghi 20 giây cho mắt nhìn xa 20 feet (tức 6m), kiểm soát thời lượng xem thiết bị điện tử theo lứa tuổi, quan sát các bất thường của mắt trẻ khi nhìn, đi khám mắt định kỳ để phát hiện sớm các vấn đề về mắt.