Tự tin đi vào "vùng mờ" trong lĩnh vực Tai-Mũi-Họng
Chúng tôi hẹn Tiến sĩ – bác sĩ Võ Công Minh – trưởng khoa Tai – Mũi – Họng bệnh viện FV khi kết thúc ngày làm việc cuối tuần. Dù vừa trải qua một ca phẫu thuật khó nhưng bác sĩ vẫn tràn đầy năng lượng khi chia sẻ những câu chuyện nghề thú vị.
Tốt nghiệp ĐH Y Dược năm 2002, khi đang là bác sĩ nội trú, bác sĩ Võ Công Minh đã đăng ký khóa tu nghiệp về Phẫu thuật tạo hình đầu - cổ - mặt tại ĐH Tennessee, (Mỹ). Vừa làm việc tại bệnh viện, anh vừa hoàn tất các chương trình bác sĩ nội trú và bác sĩ chuyên khoa 1 ngành Tai Mũi Họng (2002-2006). Bác sĩ Minh là một trong số những học viên xuất sắc vinh dự nhận được bằng tốt nghiệp loại giỏi cho cả 2 chương trình đào tạo này. Sau đó, anh lấy bằng Thạc sĩ Y khoa của Đại học Y Dược TP.HCM vào năm 2010 và nhận bằng Tiến sĩ trong lĩnh vực Tai Mũi Họng năm 2021. Bên cạnh đó, bác sĩ Võ Công Minh còn liên tục tham gia các chương trình hội thảo quốc tế cũng như tu nghiệp để học thêm các kỹ thuật phẫu thuật tiên tiến trên thế giới…
Xuất phát từ thực tế khám và điều trị bệnh, bác sĩ Minh phát hiện mình thật sự hứng thú với phẫu thuật nội soi và các vấn đề về xoang. Anh nhận thấy giữa xoang sàn sọ và não vẫn còn là "vùng mờ".
Bên kia lớp xương mỏng của sàn sọ là não, các bác sĩ tai-mũi-họng ngại chạm tới, bởi nó là một phần của chuyên khoa thần kinh có liên quan đến mô não. Ngược lại các bác sĩ chuyên khoa thần kinh thì lại mù mờ về vùng xoang, mà khi mổ thần kinh, não thì họ phải mở vùng xoang sàn sọ ra.
Là người thích mạo hiểm và thử thách chính mình, bác sĩ Minh quyết tâm nghiên cứu sâu hơn để tự tin đi vào ranh giới nhạy cảm ấy. Và sau thời gian dày công nghiên cứu, anh đã chữa trị thành công cho bệnh nhân có khối u ở khoang sàn sọ nằm ngay vùng động mạch cảnh, một ca rất khó.
"Thực sự, lúc thực hiện thủ thuật bản thân tôi cũng lo lắng nhưng vì bệnh nhân cần thì mình không thể không làm. Nếu từ chối, bệnh nhân không còn biết đi đâu để điều trị", bác sĩ Minh nhớ lại. Cuối cùng, ca phẫu thuật đã thành công. Vài năm sau, bệnh nhân quay lại tái khám thì bệnh vẫn không có dấu hiệu tái phát.
Bác sĩ Minh đang trong một ca phẫu thuật tại Bệnh viện
Đối mặt thử thách để tìm kiếm cơ hội cho bệnh nhân
Trong quan niệm của bác sĩ Võ Công Minh cũng như các đồng nghiệp, khi gặp ca khó, chưa ai làm hoặc rất ít người làm, nếu sợ rủi ro mà lựa chọn không làm thì sẽ làm mất đi cơ hội điều trị cho bệnh nhân. Hơn nữa, ca khó cũng giúp bác sĩ có thêm nỗ lực và kinh nghiệm để vững vàng cứu chữa cho nhiều bệnh nhân hơn nữa. Bác sĩ Công Minh chấp nhận thực hiện ca khó hoàn toàn không phải là mạo hiểm vì bản thân anh đã được học, đã nghiên cứu tài liệu rất kỹ, và được kiến tập khi tu nghiệp. "Mạo hiểm" ở đây là sự dũng cảm mang tính cần thiết để người bác sĩ nỗ lực thực hiện và vượt qua được thử thách để cứu người. "Tôi luôn cảm thấy rất hạnh phúc khi giúp bệnh nhân cải thiện tình trạng bệnh", bác sĩ Minh tâm sự.
Sự dũng cảm cần thiết ấy không phải hiển nhiên có được trong một ngày hay một năm, đó là cả một quá trình trải nghiệm và chiêm nghiệm trong suốt hành trình điều trị cho các ca bệnh phức tạp. Khi còn học nội trú, trong phòng cấp cứu của một bệnh viện, bệnh nhân bị khối u xâm lấn khí quản, cần phải mở khí quản khẩn cấp. Bình thường, thủ thuật này sẽ được thực hiện trong phòng mổ, có ê-kíp hỗ trợ tốt hơn về mặt gây mê và các vấn đề liên quan. Nhưng trường hợp này không còn thời gian và không có lựa chọn khác, cần phải xử lý ngay lập tức tại phòng cấp cứu. Đó là lần đầu tiên bác sĩ Minh đem hết sự dũng cảm của mình để mạo hiểm. Vừa làm vừa hồi hộp. Nhưng khi thực hiện thành công và bệnh nhân được cứu thì anh thấy nhẹ nhõm cũng như tự tin hơn vào chuyên môn của mình.
Bác sĩ Công Minh luôn không ngừng học hỏi để nâng cao tay nghề, kiến thức chuyên môn
Các đồng nghiệp chia sẻ, bác sĩ Minh tỏ ra rất quyết đoán và tự tin trong các quyết định của mình với mong muốn mang lại cuộc sống chất lượng hơn cho người bệnh. Điều này thể hiện qua ca phẫu thuật liên quan đến một bệnh nhân bị tai nạn khiến nhiều lúc nhìn mọi vật thành 2 nét. Chụp CT thấy dường như có dị vật đâm vô hốc mũi, sát mắt. Nói "dường như" vì hình ảnh hiển thị rất mờ. Ca phẫu thuật này bắt buộc phải mở cả hốc mắt ra. Nếu mổ ra mà không có gì thì bệnh nhân phải chịu một ca mổ "oan". Nhiều bác sĩ sẽ đắn đo và quyết định không mổ vì an toàn. Nhưng bác sĩ Minh thì làm điều ngược lại sau khi nghiên cứu kỹ lại hình ảnh. Kết quả đúng là mảnh xương bị gãy đâm vô phía trong làm kẹt cơ vận nhãn, đứt nửa cơ khiến mắt khi liếc sẽ bị hai nét. Sau mổ 2 tuần thì thị lực bệnh nhân đã bình thường trở lại.
Ngoài kiến thức và kinh nghiệm cá nhân thì việc lựa chọn các bệnh viện sở hữu đầy đủ phương tiện máy móc hiện đại đã giúp các bác sĩ và ê-kíp tự tin thực hiện các kỹ thuật khó một cách thuận lợi, đặc biệt quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn và chăm sóc hậu phẫu tốt giúp đem đến kết quả điều trị tối ưu cho bệnh nhân.