Tiêm kích J-10C đọ sức Su-30MKI: Mèo nào cắn mỉu nào? Câu trả lời gây bất ngờ

Vy Lam | 02-06-2022 - 19:30 PM

(Tổ Quốc) - Theo tạp chí MW, nếu Không quân Ấn Độ phải đối đầu với J-10C trong không chiến thì Su-30MKI có lẽ sẽ là mẫu máy bay được New Delhi lựa chọn.

Viễn cảnh J-10C không chiến với Su-30MKI

Thông tin về việc Pakistan trở thành khách hàng đầu tiên của tiêm kích một động cơ thế hệ 4 J-10C của Trung Quốc đã làm dấy lên nhiều câu hỏi về tương lai của Không quân Pakistan và mức độ ảnh hưởng tới cán cân quyền lực ở Nam Á.

Hồi tháng 1 năm nay, tạp chí MW cho biết, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Pakistan Pakistan Sheikh Rasheed đã xác nhận việc Pakistan mua tiêm kích J-10. Đây sẽ là sự bổ sung hoàn hảo cho mẫu JF-17 Block III hạng nhẹ hơn và có giá thành rẻ hơn. JF-17 cất cánh lần đầu tiên vào năm 2019, có hệ thống vũ khí và điện tử hàng không tiên tiến nhưng hiệu suất bay kém hơn so với J-10C.

Tiêm kích J-10C đọ sức Su-30MKI: Mèo nào cắn mỉu nào? Câu trả lời gây bất ngờ - Ảnh 1.

Tiêm kích J-10C.

Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ mức độ thách thức mà J-10C có thể tạo ra đối với các máy bay chiến đấu thuộc hàng mạnh nhất trong khu vực Nam Á, ví dụ như mẫu tiêm kích hạng nặng thế hệ 4 Su-30MKI của Ấn Độ.

Không quân Ấn Độ đã trang bị Su-30 từ cuối những năm 1990 và bắt đầu triển khai biến thể MKI tiên tiến từ năm 2002. Su-30MKI hiện là "xương sống" trong lực lượng máy bay chiến đấu của Ấn Độ, với khoảng 270 chiếc đang được New Delhi triển khai. Con số này dự kiến sẽ tiếp tục tăng lên trong năm nay.

Theo tạp chí MW, nếu Không quân Ấn Độ phải đối đầu với J-10C trong không chiến thì Su-30MKI có lẽ sẽ là mẫu máy bay được New Delhi lựa chọn, do mức độ phổ biến và khả năng chiến đấu tinh nhuệ của nó.

Mèo nào cắn mỉu nào?

Là máy bay chiến đấu hạng nặng nên Su-30MKI có một số lợi thế đáng kể so với J-10C, như mang được nhiều vũ khí hơn, phạm vi tác chiến xa hơn. Đây là hai yếu tố rất có giá trị trong các hoạt động tấn công hoặc tuần tra tầm xa.

Ngoài ra, Su-30MKI có thiết kế hai chỗ ngồi, trong đó có một vị trí của sĩ quan phụ trách các hệ thống vũ khí. Điều này đặc biệt có lợi thế khi máy bay phải tấn công đồng thời cả mục tiêu trên mặt đất và trên không. Thiết kế hai chỗ ngồi cũng là tính năng mà Trung Quốc tuyên bố đã mang lại lợi thế lớn cho tiêm kích hạng nặng J-16 của họ so với J-10C trong các cuộc giao tranh giả định.

Bên cạnh đó, so với các máy bay chiến đấu của đối thủ, tốc độ và độ cao lớn khi bay của Su-30 mang lại cho nó lợi thế khi triển khai tên lửa.

Tiêm kích J-10C đọ sức Su-30MKI: Mèo nào cắn mỉu nào? Câu trả lời gây bất ngờ - Ảnh 2.

Tiêm kích Su-30MKI.

Song, cũng cần thừa nhận rằng, mặc dù là thiết kế hạng nhẹ hơn nhưng J-10 có một số lợi thế đáng kể. Đi vào hoạt động từ năm 2018 (16 năm sau Su-30MKI) nên mẫu máy bay này được hưởng lợi từ cơ sở công nghệ, quy mô nghiên cứu và phát triển cao hơn của Trung Quốc. Nó cũng có ưu thế về hệ thống điện tử hàng không, như cảm biến và thiết bị điện tử.

J-10C sử dụng radar quét mạng pha điện tử chủ động (AESA), tuy có kích cỡ nhỏ hơn radar quét mạng pha điện tử thụ động (PESA) trên Su-30MKI nhưng nó tương đối khó bị gây nhiễu.

Mẫu máy bay này trang bị tên lửa không-đối-không tầm xa PL-15 vượt trội hơn hẳn mẫu R-77 (Nga) và MICA (Pháp) trên Su-30MKI, không chỉ ở tầm bắn [250-300km, so với 100km (R-77) và 80km (MICA)], mà còn ở các cảm biến bởi đây là loại tên lửa không-đối-không đang hoạt động duy nhất bên ngoài Nhật Bản sử dụng radar AESA để dẫn đường.

Điều này không chỉ khiến PL-15 ít bị gây nhiễu hơn, mà còn đáng tin cậy hơn và có khả năng "khóa" mục tiêu tốt hơn khi chống lại các phương tiện tàng hình.

Đối với các nhiệm vụ tác chiến không-đối-đất và chống tàu, cả J-10C và Su-30MKI đều có khả năng triển khai các tên lửa Mach 3. Tên lửa YJ-91 dành cho J-10C được thiết kế dựa trên mẫu Kh-31 và BrahMos dành cho Su-30MKI.

Tiêm kích J-10C đọ sức Su-30MKI: Mèo nào cắn mỉu nào? Câu trả lời gây bất ngờ - Ảnh 3.

Tiêm kích J-10C với tên lửa YJ-91 và PL-10.

BrahMos là tên lửa hạng nặng hơn nhưng có khả năng tác chiến mạnh hơn. Tuy nhiên, trong khi J-10C có thể tái trang bị các tên lửa YJ-91 ngay thì Su-30MKI lại cần thực hiện một số điều chỉnh để có thể triển khai tên lửa BrahMos, điều này làm hạn chế tính linh hoạt của các đơn vị Su-30MKI.

Đối với nhiệm vụ tác chiến không-đối-không ở tầm ngắn hơn, tên lửa PL-10 của J-10C được kỳ vọng sẽ mang lại lợi thế, mặc dù ít áp đảo hơn so với tên lửa trên máy bay chiến đấu của Ấn Độ.

Theo MW, J-10C có lẽ là máy bay chiến đấu duy nhất trên thế giới (bên ngoài Nga) có thể sánh ngang với Su-30MKI về khả năng cơ động, khi cả hai đều sử dụng động cơ vector lực đẩy.

Bên cạnh đó, trần bay của J-10 đang thuộc hàng cao nhất thế giới trong dòng máy bay chiến đấu một động cơ, mặc dù nó vẫn thấp hơn một chút so với Su-30MKI.

Lợi thế chủ lực của J-10C so với Su-30MKI, ngoài chi phí vận hành và nhu cầu bảo trì thấp hơn, còn nằm ở việc sử dụng các thiết bị điện tử và liên kết dữ liệu ưu việt, cho phép máy bay kết nối tốt hơn và tin cậy hơn với các phương tiện khác như máy bay không người lái và hệ thống phòng không.

Đây cũng được cho là nhân tố chính giúp J-10C vượt mặt các máy bay chiến đấu hạng nặng Su-35 do Nga chế tạo trong các trận không chiến giả định năm 2020.

MW nhận định, các tiêm kích J-10C trong tay Pakistan sẽ đặt ra một thách thức đối với Không quân Ấn Độ theo cách chưa từng thấy kể từ thời Chiến tranh Lạnh.

Mặc dù Su-30MKI từng là máy bay chiến đấu tiên tiến vào thời điểm nó ra đời và vào năm 2002 từng được xem là chiến đấu cơ có năng lực mạnh mẽ nhất thế giới nhưng 20 năm sau, nhiều công nghệ trên máy bay đã trở nên lạc hậu, cho phép các mẫu tiêm kích hạng nhẹ nhưng tinh vi hơn như J-10C tạo ra các thách thức ưu thế trong khu vực.

Tuy nhiên, giới chuyên gia dự đoán trong tương lai gần, Pakistan chưa thể trang bị số lượng J-10C với quy mô sánh ngang phi đoàn Su-30MKI của Ấn Độ. Trước mắt, New Delhi vẫn giữ được ưu thế số lượng áp đảo, mặc dù các tiêm kích hàng đầu của họ có hạng nặng hơn và tốn kém hơn.

Ngoài ra, tuy Su-30MKI đã trở nên tương đối cũ so với các thiết kế máy bay chiến đấu hiện đại của Nga nhưng vẫn có khả năng thu hẹp khoảng cách về hiệu suất hoạt động nếu nó được nâng cấp bằng các công nghệ thế hệ mới, ví dụ như tên lửa R-37M tầm bắn 400km, radar PESA Iribis-E hoặc các phiên bản của radar AESA N036, động cơ AL-41, cũng như các hệ thống điện tử hàng không và tác chiến điện tử.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM