Tiêm kích F-15: 104 lần bắn hạ kẻ thù, chưa một lần bị tiêu diệt - “Quái kiệt” bầu trời

Tú Anh | 30-07-2022 - 07:30 AM

(Tổ Quốc) - Máy bay chiến đấu F-15 Eagle do Mỹ chế tạo kỷ niệm sinh nhật lần thứ 50 vào ngày 27/7/2022, đánh dấu nửa thế kỷ thống trị bầu trời, bất bại trên toàn thế giới.

Tiêm kích F-15: Chiếc máy bay chiến đấu “bất tử”

Ngày 27/7/1972 đánh dấu sự khởi đầu cho một kỷ nguyên mới về ưu thế trên không với chuyến bay đầu tiên của tiêm kích F-15 Eagle (Đại Bàng), chiếc máy bay chiến đấu đã lập công tới 104 lần bắn hạ máy bay đối phương mà chưa từng một lần bị máy bay kẻ thù tiêu diệt.

Nguyên mẫu YF-15A (s/n 71-0280) được đưa ra khỏi cơ sở McDonnell Douglas ở St. Louis, nơi tất cả các máy bay F-15 đã và vẫn đang được sản xuất, vào ngày 26/6/1972.

Một tháng sau đó, ngày 27/7, dưới sự điều khiển của phi công trưởng Irving L. Burrows của McDonnell Douglas, Eagle đã cất cánh cho chuyến bay thử nghiệm đầu tiên trên bầu trời California tại Căn cứ Không quân Edwards.

Burrows đã đưa chiếc máy bay chiến đấu chiếm ưu thế trên không mới của Không quân Mỹ thực hiện chuyến bay liên tục kéo dài 50 phút, lên đến 12.000 feet và bay với tốc độ 287 km/h mà chỉ phát hiện ra một vấn đề nhỏ với cửa thiết bị hạ cánh.

“Chiếc máy bay này đã hoạt động tốt ngay từ phút đầu tiên, chúng tôi biết rằng chúng tôi đã có một phương tiện giành chiến thắng ngay từ đầu”.

Không quân Mỹ đã tiến hành một số chuyến bay khác trong tuần tiếp theo của chuyến bay đầu tiên, gồm cả việc đạt được các mốc quan trọng như đạt tốc độ Mach 1,5 và đạt độ cao 45.000 feet.

Tiêm kích F-15: 104 lần bắn hạ kẻ thù, chưa một lần bị tiêu diệt - “Quái kiệt” bầu trời! - Ảnh 1.

Nguyên mẫu của F-15A Eagle trong chuyến bay đầu tiên vào ngày 27 tháng 7 năm 1972. Ảnh: Không quân Mỹ

F-15 thậm chí còn có thể làm tốt hơn thế và đã được sử dụng để phá nhiều kỷ lục, trong đó có 8 kỷ lục leo cao tính theo thời gian do MiG-25 của Liên Xô nắm giữ trước đó.

Khi lập kỷ lục cuối cùng trong số tám kỷ lục nêu trên, F-15 đã đạt độ cao 98.425 feet chỉ trong 3 phút, 27,8 giây kể từ khi nhả phanh lúc cất cánh và leo tới gần 103.000 feet trước khi hạ xuống.

Tổng cộng 12 chiếc F-15 tiền sản xuất hàng loạt đã được chế tạo, gồm 2 chiếc hai chỗ ngồi là TF-15 và F-15B cùng chiếc máy bay chiến đấu hai động cơ mới được Không quân Mỹ phê duyệt để sản xuất 6 tháng sau đó, sau chuyến bay thử nghiệm đầu tiên.

Năm 1974, chiếc Eagle đầu tiên - F-15B, được chuyển giao cho Không quân Mỹ và năm 1976 chiếc F-15 đầu tiên trang bị cho cấp phi đội chiến đấu đã được bàn giao cho Phi đội máy bay chiến đấu số 555 (nay là FS) Triple Nickel.

Cùng năm, Israel trở thành nước vận hành Eagle phiên bản xuất khẩu đầu tiên, được đặt tên địa phương là “Baz” (Chim Ưng) theo chương trình Cáo Hòa bình (Peace Fox).

Ngày 27/6/1979, F-15 của Israel trở thành chiếc đầu tiên bắn hạ máy bay địch, mở đầu kỷ lục vô song với 104 lần tiêu diệt kẻ thù và chưa một lần tổn thất trước máy bay đối phương trong nhiều cuộc xung đột khác nhau.

Tiêm kích F-15: 104 lần bắn hạ kẻ thù, chưa một lần bị tiêu diệt - “Quái kiệt” bầu trời! - Ảnh 2.

F-15C Eagles của Không quân Mỹ hỗ trợ các hoạt động của Lực lượng Không quân NATO tại Căn cứ Không quân Keflavik, Iceland, ngày 20 tháng 10 năm 2020. Ảnh: Không quân Mỹ

Bước nhảy vọt mang tính cách mạng về công nghệ

F-15 là một bước nhảy vọt mang tính cách mạng, đáp ứng đúng kỳ vọng của McDonnell-Douglas khi tiến hành phát triển.

“Nó được thiết kế với khả năng cơ động cùng sức mạnh tối đa mà chúng tôi có thể kỳ vọng vào một chiếc máy bay hai động cơ Pratt & Whitney F-100. Nó được trang bị radar lớn nhất mà chúng tôi có thể lắp đặt trên một chiếc máy bay chiến đấu không đối không”, Greg “Sherlock” Watson, Trưởng phòng thuộc Sư đoàn F-15 tại Căn cứ không quân Wright-Patterson cho biết.

“Chúng tôi có thể bay xa hơn, chúng tôi có thể bay nhanh hơn, chúng tôi có thể bay lâu hơn bất kỳ máy bay chiến đấu nào khác ở ngoài kia".

F-15 không chỉ là một chiếc máy bay mạnh mẽ và uy lực mà còn có khả năng sống sót rất cao. Ví dụ nổi tiếng nhất cho điều này là lần một chiếc F-15D của Israel đã hạ cánh khi chỉ còn một cánh.

Cụ thể, ngày 1/5/1983, F-15D đã gặp phải một vụ va chạm thảm khốc giữa không trung với một chiếc A-4 Skyhawk, khiến cánh phải của Eagle bị cắt đi 60 cm. Máy bay đã hạ cánh với tốc độ gấp đôi tốc độ bình thường để bù lại lực nâng bị thiếu sau khi mất cánh.

Eagle phát triển theo thời gian, với các biến thể F-15C và D mới được chuyển giao vào năm 1979 cùng nhiều cải tiến và trọng lượng cất cánh tối đa cao hơn.

Năm 1983, Chương trình Cải tiến Đa giai đoạn (MSIP) được khởi xướng nhằm cung cấp cho phi đội các hệ thống radar, máy tính trung tâm, vũ khí và điều khiển hỏa lực cũng như hệ thống cảnh báo mối đe dọa được cải tiến. MSIP II vài năm sau đó tập trung chủ yếu vào radar APG-70 và tên lửa AIM-120 AMRAAM.

Tiêm kích F-15: 104 lần bắn hạ kẻ thù, chưa một lần bị tiêu diệt - “Quái kiệt” bầu trời! - Ảnh 3.

Một máy bay chiến đấu F-15EX Eagle II cất cánh thực hiện nhiệm vụ tại Căn cứ Không quân Nellis, Nevada, ngày 19 tháng 10 năm 2021. Ảnh: Không quân Mỹ.

Năm 1986, lần đầu tiên biến thể mới - F-15E Strike Eagle, được chọn thay thế cho F-111 Aardvark trong khuôn khổ chương trình máy bay chiến đấu chiến thuật tăng cường.

Strike Eagle vẫn giữ nguyên các khả năng không đối không của Eagle nhưng được bổ sung tính năng sử dụng mọi loại bom đạn không đối đất trong kho vũ khí của Không quân Mỹ.

F-15E sau đó trở thành nền tảng để phát triển các biến thể mới hơn như F-15I “Ra'am” của Israel, F-15S và F-15SA của Ả Rập Xê Út, F-15QA và F-15EX Eagle II mới nhất của Qatar.

Biến thể Eagle II mới, được phát triển từ F-15QA và cũng là biến thể Eagle tiên tiến nhất cho đến nay, ra đời từ một loạt nhu cầu chủ yếu xuất hiện sau khi Chiến lược Quốc phòng Quốc gia Mỹ đề ra yêu cầu phải đối phó với các mối đe dọa mới từ Trung Quốc và Nga.

Mặc dù cực kỳ giống với biến thể QA nhưng Eagle II có một số tính năng chỉ dành cho Không quân Mỹ như hệ thống tác chiến điện tử AN/ALQ-250 và hệ thống giám sát điện tử hay Hệ thống Nhiệm vụ Mở (OMS).

Máy bay thể hiện nhiều điểm khác biệt so với F-15C mà nó sẽ thay thế. Ví dụ, F-15EX Eagle II là máy bay hai chỗ ngồi, sẽ có tùy chọn bay với một phi công hoặc với cả phi công và nhân viên Hệ thống Vũ khí (WSO), trong khi mẫu C chủ yếu là một chỗ ngồi và có một biến thể D hai chỗ dành riêng cho đào tạo.

Hai biến thể một chỗ ngồi và hai chỗ được gọi tương ứng là F-15CX và F-15EX.

Năm 2019, Mỹ quyết định phân bổ kinh phí cho 8 chiếc đầu tiên trong số ít nhất 144 chiếc F-15EX, bởi đây sẽ là giải pháp thiết thực hơn là chờ đợi để có đủ F-35 thay thế F-15C. Không quân Mỹ xác nhận, F-35 sẽ thay thế một số phi đội F-15C, trong khi những phi đội khác sẽ được thay thế bằng F-15EX.

Không đoàn máy bay chiến đấu Số 173 của Lực lượng Vệ binh Quốc gia Oregon đóng tại Kingsley Field sẽ trở thành đơn vị huấn luyện chính thức F-15EX Eagle II (FTU) đầu tiên vào năm 2022.

Trong khi đó, không đoàn máy bay chiến đấu Số 142, cũng của Vệ binh Quốc gia Oregon đóng tại Portland, sẽ trở thành đơn vị đầu tiên vận hành F-15EX vào năm 2023.

Ngay cả khi bây giờ đã 50 năm tuổi, F-15 có vẻ vẫn còn rất nhiều tiềm năng để khai thác và chúng ta sẽ còn thấy nó bay vòng quanh thế giới trong một thời gian dài nữa.

Trên thực tế, Không quân Mỹ ước tính rằng, với tuổi thọ 20.000 giờ bay, F-15EX có khả năng phục vụ tốt tới tận những năm 2040 hoặc thậm chí là những năm 2050.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM