Sonder: Cảm giác đột nhiên nhận ra mình có thể không bao giờ hoàn toàn biết về một người (kể cả người thân).
Đó là khi bạn hiểu rằng tất cả mọi người xung quanh đều có câu chuyện riêng của họ mà có thể bạn không bao giờ được biết. Bạn nhận ra rằng bạn chỉ biết về họ ở mức độ mà họ cho phép.
Xuyên suốt gần 2 tiếng phim chỉ trong bối cảnh bàn tiệc của hội bạn bè, Tiệc Trăng Máu đã châm biếm và khui ra các ẩn khuất đen tối đặc trưng của những con người trong xã hội. Mọi đau khổ và nghiệt ngã của từng nhân vật được khắc họa trần trụi, chua xót sau những tiếng cười thâm thúy.
Có lẽ ai cũng đều thấy mình hoặc những người xung quanh đâu đó trong các nhân vật. Như một vòng lặp, chúng ta là nạn nhân của các chấn thương tâm lý và chính chúng ta lại trở thành kẻ xấu trong câu chuyện của người khác.
“Khi người ta càng thể hiện bên ngoài điều gì, thì bên trong họ đang có vấn đề về điều đó". Ở Gone Girl, chúng ta có Amy Elliott Dunne tốt nghiệp Đại học Harvard với tấm bằng Tâm lý học cùng một cuộc sống viên mãn; nhưng thâm sâu bên trong cô ta lại là kẻ rối loạn nhân cách (psychopath) với những áp lực tinh thần từ khi còn bé.
Headline Story
Nhân vật Nguyệt Ánh (Hồng Ánh) là một người phụ nữ nhẹ nhàng nhưng cũng khá ghê gớm làm ta gợi nhớ hình ảnh của Amazing Amy trong Gone Girl (Cô Gái Mất Tích). Cũng như Amy, Nguyệt Ánh có đủ kiến thức và sự điềm đạm để làm một bác sĩ giỏi, cũng vì điều đó đã khiến Ánh trở thành một con người thích thao túng người khác, được thể hiện rõ qua những sắc thái tâm lý, hành vi và cách đưa ra trò chơi trên phim.
“Khi người ta càng thể hiện bên ngoài điều gì, thì bên trong họ đang có vấn đề về điều đó”. Ở Gone Girl, chúng ta có Amy Elliott Dunne tốt nghiệp Đại học Harvard với tấm bằng Tâm lý học cùng một cuộc sống viên mãn; nhưng thâm sâu bên trong cô ta lại là kẻ rối loạn nhân cách (psychopath) với những áp lực tinh thần từ khi còn bé. Tương tự với Nguyệt Ánh, một bác sĩ chuyên khoa tâm lý nhưng lại vụng về trong việc chăm sóc gia đình, đặc biệt khá khó khăn để kết nối tâm lý với cô con gái tuổi mới lớn.
Tuy không đào sâu về nhân vật do thời lượng phim nhưng qua các chi tiết, lời thoại xung quanh nhân vật Ánh, ta có thể thấy cô được sinh ra trong gia đình gia giáo, có nhiều ranh giới không cho phép cô thể hiện đầy đủ con người mình ra ngoài. Ánh đáng thương vì cô chưa thực sự bước ra cái “khuôn khổ” được thiết lập từ khi bé; ngay cả thời niên thiếu có một lần vượt rào, sống phóng đãng cùng người yêu, Ánh lại thụt lùi, bước lại vào những quy tắc cũ và hối hận điều mình đã làm. Với người ngoài, cô có một cuộc sống đầy đặn, gia đình ấm cúng, chồng thành đạt và con cái hoàn hảo; nhưng Nguyệt Ánh có hạnh phúc không!?
Không.
Nguyệt Ánh không lựa chọn sống trong hiện tại; cô chọn quá khứ, những định kiến và sự ân hận. Cô nuôi dưỡng nó mỗi ngày để rồi gần 20 năm sau, Ánh liệng nó vào con gái - người trở thành “nạn nhân của nạn nhân” giữa chèn ép tâm lý và những khuôn khổ gia đình - xã hội. Việc chồng mình có vấn đề sinh lý cũng trở thành giọt nước tràn ly cho “cái tôi” của Ánh lún sâu vào máu gia trưởng và dẫn đến việc cô ngoại tình.
Là người luôn thể hiện bản thân nhẹ nhàng, đầy đủ và sung túc, cái nghiệt ngã giằng xé bên trong Nguyệt Ánh lại là sở thích kiểm soát, nỗi ân hận và sự thiếu thốn niềm vui do quy tắc và trách nhiệm bản thân tự đặt ra cho người khác.
Tiệc Trăng Máu vẽ lên một hình ảnh cay đắng: điều quan trọng nhất trong mọi mối quan hệ là niềm tin, đôi khi lại bị xem là rẻ rúng, ngu ngốc để lường gạt nhau và thỏa mãn thú vui vật chất.
Headline Story
Người ta có thể nhận xét Quang (Hứa Vĩ Văn) là kẻ nhu nhược. Nhưng thực chất anh vẫn có chính kiến riêng của mình, ủng hộ con gái đi theo trái tim - điều mà anh vẫn luôn làm. Nhân vật Quang luôn là nạn nhân của niềm tin trong sáng đến mù quáng, từ chuyện vợ chồng cho đến cú nợ từ người bạn thơ ấu.
Cái đáng trách của Quang cũng là vì đi theo con tim mù quáng, anh trở thành người chồng tự ti và nhu nhược sau cái bóng của vợ. Anh luôn sống trong tiêu chuẩn, mục tiêu và “dán nhãn thành công” của nhà vợ đặt ra. Tuy tình yêu mãnh liệt đã khiến Quang thành đạt trên đường đời; có công danh sự nghiệp, nhà cao cửa rộng, gia đình sung túc nhưng bên trong anh lại là mặc cảm, sự tự ti và cảm giác “chưa bao giờ là đủ”.
Nhân vật này phản ánh một khía cạnh phổ biến trong tất cả mọi người: chúng ta luôn sống trong thành công của ai đó, lấy thước đo người khác thành tỉ lệ cho bản thân mình. Sau ngần ấy năm cố gắng và thành công trong sự nghiệp, Quang vẫn nghĩ mình kém cỏi, không có gì tốt đẹp cho vợ. Thậm chí trong khi vợ mình là bác sĩ tâm lý, anh vẫn phải tìm một bác sĩ khác để cứu rỗi cuộc sống lẫn tình yêu của mình. Bị lừa đảo số tiền kinh khủng và một mình phải ôm nợ, một trong những bi kịch khiến anh phải đi điều trị cũng đến từ người bạn thân mà Quang tin tưởng và yêu mến. Những tình tiết rất đời thường tiếp diễn khiến ta tự hỏi liệu “niềm tin” là một thứ xa xỉ?
Nhưng may mắn, Tiệc Trăng Máu vẫn giữ Quang như là một thứ ánh sáng, một tâm hồn đẹp. Điều quan trọng là Quang còn có lòng vị tha, còn sự tinh khiết ở đó; không tạp lẫn, không tha hoá dù đâu đó anh đã nhận ra vợ cũng là người lừa dối mình.
Bình không phải kẻ xấu, mà sự hời hợt và thờ ơ của anh làm anh trở nên xấu xí.
Headline Story
Càng đi sâu vào tình tiết phim chúng ta sẽ càng sáng tỏ lý do vì sao Bình (Thái Hòa) thờ ơ với vợ.
Có một thí nghiệm nổi tiếng có tên là “Thí nghiệm nhà tù Stanford”. Cuộc thí nghiệm chọn các sinh viên đóng giả tù nhân và cai ngục trong một nhà tù mô phỏng nhằm tìm hiểu các tác động tâm lý mà quyền lực đưa đến với con người. Tuy dự định thử nghiệm 2 tuần nhưng chỉ tới ngày thứ 6, cuộc thí nghiệm phải chấm dứt do sự “ngược đãi tù nhân tăng cao đến mức báo động”. Kết quả của thí nghiệm đã cho thấy ảnh hưởng của môi trường, hoàn cảnh tới hành vi. Chính hoàn cảnh, chứ không phải tính cách con người đã gây ra hành vi của tù nhân và cai ngục.
Đương nhiên cặp vợ chồng Bình và Quỳnh không đến mức kinh khủng như thế, nhưng ở một cấp độ khác, không loại trừ chính là vì câu nói khi Quỳnh được cứu khỏi vòng lao lý “chấp nhận làm trâu, làm mọi cho Bình” đã vô tình thay đổi hoàn toàn 2 con người đang yêu thương say đắm.
Bình không phải kẻ xấu, mà sự hời hợt và thờ ơ của anh làm anh trở nên xấu xí. Đại diện cho mẫu người cục mịch, Bình truyền tải thông điệp bên trong mình ra ngoài một cách vụng về; đặc biệt khi đối mặt với tình huống vợ chồng tan vỡ, anh lại càng thể hiện sự mất bình tĩnh. Với bản tính cộc cằn khó chịu, anh vẫn không nhận ra rằng cuộc sống mình sẽ trở nên vô vị biết bao nhiêu nếu thiếu đi hình bóng một người phụ nữ, mà người đó lại là Thu Quỳnh - người mà bấy lâu anh luôn giày vò, đay nghiến.
Sự chua chát của Bình thể hiện khi anh cố thuyết phục Mạnh đổi điện thoại để tránh bị phát hiện gian dâm. Bình đưa ra những lý do hết sức hợp lý như: cần sự chăm lo của Quỳnh, mất đi vợ thì sẽ không thể lo được cho 3 đứa con, mẹ già ở nhà cũng cần sự chăm sóc của Quỳnh. Thế nhưng, điều quan trọng cần được nói nhất là thật sự rất yêu Quỳnh thì lại không được nói ra.
Phải chăng trong những mối quan hệ già nua ngoài kia cũng có người như Bình!? Đến một thời điểm tình cảm nhạt nhoà, cái họ cần của người đầu ấp tay gối chỉ còn lại là những quyền lợi cá nhân, những trách nhiệm và bổn phận!? May mắn làm sao, trái tim cằn cỗi của Bình đã được phá vỡ, và bên trong đó vẫn còn có hình ảnh của Quỳnh.
“Khi người ta càng thể hiện bên ngoài điều gì, thì bên trong họ đang có vấn đề về điều đó”. Nhân vật của Bình bên ngoài thể hiện sự bất cần và thờ ơ với vợ, thật chất trong lòng anh luôn có Quỳnh và cô lại là người cứu rỗi cuộc đời của anh.
Thật thú vị khi Tiệc Trăng Máu đưa vợ chồng Bình và Quỳnh lên đầu phim, những tình tiết ban đầu khiến người xem đều nghĩ đây là cặp đôi khó giải quyết và dễ rạn nứt nhất. Nhưng sau cùng, đây lại là cặp đôi dễ hàn gắn và hạnh phúc nhất.
Bên trong họ có thể là những vết cắt, sự thiếu thốn tình cảm, có thể là những ngày tần tảo để hoàn thành bổn phận người vợ, có thể là những đêm đầm đìa nước mắt vì sự cô độc
Headline Story
Nhân vật Thu Quỳnh (Thu Trang) có lẽ là nhân vật gây ấn tượng mạnh mẽ và cảm xúc nhất. Một phần vì đây là một hình mẫu quá quen thuộc, quá đặc trưng cho rất nhiều phụ nữ ngoài xã hội.
Ở độ tuổi sắp hoàng hôn xế chiều, Thu Quỳnh vẫn luôn sốt sắng tận tâm cho chồng và gia đình mà lại quên đi bản thân mình. Như rất nhiều phụ nữ ngoài xã hội, nhân vật này cũng phải gạt bỏ lòng tự trọng trong vô thức, chăm lo gia đình chồng đúng "bổn phận của một người vợ".
Với suy nghĩ ngây ngô rằng mình sẽ có được sự quan tâm của chồng nếu mình càng biết nhịn nhục và luôn chạy theo, Thu Quỳnh lại càng nhận lấy sự lấn lướt quá quắt, đay nghiến và thờ ơ của Bình. Có lẽ "ngôn ngữ yêu thương" của cô không phù hợp với Bình, cô vô tình đưa ra hình ảnh cô luôn ở đấy dù anh có như thế nào để khiến chồng mình ỷ y, xem đó là điều hiển nhiên rồi dần không còn coi trọng vợ nữa.
Quỳnh đáng trách bởi vì đã đưa giá trị của người khác lên trên giá trị bản thân mình, và lại càng nhân lên sự đáng ghét khi cô là mẫu nhân vật điển hình cho hình ảnh "những bà hàng xóm khó ưa" hay buôn chuyện nói xấu người khác. Nhưng ta không thể biết được, bên trong họ có thể là những vết cắt, sự thiếu thốn tình cảm, có thể là những ngày tần tảo để hoàn thành bổn phận người vợ, có thể là những đêm đầm đìa nước mắt vì sự cô độc, cũng có thể là sự giằng xé thăm thẳm khi nhìn thấy những hạnh phúc nhỏ bé của người khác.
Vì luôn thiếu thốn sự chú ý, quan tâm từ người mình thương, Thu Quỳnh đã nuôi dưỡng lòng đố kỵ, ghen ghét để giải tỏa những uất hận bên trong, những điều người khác có mà mình lại không.
Ai cũng có mưu cầu được yêu thương, đặc biệt là phụ nữ. Thu Quỳnh đã sống một khoảng thời gian dài thiếu đi sự quan tâm từ người mình thương nhất, cái cô nhận lại là những chua chát, lời lăng mạ, mua vui.
"Khi người ta càng thể hiện bên ngoài điều gì, thì bên trong họ đang có vấn đề về điều đó" cũng đúng luôn với Thu Quỳnh. Cô là nhân vật nữ đáng thương nhất trong phim. Ngoài mặt luôn thể hiện sự vui vẻ, hoạt bát; thẳm sâu bên trong là thiếu thốn tình yêu, thiếu thốn giá trị bản thân; là đau khổ, tủi nhục; là mỗi ngày sống với tâm lý thua thiệt để hình thành bản tính ghen ghét đố kị.
Tiệc Trăng Máu có lẽ đã thành công trong việc đưa thông điệp thay cho rất nhiều phụ nữ ngoài kia, những con người có một hố đen trong lòng lại đi đố kỵ và làm xấu hình ảnh những người phụ nữ khác.
Được đánh giá là người đáng ghét nhất trong phim, nhưng Linh không phải là người không có mặt tốt. Linh đã “chữa cháy" cho Quỳnh khi cố ý đổ nước vào điện thoại cô tránh tình huống khó xử cho cả bàn tiệc.
Headline Story
Một gã đàn ông bên ngoài luôn thể hiện mình hoàn hảo, đào hoa thì bên trong là sự rỗng tuếch và mặc cảm. Được đánh giá là người đáng ghét nhất trong phim, nhưng Linh (Kiều Minh Tuấn) không phải là người không có mặt tốt. Linh đã “chữa cháy” cho Quỳnh khi cố ý đổ nước vào điện thoại cô tránh tình huống khó xử cho cả bàn tiệc. Tuy nhiên trên bình diện tính cách, Linh vẫn là một kẻ tồi.
Từ khi còn bé, Linh luôn bị “dán nhãn” là cá biệt và vô dụng. Một đứa trẻ từ khi bé luôn bị môi trường xung quanh, xã hội, mọi người xem là bất tài và quậy phá thì cậu ấy sẽ trở thành như vậy thật. Giống như việc nói với con cá rằng nếu nó không biết leo cây, nó sẽ sống một cuộc đời nghĩ rằng mình ngu ngốc; Linh cũng thế, anh đã không ở trong một môi trường đủ tốt để uốn nắn tính mưu mẹo của anh tránh trở thành tiền đề cho sự lươn lẹo và láu cá.
Cái mà được mọi người công nhận cũng là cái anh tự tin nhất là kỹ năng tán gái và toát ra sự quyến rũ; nhưng vô tình cũng khiến Linh tập trung rồi chỉ bám víu vào nó trong cuộc sống. Nó làm Linh trở thành một người đào hoa ma mãnh bên ngoài nhưng bên trong lại hoàn toàn mặc cảm và trống rỗng.
Anh luôn thể hiện bên ngoài mình có sự sung túc và phong lưu, nhưng bên trong Linh lại vẫn còn là một cậu bé đáng thương luôn bị mặc cảm. Anh không dám đối mặt với sự thật rằng, anh luôn cảm thấy xấu hổ vì bản thân mình thảm hại; và anh đã biến sự phóng đãng của mình thành một cái để bám víu vào mà tự tin che đậy sự mặc cảm bên trong. Việc không thể chung thủy của Linh cũng là một biểu hiện của thiếu bản lĩnh, không thể kiềm chế ham muốn thấp hèn của bản thân.
Linh có thật lòng yêu ai không? Điều này rất khó nói. Anh ta có thể được xem là mẫu nhân vật thiếu bản lĩnh nhất, yếu đuối nhất. Mọi mối quan hệ, mọi cuộc chinh phục phụ nữ đều chỉ để khỏa lấp mặc cảm thua cuộc hèn kém ở bên trong Linh. Anh ta sợ mất Kathy, nhưng cũng không đủ bản lĩnh để thay đổi bản thân mình. Và biểu hiện của Linh dành cho Kathy trên phim thể hiện sự đam mê và sở hữu, chứ chưa có biểu hiện của yêu thương, chăm sóc. Một đứa trẻ chưa lớn, chưa yêu thương được bản thân thì cũng chưa thể nào thực sự yêu một ai.
Có lẽ Linh là nhân vật nam đáng thương và tuyệt vọng nhất, vì Linh vẫn còn đang ở trong 1 chiếc hố sâu mà bản thân đã tự đào cho mình quá lâu.
Người phụ nữ hiện đại. Cô gái dám hy sinh vì tình yêu nhưng vẫn luôn giữ giá trị cho bản thân mình.
Headline Story
Tính cách nhân vật được thể hiện ngay trên cái tên, biểu tượng cho người phụ nữ hiện đại. Cô gái dám hy sinh vì tình yêu nhưng vẫn luôn giữ giá trị cho bản thân mình. Có lẽ do độ tuổi còn trẻ, nên cái gout bạn trai của Kathy (Kaity Nguyễn) chưa chọn đúng người; và người đó là Linh - tuy lớn tuổi hơn cô nhiều nhưng bên trong anh vẫn còn là một cậu bé không chịu trưởng thành. Có thể nói tuổi tác chỉ là con số, đó là điều khiến cả 2 nhân vật nảy sinh chemistry (như 2 nguyên tố kết hợp trong phương trình hoá học) nhiều nhất trong các cặp đôi làm mọi người đều nóng mặt.
Kathy ngây ngô với mọi trường hợp, cô luôn đặt ra những câu hỏi ai cũng ngầm hiểu nhưng ngại nói; để rồi phải tạo ra những tình huống khó xử trong bàn tiệc. Điểm làm cô sáng hơn 2 nhân vật nữ còn lại là cô có một nội tâm rộng lượng, rất quan tâm để ý đến người xung quanh, không quá sâu lắng nhưng cũng không nông cạn. Một lối sống khá hiện đại, vô tư nhưng không vô tâm, cô thoải mái chia sẻ những quan điểm và ý kiến của mình cho mọi người.
Ở cái kết đầu tiên, cô gái này đã thỏa mãn người xem bằng việc giải quyết mối quan hệ với Linh một cách rất xuất sắc và tuyệt vời. Kathy không dây dưa, giằng xé để ném những vết thương lòng vào nhau như Quỳnh và Bình, cô phóng khoáng và mạnh mẽ chấp nhận đứng dậy sau nỗi đau để thoát ra mối quan hệ. Việc cô trở mình nhanh khi mới chỉ bị Linh lừa dối không nói lên tình cảm của cô dành cho Linh là ít; Kathy yêu Linh rất nhiều, nhưng Kathy cần yêu bản thân mình trước.
Cái kết ở thực tại thứ 2 có thể làm người xem hơi bất mãn với cặp đôi Kathy và Linh. Người ta lo lắng cho Kathy, quả bom hẹn giờ kia chưa thực sự nổ nhưng nếu càng để lâu nó sẽ nổ to hơn và đau khổ nhất lại là thân phận người phụ nữ non nớt kia. Đứa trẻ thảm hại tên Linh lại lấy vết thương tâm lý liệng vào cô gái Kathy trong vô thức. Nhưng Kathy lại làm chúng ta tin cô sẽ vẫn rất mạnh mẽ, thông minh và những vấp ngã sau này sẽ càng khiến cô trở thành một người phụ nữ hoàn hảo.
“I'm a weirdo. What the hell am I doing here? I don't belong here.”
Headline Story
Một câu hát có vẻ khá hợp với hoàn cảnh của nhân vật Mạnh: “I'm a weirdo. What the hell am I doing here? I don't belong here.”
Mạnh (Đức Thịnh) đáng thương khi số đông thường đề cao thành tích và vật chất, bản thân anh lại không hứng thú. Mạnh cũng đủ kiến thức và suy nghĩ để thành công trong cuộc đời, nhưng cái giá trị ưu tiên của anh lại không tương xứng với số đông xã hội. Một cậu bé có giới tính khác với số đông, luôn sợ sự kỳ thị nên phải kìm nén và giấu kín từ rất lâu đã giúp Mạnh trở nên thật mạnh mẽ và trưởng thành nhanh hơn nhiều những người bạn cùng trang lứa. Anh vẫn rất ân cần, yêu mến những người bạn cũ; mặc dù cá nhân anh lại đang bị lạc lõng giữa chính những người anh em thân thuộc này.
Những câu nói bông đùa về giới tính xung quanh những người bạn khiến ta phải tự hỏi rằng liệu đó có đơn thuần là đùa vui nhẹ, hay đằng sau lại là sự giễu cợt, kỳ thị. Việc xã hội ngày nay cởi mở hơn rất nhiều với cộng đồng LGBTQ , thực tế len lỏi bên trong còn rất nhiều tư duy cổ hủ và kỳ thị. Đáng ngại hơn là việc họ không nhận thức được những suy nghĩ đó là kỳ thị, ví dụ cơn giận dữ và lời oán trách của Linh khi phát hiện Mạnh là gay. Đằng sau cái lớp lang gồm “tại sao là đồng tính nhưng giấu!?”, “tại sao lừa dối tôi”, “những người đồng tính thường hay…”,... chỉ là những biện minh cho sự kỳ thị.
Tiệc Trăng Máu cũng châm biếm một cách tinh tế về “những lời đùa cợt của đàn ông”. Ta có thể dễ dàng thấy nhiều nơi trong xã hội này, trên bàn nhậu của đàn ông, trong mọi tầng lớp; thì chủ đề thường được đưa ra bàn tán là phụ nữ, những bộ phận trên người phụ nữ, những câu chuyện, thành tích chinh phục phụ nữ, những lời châm chọc, đùa cợt về giới tính, và đương nhiên không thể thiếu là sự miệt thị. Để làm gì? Để chúng ta phải tỉnh táo hơn nhận ra những hành vi đó độc hại, có thể đâu đó là chính chúng ta, hoặc là những người xung quanh chúng ta.
Nhân vật Mạnh có lẽ là người ngộ ra được nhiều điều nhất. Tiếc rằng cách anh giải thích những điều đó cho hội bạn chưa thuyết phục, hoặc sai người - sai thời điểm; nên anh được xem như người thích nói đạo lý, nhưng lại là kẻ thất bại (trong thước đo thành công của mọi người). Những điều anh có thể mang giá trị khá nhiều, nhưng vô tình làm mất đi cuộc vui và khiến mọi người nhàm chán. Nhưng sau tất cả, Mạnh lại là người bình yên nhất; không xô bồ, không vướng mắc, mọi sự cam chịu đều chỉ là do xã hội này gán lên cho anh.
Cái thú vị của Tiệc Trăng Máu là mỉa mai những góc tối đằng sau mỗi người, để ta dễ nhận ra và nhìn vào những mặc cảm, tổn thương của chính mình. Hãy chấp nhận rằng ai cũng có mặt tối, hãy đối diện với phần tối bên trong bản thân chứ đừng tảng lờ nó đi rồi tạo ra tổn thương cho những người xung quanh.
Đoạn kết nào sẽ tốt hơn?
Có lẽ một đại hội của bóc phốt, của tổn thương và giằng xé là một điều không cần thiết, nhưng sống trong dối trá với mặt tối của chính mình cũng là một cuộc sống độc hại. Chỉ khi hiểu và chấp nhận mặt tối của mình và mọi người, chúng ta mới có thể lựa chọn hạnh phúc thật sự cho bản thân.
Tiệc Trăng Máu hiện vẫn đang chiếu tại các cụm rạp trên toàn quốc.