Thường xuyên phải gội đầu dưỡng sinh, uống cà phê giải tỏa áp lực: Dân văn phòng xoay sở tài chính thế nào?

Tô Diệp - Thiết kế: Huyền Trang | 15-10-2022 - 06:26 AM

(Tổ Quốc) - Phải làm sao để quản lý tài chính tốt hơn khi đi làm văn phòng?

Làm online nên chi tiền đi cà phê tìm động lực làm việc

Hình thức làm việc online đang ngày càng phổ biến. Nhiều người cho rằng làm ở nhà sẽ tiết kiệm hơn rất nhiều. Chẳng hạn như giảm đi khoản tiền xăng xe, những bữa trưa và bữa xế cùng đồng nghiệp gọi đồ hay đi ra ngoài ăn, mua sắm quần áo để đi làm. Song, thực tế hoàn toàn khác biệt.

An Chi (26 tuổi) chia sẻ rằng làm việc online không hề tiết kiệm hơn so với đi làm văn phòng. “Dù làm online, mình vẫn hay mua quà vặt vào bữa xế chiều, cà phê sáng để tiếp thêm năng lượng làm việc như lúc ở văn phòng làm việc. Nhiều lúc để đổi gió, mình còn ra quán cà phê làm việc, mà ngồi lâu quá thì cũng không thể gọi 1 cốc nước. Thậm chí nếu quán đó có bán bữa trưa, mình cũng ăn tại quán luôn, và giá ăn trưa ở các hàng quán này thường đắt hơn bữa trưa thông thường”.

Theo An Chi, nếu lên văn phòng làm việc thì vào bữa sáng cô bạn có thể chỉ mua cốc cà phê ở quán bình dân 15 - 20 nghìn/cốc. Nhưng nếu đi ra quán cà phê làm việc thì giá cốc nước là 50 nghìn, nhiều khi mua thêm bánh 30 - 40 nghìn đồng như một loại “phí ngồi lâu”. “Và mình cũng không thể ngồi lì cả ngày ở 1 quán nên sau tầm 3, 4 tiếng sẽ phải đứng lên và… sang quán khác, mất thêm khoảng 50 nghìn nữa. Vậy là tính riêng chi phí tiền cà phê thôi đã là 150 nghìn, bằng nửa ngày lương”.

Thường xuyên phải gội đầu dưỡng sinh, uống cà phê giải tỏa áp lực: Dân văn phòng xoay sở tài chính thế nào? - Ảnh 1.

Những lần đi quán cà phê làm việc của Anh Chi - Ảnh: NVCC

Cũng giống An Chi, Thanh Thảo (27 tuổi) chia sẻ rằng cô cũng có thói quen không làm việc ở công ty thì sẽ ra quán cà phê. “Khi đó chi phí gọi xe công nghệ để di chuyển, cà phê, ăn uống thậm chí có khi còn cao hơn so với đi làm tại văn phòng. So với việc bình thường 1 ly trà sữa/ buổi chiều cùng đồng nghiệp ở công ty thì khi làm việc ở quán cà phê có hôm sẽ uống 2-3 ly, bên cạnh đó còn ăn thêm bánh”. 

Bên cạnh đó, Thanh Thảo cũng cho rằng khi chuyển sang hình thức online, thời gian làm việc linh động hơn nhiều. Do đó, cô bạn có những cuộc hội họp với bạn bè thường xuyên hơn, do đó khoản tiền để đi ăn cũng nhiều hơn khi làm việc tại văn phòng.

Chi tiêu cho đi mát xa, gội đầu dưỡng sinh để giải tỏa áp lực

Mai Vân (23 tuổi) hiện tại đang làm trong ngành kiểm toán. Công việc khá bận rộn đặc biệt thời điểm giữa và cuối năm, có những ngày phải làm việc đến sáng do vậy áp lực gần như là người bạn đồng hành với Mai Vân.

Cô bạn chia sẻ bản thân có khá nhiều cách để sạc lại năng lượng. Chẳng hạn, nếu là những áp lực bình thường, cô bạn thường sẽ đi gội đầu ngoài tiệm 3 lần/ tuần, mỗi tuần sẽ đi gội đầu dưỡng sinh và mát xa (massage) 2 tuần một lần. Tổng cộng mỗi tháng sẽ chi khoảng hơn 1 triệu cho khoản mục này.

Ngoài ra, với những khoảng thời gian quá bận, đến mức cảm thấy kiệt sức, Mai Vân thường sẽ đi du lịch ngắn ngày, trung bình hết tầm 6 triệu đồng. Thời điểm công việc quá tải, mỗi tháng, cô bạn sẽ có ít nhất 1 chuyến đi như vậy.

Như vậy tức là có những tháng, số tiền Mai Vân chi ra để giải tỏa áp lực bằng luôn tiền lương. Đi làm để có thu nhập tốt và cuộc sống thoải mái hơn nhưng bây giờ lại là kiếm tiền để giải tỏa áp lực, thành 1 vòng lặp.

Trong câu chuyện này, Mai Vân cho rằng khoảng thời gian áp lực đến như vậy không nhiều. Bên cạnh đó, nếu bây giờ không đi làm kiếm tiền thì cũng sẽ có vô số những kiểu áp lực khác. "Đến lúc đó, mình cũng không có tiền để giải tỏa. Trong khi đó, mình vẫn phải đối đầu với những khủng hoảng khác trong cuộc sống, như vậy còn mệt hơn".

Thường xuyên phải gội đầu dưỡng sinh, uống cà phê giải tỏa áp lực: Dân văn phòng xoay sở tài chính thế nào? - Ảnh 3.

Ảnh minh hoạ - Pinterest

Thay luôn tủ quần áo khi chuyển việc 

Mai Trần (24 tuổi) đã phải mua lại toàn bộ quần áo đi làm khi thay đổi công việc. Trước đó, cô bạn làm cho 1 công ty khá thoải mái trong trang phục, do vậy phong cách từ khi học đại học đến đi làm không mấy khác biệt. Song, công ty mới khá nghiêm túc, thường mặc sơ mi, đồ công sở, để thích nghi cho môi trường mới, cô bạn đã sắm kha khá đồ mới.

“Mình nhớ khi mới nhận được lời mời làm việc cho đến khi qua 2 tháng thử việc, mình đã tiêu khoảng 10 triệu đồng để mua quần áo mới. Tủ đồ của mình từ áo phông chuyển sang sơ mi, chân váy, quần tây. Mỗi sản phẩm rơi vào khoảng 500-600 nghìn đồng, theo mình thấy đây là giá cơ bản cho đồ công sở hiện tại”.

Đối với Mai Trần, đây gần như là một khoản tiền nhất định phải chi để phục vụ công việc tốt hơn. “Thật ra mình cũng hơi xót tiền, nhưng nghĩ là nó sẽ giúp ích cho công việc nên cảm thấy vẫn ổn”.

Cũng giống như Mai Trần, Hà Giang (26 tuổi) gần như phải thay đổi cả tủ quần áo khi chuyển từ làm freelance sang môi trường công sở. “Số tiền lúc đó mình phải tiêu khi gần bằng luôn tháng lương đầu, rơi vào tầm 5-6 triệu đồng”.

Thường xuyên phải gội đầu dưỡng sinh, uống cà phê giải tỏa áp lực: Dân văn phòng xoay sở tài chính thế nào? - Ảnh 4.

Ảnh minh hoạ - Pinterest

Vậy dân văn phòng quản lý ra sao để không chi tiêu quá tay?

Ranh giới giữa chi tiêu hợp lý và hoang phí đôi khi rất khó để có thể phân biệt, đặc biệt khi nhiều người đưa ra tiêu chuẩn dựa trên cảm quan riêng của phần lớn mọi người.

Thanh Thảo chia sẻ rằng cô bạn cũng đã có những thay đổi thói quen chi tiêu để cân bằng trở lại, không còn bị quá tay. “Để vừa cải thiện sức khỏe, vừa tiết kiệm, dù hơi mất công một chút mình thường xuyên tự nấu cơm thay vì gọi đồ ăn ở bên ngoài. Thói quen này cũng được duy trì cho những lần mình đi làm tại văn phòng vì công ty mình có lúc sẽ làm việc 'nửa trực tiếp - nửa trực tuyến'. Ngoài ra, mình cũng cố gắng không còn đi cà phê hay gọi trà sữa về nhà nữa”.

Thường xuyên phải gội đầu dưỡng sinh, uống cà phê giải tỏa áp lực: Dân văn phòng xoay sở tài chính thế nào? - Ảnh 5.

Thanh Thảo - Ảnh: NVCC

Với Mai Vân, cô bạn quan điểm luôn tự động tiết kiệm 1 khoản khi nhận lương, và phần còn lại để chi tiêu. "Đôi lúc, tháng này mình không tiêu hết có thể gộp sang tháng sau tiêu tiếp. Như vậy, những lúc quá mệt mỏi cần đi du lịch, mình cũng không cần phải động vào khoản tiền đã tiết kiệm".

Cô bạn 23 tuổi cho rằng ngoài tiết kiệm, quản lý chi tiêu cũng có thể gia tăng thu nhập bằng cách đầu tư để có thu nhập thụ động mà không mất quá nhiều thời gian. "Tất nhiên chỉ nên đầu tư vào những hình thức an toàn, bởi vì mình cũng không thể theo sát chúng".

Còn đối với An Chi, khi vẫn sẵn sàng thả ga “tự thưởng”, ăn vặt thoải mái mỗi khi thèm thì dù là trên văn phòng hay tại nhà, tiền tiêu vẫn không khác gì nhau cả. “Sắp tới mình dự định sẽ giảm tải các bữa ăn vặt (trà sữa, cà phê, bánh tráng,...) đi để vừa tiết kiệm hơn, vừa tốt cho sức khỏe bản thân. Dù đi làm ở văn phòng hay làm trực tuyến thì việc tiết kiệm được hay không vẫn là do cách quản lý tài chính của mỗi người mà thôi”.

Thường xuyên phải gội đầu dưỡng sinh, uống cà phê giải tỏa áp lực: Dân văn phòng xoay sở tài chính thế nào? - Ảnh 6.