Ngày 3/2/2023, Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU)-Ukraine lần thứ 24 đã kết thúc tại Kiev. Đây là hội nghị thượng đỉnh đặc biệt lần đầu tiên trong lịch sử được tổ chức tại một quốc gia ứng cử viên đang ở trong tình trạng chiến tranh với sự tham gia của tất cả ban lãnh đạo EU, trong đó có Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen và Cao uỷ phụ trách đối ngoại Josep Borrell có mặt tại Kiev cùng một lúc và Ukraine lần đầu tiên tham gia với tư cách là một ứng viên tư cách thành viên EU.
Hội nghị được tổ chức trước thời điểm tròn một năm Nga phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine, và Kiev đang rất cần sự hỗ trợ chính trị và quân sự của châu Âu. Các vấn đề chính thảo luận tại hội nghị là việc Ukraine gia nhập EU, hỗ trợ quân sự và các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn đối với Nga.
Kết quả chính của hội nghị
Về việc giúp đỡ Ukraine: Trong hội đàm với đoàn chính phủ Ukraine do Tổng thống Volodymyr Zelensky đứng đầu, phái đoàn EU khẳng định sự ủng hộ đối với Ukraine, hứa tăng viện trợ cho Ukraine, cam kết tăng gấp đôi số lượng quân nhân Ukraine lên 30.000 người được huấn luyện tại các căn cứ của EU. Ngoài ra, EU hứa 25 triệu euro viện trợ nhân đạo để rà phá bom mìn tại các vùng lãnh thổ Ukraine giành lại từ Nga.
Đến nay, EU đã cam kết viện trợ gần 60 tỷ euro cho Ukraine, trong đó có gần 12 tỷ euro viện trợ quân sự và 18 tỷ euro dưới dạng cho vay dài hạn không lãi suất. Hội đồng châu Âu cũng đã thông qua khoản viện trợ bổ sung 500 triệu euro cho Kiev.
Về việc Ukraine gia nhập EU: Tháng 6/2022, tại hội nghị thượng đỉnh Brussels, các nhà lãnh đạo EU đã quyết định trao quy chế ứng viên EU cho Ukraine. Kiev nói họ hy vọng sẽ trở thành thành viên đầy đủ của EU vào năm 2026.
Các nhà lãnh đạo EU đánh giá cao cam kết của Ukraine đối với hội nhập châu Âu và những tiến bộ đạt được, bất chấp hoàn cảnh chiến tranh và ủng hộ Ukraine gia nhập EU. Tuy nhiên, hội nghị đã không đáp ứng được yêu cầu của Kiev về việc rút ngắn các thủ tục để Ukraine có thể sớm gia nhập Liên minh và không đưa ra bất kỳ khung thời gian cụ thể nào. Phái đoàn EU yêu cầu Ukraine cần phải tăng cường cuộc chiến chống tham nhũng hơn nữa, thúc đẩy cải cách tư pháp, cải cách kinh tế, cải thiện khả năng tiếp cận của các sản phẩm Ukraine vào thị trường EU.
Tiếp tục trừng phạt Nga: Các nhà lãnh đạo EU hứa sẽ thông qua gói trừng phạt thứ 10 chống Nga. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết EU và nhóm G7 đang thảo luận những chi tiết cuối cùng của kế hoạch áp đặt trần giá đối với dầu và các sản phẩm dầu của Nga vận chuyển bằng đường biển. Bà cũng cho biết gói trừng phạt này sẽ nhắm tới các công nghệ cho phép Nga sản xuất tên lửa và máy bay không người lái. Ursula von der Leyen cho biết gói trừng phạt thứ mười sẽ được thông qua trước 24/2/2023.
EU cũng đang xem xét các biện pháp tịch thu tài sản gồm hàng tỷ euro dự trữ ngoại hối của Nga đang bị phong toả tại các ngân hàng châu Âu. Các khoản tiền tịch thu được sẽ dành vào việc tái thiết Ukraine, theo Ủy ban châu Âu, hiện nay cần ít nhất 600 tỷ euro.
Những yêu cầu của Kiev chưa được đáp ứng
Riêng việc hầu hết các thành viên của ủy ban châu Âu đến Kiev lúc này đã là một dấu hiệu tích cực thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ đối với Ukraine. Các nhà lãnh đạo EU đã hứa dành cho Ukraine sự hỗ trợ ổn định và tin cậy. Tuy nhiên, một số yêu cầu của Kiev vẫn chưa được đáp ứng. Mong muốn của Tổng thống Zelensky được gia nhập EU bằng một thủ tục cấp tốc đã không được đáp ứng tích cực.
Ba Lan và các nước Baltic muốn đẩy nhanh quá trình Ukraine gia nhập EU. Tuy nhiên, lãnh đạo nhiều nước trong EU, trong đó có Tổng thống Pháp E. Macron nói, quá trình Ukraine gia nhập có thể mất nhiều thập kỷ và cảnh báo rằng khối này sẽ không thể bỏ qua các thủ tục thông thường.
Phóng viên BBC Jessica Parker cho biết, thời gian Kiev đề xuất bắt đầu đàm phán gia nhập sau hai năm được nhiều người ở EU coi là hoàn toàn phi thực tế. Một số thậm chí còn ngầm chỉ ra rằng Ukraine có thể không bao giờ trở thành một thành viên chính thức của EU.
Trong tình hình cuộc chiến tại Ukraine còn đang diễn ra căng thẳng, chưa rõ hồi kết, việc nói đến công cuộc tái thiết là quá sớm. Jan Lesser làm việc trong chi nhánh của Quỹ Marshall ở Đức nói, châu Âu sẽ đóng vai trò hàng đầu trong công cuộc tái thiết Ukraine. Một số người gọi đó là "Kế hoạch Marshall", cần rất nhiều tiền.
Đây là những khoản tiền mà châu Âu không dễ gì có được. Sự không chắc chắn, thiếu an ninh ở Ukraine sẽ là những nhân tố gây khó khăn lớn cho công cuộc tái thiết trong nhiều năm tới.
Hội nghị thượng đỉnh Kiev nhằm bày tỏ đoàn kết với Ukraine
Tiếp theo hội nghị Bộ trưởng quốc phòng Nhóm liên lạc hỗ trợ Ukraine (UDCG) gồm các nước NATO và đồng minh tại căn cứ không quân Ramstein của Mỹ ở Đức hôm 20/1/2023, các nhà quan sát chính trị cho rằng, hội nghị thượng đỉnh Kiev được tổ chức gấp gáp trong tình hình hiện nay chủ yếu là nhằm bày tỏ sự đoàn kết với Ukraine.
Mặt khác, trong khi cộng đồng quốc tế, trong đó có nhiều nước châu Âu đang kêu gọi các bên đàm phán để giải quyết xung đột thì việc EU tăng cường hỗ trợ cho Ukraine, đặc biệt về quân sự sẽ càng làm cho căng thẳng leo thang và kéo dài cuộc chiến.
Những cam kết giúp đỡ to lớn cho Ukraine trong khi bản thân các nước châu Âu đang phải đối phó với nhiều khó khăn kinh tế và đời sống, quan điểm trong nội bộ các nước thành viên EU có nhiều sự khác biệt, là vấn đề không dễ gì thực hiện. Quyết định cung cấp xe tăng và các vũ khí hạng nặng cho Kiev của châu Âu và Mỹ vừa qua không làm thay đổi được cục diện trên chiến trường thì hội nghị thượng đỉnh EU-Ukraine lần này cũng không thể thay đổi cục diện cuộc chiến.
Phát ngôn viên của điện Kremlin, ông Dmitry Peskov, tuyên bố phi quân sự hóa và phi hạt nhân hóa Ukraine - một trong những mục tiêu chính của chiến dịch quân sự đặc biệt của Lực lượng Vũ trang Nga tại Ukraine - vẫn sẽ tiếp tục và nhất định sẽ được hoàn thành. Mặc dù hết sức khó khăn, Moscow đang ráo riết chuẩn bị cho chiến dịch tấn công lớn để thực hiện các mục tiêu của mình.