Nghị định số 111/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định Biểu thuế xuất khẩu ưu đãi, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định Thương mại tự do giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên minh châu Âu giai đoạn 2020 - 2022.
Theo Nghị định này, máy tính và linh kiện (máy xử lý dữ liệu di động và các khối chức năng của chúng; đầu đọc từ tính hay đầu đọc quang học; máy truyền dữ liệu lên các phương tiện truyền dữ liệu dưới dạng mã hóa và máy xử lý những dữ liệu này...) sẽ hưởng thuế suất 0% khi xuất khẩu vào châu Âu theo Hiệp định EVFTA kể từ ngày 1/8/2020.
Cụ thể, thuế suất 0% áp dụng với máy tính xách tay, có trọng lượng không quá 10kg, gồm ít nhất một đơn vị xử lý dữ liệu trung tâm, một bàn phím và một màn hình; máy tính xách tay kể cả notebook và subnotebook; máy xử lý dữ liệu tự động khác chứa trong cùng một vỏ có ít nhất một đơn vị xử lý trung tâm, một đơn vị nhập và một đơn vị xuất, kết hợp hoặc không kết hợp với nhau.
Các thiết bị như bàn phím máy tính; thiết bị nhập theo tọa độ X-Y kể cả chuột, bút quang, cần điều khiển, bi xoay và màn hình cảm ứng; bộ lưu trữ như ổ đĩa mềm, ổ đĩa cứng, ổ băng, ổ đĩa quang; các loại hệ thống sao lưu; máy đọc mã vạch, máy đọc kỹ tự quang học khác... cũng được áp dụng mức thuế 0% này.
Máy tính và linh kiện là một trong những mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam. Theo báo cáo của Bộ Công thương, 8 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu máy tính và linh kiện đạt 27,6 tỷ USD, tăng 24,8% so với cùng kỳ năm trước.
Máy tính và linh kiện cũng chính là mặt hàng kéo tăng trưởng của Việt Nam giữa mùa Covid-19. So với tháng 8/2019, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tăng chủ yếu đến từ đà tăng trưởng cao của một số mặt hàng như: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện với mức tăng 15%. Tiếp theo đó mới là máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng tăng 43,6%; gỗ và sản phẩm gỗ tăng 21,7%.
Theo OEC Atlas, những năm gần đây, châu Âu vẫn là điểm đến lớn nhất của máy tính Made in Vietnam. Việc được hưởng mức thuế hấp dẫn này có thể giúp Việt Nam thu hút thêm nhiều công ty đa quốc gia chuyên máy tính đến đầu tư sản xuất.
Vừa qua, Tập đoàn Pegatron là cái tên mới nhất vào Việt Nam để sản xuất thiết bị, linh kiện máy tính. Tập đoàn này đã nhận được giấy chứng nhận đăng ký đầu tư khoản vốn đầu tiên của mình tại Hải Phòng vào tháng 3/2020. Dự án dự kiến được xây dựng tại KCN Nam Đình Vũ (thuộc Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải) để sản xuất thiết bị điện tử (điện tử dân dụng, máy vi tính và thiết bị ngoại vi của máy tính, thiết bị truyền thông, linh kiện điện tử, bảng mạch).
Tháng 8 mới đây, Nikkei Asian Review (Nhật Bản) cũng đưa tin Samsung Electronics lên kế hoạch đóng cửa nhà máy ở Tô Châu, chấm dứt mảng sản xuất máy tính cá nhân (PC) tại Trung Quốc. Theo một phát ngôn viên của Samsung Electronics, họ muốn chuyển dây chuyền sản xuất tại Trung Quốc sang một nhà máy hiện có tại Việt Nam.
Nikkei cũng đưa tin, Google và Microsoft đang tăng tốc chuyển sản xuất laptop, điện thoại và các thiết bị khác từ Trung Quốc sang Đông Nam Á trong bối cảnh dịch Covid-19 ngày càng tồi tệ, điểm đến dự kiến là các nhà máy ở Việt Nam và Thái Lan.
Đầu năm 2019, ông Bạch Bằng, Tổng giám đốc Lenovo đã làm việc với lãnh đạo hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang để tìm kiếm cơ hội đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất. Tập đoàn này có nhu cầu sử dụng 20-30 ha đất để xây dựng nhà máy sản xuất linh kiện máy tính.