Có lẽ đây là một tin khá vui của khoa học dành cho những người yêu ngủ, thích ngủ nướng và sẵn sáng "xù lông" khi có thứ gì đó ảnh hưởng đến giấc ngủ của họ.
Thức đêm, dậy muộn là dấu hiệu của sự thông minh vượt trội
Không cần dậy sớm, thức khuya - dậy muộn vẫn có thể chạm đến thành công.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Independent của hai nhà khoa học Anh – Satoshi Kanazawa và Kaja Perina – mang tên "Tại sao cú đêm lại thông minh" (Why Night Owls Are More Intelligent) đã đưa ra mối liên quan giữa việc bấm nút "snooze" (tạm hoãn và lặp lại báo thức) với sự thông minh, sáng tạo và khả năng tư duy độc lập.
Hai tác giả lập luận rằng người sở hữu trí tuệ xuất chúng sẽ thay đổi để thích nghi với cuộc sống hiện đại chứ không đơn thuần ngủ sớm, dậy sớm như tổ tiên. Bên cạnh đó, học cách lắng nghe nhu cầu của bản thân chứng tỏ khả năng theo đuổi đam mê cũng như tìm kiếm giải pháp cho mọi vấn đề.
Bên cạnh đó, một nghiên cứu khác về bộ não của những "cú đêm" và những người dậy sớm do nhà tâm lý học Richard D. Roberts từ Đại học Sydney và Patrick C. Kyllonen thuộc Phòng thí nghiệm Nghiên cứu Không quân, thực hiện trên 420 người, ở các lĩnh vực: kiến thức cơ học, kỹ thuật, toán học tổng quát, đọc hiểu, bộ nhớ và tốc độ xử lý. Kết quả cho thấy, những "cú đêm" vượt trội hơn về bộ nhớ và tốc độ xử lý.
Không chỉ vậy, công trình của Đại học Southhampton (Anh) trên 1.229 đàn ông và phụ nữ phát hiện các "cú đêm" (ngủ sau 23h và dậy sau 8h) có thu nhập cùng cuộc sống tốt hơn. Ví dụ điển hình chính là Charles Darwin và Winston Churchill, cả hai đều là những "con cú đêm" nổi tiếng và thành công.
Hơn thế nữa, theo tờ Seattle Times, tỷ phú Bill Gates cho rằng giấc ngủ tối kéo dài 7 tiếng là khá lý tưởng để duy trì tinh thần minh mẫn, phát huy sự sáng tạo cho ngày mới. Ông chia sẻ khi cần đến sự sáng tạo, ông buộc phải ngủ đủ giấc. Riêng nhà sáng lập hãng xe điện Tesla - Elon Musk bắt đầu ngủ vào lúc 1h và thức dậy lúc 7h. Ông tiết lộ ông chỉ ngủ từ 6 đến 6 tiếng rưỡi mỗi ngày.
Theo nghiên cứu, cựu tổng thống Mỹ Obama, Charles Darwin, Winston Churchill, Keith Richards và Elvis Presley đều nổi tiếng là những người thức khuya, có chỉ số IQ cao và thành công trong cuộc sống.
Thật không may, những "con cú đêm" lại có điểm số trong học tập thấp hơn một chút so với những người dậy sớm (khoảng 8%). Nguyên nhân cho sự khác biệt này có thể là do sự khác biệt về hóa học não bộ giữa các loại hình sáng tạo vào ban đêm và các hoạt động vào ban ngày.
Thức đêm, dậy muộn bớt căng thẳng và áp lực hơn
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người có chỉ số IQ cao hơn có khả năng đi chệch khỏi những đặc điểm tiến hóa quen thuộc, chẳng hạn như nhịp sinh học.
Những người thức dậy sớm có mức cortisol (hormone căng thẳng chính của cơ thể) cao hơn so với những người ngủ dậy muộn. Trong một nghiên cứu kéo dài 10 tuần, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng những người dậy sớm có nhiều khả năng bị đau cơ, nhức đầu và các triệu chứng cảm lạnh. Họ cũng có nhiều khả năng cảm thấy tức giận trong suốt cả ngày và kiệt sức vào cuối ngày hơn so với những đồng nghiệp "cú đêm" của họ.
Dù có vẻ trái ngược với suy nghĩ của nhiều người, nhưng các cú đêm có nhiều thời gian hơn để chủ động tham gia vào các hoạt động giúp giảm thiểu căng thẳng cho bản thân. Một số người phản đối khi cho rằng việc ngủ sớm mới giúp thực hiện điều này một cách hiệu quả; tuy nhiên đối với cú đêm, nhu cầu được thả lỏng bản thân trước khi ngủ có thể mang lại cảm giác thoải mái như một phần không thể thiếu trong kế hoạch buổi tối của họ.
Dù là đọc một quyển sách, hay tập yoga khuya, các cú đêm có thể dành mỗi tối cho những việc mang lại cho họ cảm giác cân bằng và trọn vẹn, và bất cứ ai hoạt động theo đồng hồ sinh học này cũng có thể đồng ý rằng đó là một điều tốt. Nếu thói quen thức khuya khiến bạn gặp khó khăn trong việc thức giấc vào sáng hôm sau, bạn có thể tham khảo một vài bí quyết để có thể dậy sớm mà không cảm thấy quá mệt mỏi.
"Chim sớm" hay "cú đêm" tốt hơn?
Việc trở thành một người thức dậy sớm vẫn luôn được khuyên khích, nhưng nếu bạn không thể đi ngủ sớm và dậy sớm thì cũng đừng buồn, bạn hoàn toàn có thể thành công như bao người khác. Vấn đề là bạn phải biết sắp xếp thời gian và làm việc hiệu quả nhất có thể trong khoảng thời gian mà mình có!
Sự khác biệt thực tế lớn nhất giữa "chim sớm" và "cú đêm" là khoảng thời gian mà họ tối đa hóa. Những người dậy sớm tối đa hóa buổi sáng của họ. Họ thường thức dậy trước người khác để hoàn thành các nhiệm vụ như tập thể dục, chuẩn bị cho công việc hoặc dành thời gian cho bản thân. Mặt khác, "cú đêm" lại tối đa vào buổi tối.
Theo một nghiên cứu gần đây của trường Đại học Alberta (Canada) về việc khám phá thời điểm mà những người dậy sớm và dậy muộn mạnh nhất, "cú đêm" đạt sức mạnh cao nhất vào lúc 9 giờ tối. Điều này là do hệ thống thần kinh trung ương và sự kích thích của tủy sống đạt trạng thái cao độ cùng lúc, giúp "cú đêm" có nguồn năng lượng bùng nổ vào buổi tối để hướng tới những thứ như nỗ lực sáng tạo, phát minh và trí tưởng tượng.
Mặt khác, những người dậy sớm không bao giờ đạt được mức sức mạnh như vậy bởi vì hệ thần kinh trung ương và khả năng kích thích tủy sống của họ không bao giờ "đạt đỉnh" cùng một lúc. Trạng thái cao độ nhất của họ vào khoảng 9 giờ sáng rồi dần dần yếu đi trong ngày.
Chính vì vậy, vào thời điểm những "chú chim sớm" chìm vào giấc ngủ, những "con cú đêm" lại đang sải bước.
Mặc dù thức khuya, dậy muộn là người có IQ cao nhưng không phải cứ thức trắng đêm là sẽ thông minh. Ngoài ra, dậy muộn không đồng nghĩa với việc ngủ càng nhiều thì càng thành công. Trên thực tế, người ngủ hơn 12 tiếng mỗi đêm dễ đối với mặt với nguy cơ tử vong sớm.
Theo Peninsuladoctor/ Ảnh: Internet