Những người mắc bệnh tiểu đường không chỉ có nguy cơ bị gãy xương cao mà còn mất nhiều thời gian để lành xương hơn so với người bình thường.
Mới đây, các nhà nghiên cứu tại Đại học Pennsylvania ở Philadelphia đã tìm ra một phương pháp có thể chữa lành xương nhanh hơn ở những người đang phải đối mặt với vấn đề sức khỏe này.
Trung tâm phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) ước tính, 30,3 triệu người, tương đương 9,4% dân số nước Mỹ mắc bệnh tiểu đường. Cũng theo tổ chức này, 84,1 triệu người bị tiền tiểu đường có thể phát triển thành bệnh tiểu đường tuýp 2 trong vòng 5 năm nếu không được điều trị kịp thời. Nói cách khác, hơn 100 triệu người trưởng thành ở Mỹ đang phải sống chung với bệnh tiểu đường hoặc tiền tiểu đường.
Do người mắc vấn đề sức khỏe này có nguy cơ bị gãy xương cao và khả năng lành xương kém, các bác sĩ nhận thấy việc chữa lành xương gãy là thách thức không nhỏ. Hiện nay, người mắc bệnh tiểu đường bị gãy xương cần tiêm và phải đến bệnh viện điều trị thường xuyên.
Tuy nhiên, một phát hiện mới đây hứa hẹn sẽ xóa tan mối lo sợ gãy xương ở những người mắc vấn đề sức khỏe này.
Henry Daniell, tiến sĩ tại Đại học Pennsylvania kiêm tác giả của bài viết đăng trên Tạp chí Biomaterials đã chỉ ra, đây là một loại protein vừa dễ sử dụng, giá cả phải chăng vừa có khả năng kích thích sự phát triển của các tế bào tạo xương và tăng cường tái tạo xương.
Nghiên cứu được tiến hành dựa trên công trình thử nghiệm tiên phong được thực hiện bởi tiến sĩ Daniell trong nhiều thập kỷ. Mục đích chính là tìm ra phương pháp thay thế tiết kiệm chi phí, thông qua các sản phẩm thực vật để điều trị vấn đề về insulin.
Trong hơn 50 năm qua, insulin tái tổ hợp, được sản xuất từ nấm men hoặc vi khuẩn, đã cứu sống hàng triệu người. Tuy nhiên, tiến sĩ Daniell cho biết, sản phẩm này khá đắt đỏ và không có khả năng áp dụng trên quy mô lớn, đặc biệt là khi số người mắc bệnh tiểu đường ngày càng gia tăng.
Insulin là hormone protein do tuyến tụy sản xuất. Chúng giúp cơ thể chuyển hóa glucose thành năng lượng. Vì vậy, người mắc bệnh tiểu đường không sản xuất đủ insulin sẽ khiến glucose tích tụ, kéo theo một loạt vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.
Hiện nay phương pháp điều trị bằng insulin rất tốn kém. Theo tiến sĩ Daniell, máy bơm insulin rất đắt đỏ trong khi một phần ba dân số toàn cầu chỉ kiếm được không quá 2 đô la mỗi ngày. Tại Hoa Kỳ, giá máy này đã tăng gấp đôi trong 5 năm qua.
Việc sản xuất insulin nhân tạo cũng tốn kém không nhỏ, đòi hỏi quá trình bảo quản, vận chuyển và sử dụng nghiêm ngặt. Trên thực tế, bớm tiêm tiểu đường là lựa chọn duy nhất của không ít người bệnh trong 50 năm qua.
Theo tiến sĩ Daniell, mục tiêu của phương pháp này là tiết kiệm chi phí và đem lại hiệu quả cao.
Protein trong rau diếp
Yếu tố tăng trưởng giống insulin-1 (IGF-1) là một loại protein đóng vai trò thiết yếu trong quá trình phát triển, tái tạo cơ và xương. Chất này cũng chứa các e-peptide có khả năng thúc đẩy lành vết thương.
Bằng cách sử dụng các phương pháp đặc biệt, nhóm nghiên cứu đã đưa IGF-1 và CTB, một loại protein giúp vận chuyển hỗn hợp protein thông qua hệ thống tiêu hóa tới máu, vào lá rau diếp và loại bỏ gen kháng sinh.
Sau khi rau diếp phát triển, các nhà nghiên cứu tiến hành sấy khô và nghiền nát lá rau, ép thành viên nén có khả năng duy trì nồng độ insulin trong vòng 3 năm.
Thúc đẩy quá trình phát triển xương
Điều trị bằng loại thuốc làm từ rau diếp giúp thúc đẩy sự phát triển của nhiều loại tế bào, trong đó có các tế bào tham gia tái tạo xương.
Các chuyên gia đã tiến hành thử nghiệm trên động vật và nhận thấy, những con chuột mắc bệnh tiểu đường không chỉ có dấu hiệu lành xương nhanh hơn mà còn tăng mật độ và cải thiện độ chắc khỏe của xương.
Nhìn chung, bổ sung IGF-1 thông qua việc ăn rau diếp vừa có hiệu quả cao vừa tiết kiệm chi phí. Đây thực sự là lựa chọn đầy hấp dẫn đối với người mắc bệnh tiểu đường. Nghiên cứu này cũng cung cấp một phương pháp điều trị lý tưởng dành cho người bị gãy xương vì các bệnh xương khớp như loãng xương.
Tiến sĩ Daniell cho biết: "Chúng tôi sử dụng lá rau diếp vì chúng rất mỏng, dễ khô, an toàn và ít gây dị ứng. Sau khi lá được đông khô, protein ở trong trạng thái ổn định trong vòng nhiều năm mà không cần bảo quản và ướp lạnh".
(Nguồn: Medicalnewstoday)