Ngày 26/3, một doanh nghiệp ở Hải Phòng công bố phân phối Brilliance V7 tại Việt Nam. Mẫu xe này nhanh chóng thu hút được sự chú ý từ phía người tiêu dùng nhờ mức giá 738 triệu đồng, và cụm từ "động cơ BMW" đang tạo ra những cuộc tranh cãi dường như không có hồi kết.
Tại thị trường Trung Quốc, Brilliance V7 được bán ra với 2 biến thể, tương ứng với 2 động cơ CE16 và CE18. Trong khi đó, tại Việt Nam, hãng chỉ phân phối biến thể sử dụng động cơ CE16. Động cơ CE được sản xuất bởi Mianyang Xinchen Engine (gọi tắt là PXC), một trong những công ty độc lập hàng đầu về nghiên cứu và sản xuất động cơ tại Trung Quốc. Đây là công ty con của Xinchen China Power Holdings Limited, do Brilliance Auto Group và Wuliangye Group thành lập.
Nhà máy sản xuất động cơ CE16 và CE18 tại Trung Quốc.
Động cơ CE được phát triển dưới sự chia sẻ và giám sát của BMW, dựa trên nền tảng động cơ Prince Series, từng nằm trong Top 10 động cơ tốt nhất thế giới 8 năm liên tiếp do tạp chí WardsAuto bình chọn. WardsAuto là một tạp chí của Mỹ có ảnh hưởng trong ngành công nghiệp ô tô.
Prince Series là động cơ phát triển từ năm 2002, dưới sự hợp tác giữa BMW Group và PSA Group. Sau khi dự án thành công, BMW Group áp dụng dòng động cơ này với tên mã N13 (xe Mini) và N14, N18 (xe BMW), và PSA Group dùng trên rất nhiều xe mang thương hiệu Peugeot và Citroen.
Việc PXC sản xuất động cơ được sự uỷ quyền của BMW từng gây tiếng vang trong làng công nghiệp bốn bánh toàn cầu. Năm 2012, hãng xe Đức cấp phép cho PXC sản xuất động cơ N20, và đây là lần đầu tiên trong lịch sử 100 năm, tập đoàn BMW cho phép một công ty bên ngoài hệ thống nhà máy sản xuất động cơ BMW. Vào năm 2015, BMW tiếp tục uỷ quyền, hỗ trợ phía PXC phát triển động cơ CE từ động cơ Prince Series. Sau 28 tháng, phía BMW đã ký phê duyệt sản xuất hàng loạt động cơ này.
Động cơ của Brilliance V7.
Động cơ đầu tiên ra đời sau dự án này là CE16, và trang bị trên chiếc Brilliance V7. Sau này, hãng xe Trung Quốc tiếp tục giới thiệu phiên bản nâng cấp có tên CE18 với công suất 228 mã lực và mô-men xoắn 300 Nm.
Dù sản xuất dưới sự uỷ quyền, hỗ trợ, giám sát nhiều khâu, thậm chí là cả dây chuyền sản xuất, nhưng không thể gọi động cơ CE là động của của BMW. Vì thế, trên nắp động cơ của Brilliance V7 chỉ có dòng chữ "Supported by BMW Group Technology".
Thực tế, không chỉ riêng hãng Brilliance sử dụng động cơ CE trên sản phẩm của của mình. Tại Trung Quốc còn có 2 dòng xe khác, bao gồm DongFeng T5 và Cheetah Mattu. Và chúng đều được gắn với chữ "động cơ BMW" như một lợi điểm bán hàng (selling point).
Brilliance V7 sử dụng động cơ CE18.
Theo trang phân tích của tờ Sina, công nghệ cốt lõi của ô tô luôn xoay quanh hệ thống treo, hệ truyền động và khung gầm. Những hãng xe non trẻ của Trung Quốc thường dựa vào những ông lớn (phần lớn là đối tác liên doanh) như một công cụ giúp họ trưởng thành nhanh chóng.
Tuy nhiên, những công nghệ mà hãng xe Trung Quốc thừa hưởng thường đã bị các "ông lớn" khai tử. Ví dụ như BMW đã ngừng áp dụng động cơ Prince Series cho những dòng xe mới, hay động cơ Mitsubishi trên Zotye Z8 từng được sử dụng cho những chiếc Lancer đời cũ.