Khảo sát xu hướng quốc gia về thông tin y tế báo cáo rằng 75% người Mỹ truy cập Internet trước tiên khi tìm kiếm thông tin về các chủ đề y tế hoặc sức khỏe. Và YouTube là một trong những nền tảng trực tuyến phổ biến nhất, với hàng tỷ lượt xem mỗi ngày và đã nổi lên như một nguồn thông tin về sức khỏe khá đáng kể.
Một số cơ quan y tế công cộng, chẳng hạn như các sở y tế nhà nước, đã đầu tư nguồn lực vào YouTube như một kênh truyền thông y tế. Bệnh nhân mắc các bệnh mãn tính đặc biệt nhờ đó có thể dựa vào phương tiện truyền thông xã hội, bao gồm các video trên YouTube, để tìm hiểu thêm về cách xử lý các vấn đề của họ.
Nhưng các khuyến nghị video trên các trang web như YouTube thì lại làm điều ngược lại, thậm chí có thể làm trầm trọng thêm sự chênh lệch từ trước đến nay về sức khỏe, bởi thường đề xuất các nguồn không hợp lệ.
Đôi khi YouTube sẽ quay lưng với bạn, khi bạn cần nó nhất.
Anjana Susarla, Giáo sư Hệ thống Thông tin tại Đại học Bang Michigan cho biết ông đã xem xét các nền tảng truyền thông xã hội như YouTube và phát hiện rằng nền tảng video này đang mở rộng sự chênh lệch về kiến thức sức khỏe của mọi người, bằng cách hướng họ đến các nội dung nghi vấn.
Cụ thể, ông đã tiến hành xác minh hàng ngàn video có nội dung liên quan đến bệnh tiểu đường, để xem thông tin hiển thị có phù hợp với các hướng dẫn y tế hợp lệ hay không. Kết quả đáng buồn là các video phổ biến và hấp dẫn nhất lại ít có khả năng chứa thông tin hợp lệ về mặt y tế nhất.
"Người dùng thường gặp các video về tình trạng sức khỏe thông qua các từ khóa tìm kiếm. YouTube sau đó cung cấp các liên kết đến thông tin y tế được chứng thực, chẳng hạn như các kết quả được xếp hạng hàng đầu. Một vài trong số này được sản xuất bởi các tổ chức y tế có uy tín", giáo sư Susarla chia sẻ. "Tuy nhiên, khi tôi tuyển dụng các bác sĩ để xem các video và đánh giá chúng về việc liệu những điều này có được coi là hợp lệ và dễ hiểu từ góc độ giáo dục bệnh nhân hay không. Họ đã đánh giá các đề xuất của YouTube rất kém."
Vị giáo sư này cho biết ông thấy rằng các video phổ biến nhất là những video có xu hướng dễ hiểu về thông tin, nhưng không phải lúc nào cũng có giá trị về mặt y tế. Trước đó một nghiên cứu về các video phổ biến nhất liên quan tới Covid-19 cũng cho thấy rằng 1/4 video không chứa thông tin hợp lệ về mặt y tế.
Sự phân tách về kiến thức y tế
Thuật toán đề xuất của YouTube thường chỉ nhằm mục đích duy nhất là tăng thời lượng xem của người dùng trên nền tảng.
Theo giáo sư Susarla, các vấn đề nói trên là do các thuật toán đề xuất cơ bản trên các nền tảng truyền thông xã hội đều thiên về sự tham gia và tính phổ biến.
Do đó, dựa trên cách các nền tảng kỹ thuật số cung cấp thông tin cho các truy vấn tìm kiếm, người dùng có kiến thức về sức khỏe tốt hơn sẽ có nhiều khả năng tìm đến các lời khuyên y tế từ các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe có uy tín. Nhưng với người ít có kiến thức hơn, họ sẽ dễ bị dẫn tới các phương pháp chữa bệnh giả hoặc tư vấn y tế sai lệch.
Và điều này có thể đặc biệt có hại cho các nhóm thiểu số. Tức là những người có ít kiến thức, kinh nghiệm về việc tìm kiếm hay sàng lọc thông tin y tế trên các nền tảng xã hội.
"Chúng tôi không có đủ nghiên cứu về tình trạng hiểu biết về sức khỏe trong cộng đồng dân tộc thiểu số, đặc biệt là ở khu vực thành thị. Điều đó khiến cho việc thiết kế các chiến dịch truyền thông y tế nhắm vào các nhóm thiểu số và can thiệp để cải thiện việc sử dụng các nguồn lực chăm sóc sức khỏe hiện có là một thách thức", ông chia sẻ.
Mối họa từ một thuật toán thiên vị
Sửa chữa sai lệch thuật toán là cách nhanh nhất để cung cấp thông tin tốt hơn cho người dùng trên các nền tảng công nghệ.
Theo một số ước tính, Google nhận được hơn một tỷ câu hỏi về sức khỏe mỗi ngày. Đặc biệt là những người có trình độ hiểu biết về sức khỏe thấp có nguy cơ gặp phải những thông tin không có căn cứ về mặt y tế, chẳng hạn như những tin đồn phổ biến hoặc những thuyết âm mưu chủ động, không dựa trên bằng chứng khoa học.
Diễn đàn kinh tế thế giới đã đặt tên cho thông tin sai lệch liên quan đến sức khỏe là "infodemic".
Các công ty truyền thông xã hội và tìm kiếm đã hợp tác với các tổ chức y tế để cung cấp thông tin được xác thực và giảm sự lan truyền của thông tin sai lệch. Nhưng nó cần nhiều thời gian để hoàn thiện và trong lúc chờ đợi, vẫn còn rất nhiều người đang phải đối mặt với các thông tin sai lệch, thậm chí có thể gây nguy hiểm tới sức khỏe của chính họ, vào đúng thời điểm họ cần chúng nhất.
Tham khảo TheNextWeb